Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được thành phố Hà Nội đặc biệt chú trọng khi thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội là nhanh chóng rà soát, ban hành các nghị quyết để hợp nhất các cơ chế, chính sách chung trên toàn địa bàn theo hướng có lợi nhất cho các địa phương, vì lợi ích của cử tri và nhân dân. Mười năm qua, với cách làm bài bản, hướng về cơ sở, gần dân, sát dân, Hà Nội đã thực hiện tốt nhiệm vụ này, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng Thủ đô ngày càng vững mạnh.
Tăng cường đối thoại để giải quyết vấn đề dân sinh
Công tác vệ sinh môi trường là một nội dung được người dân thành phố phản ánh, kiến nghị nhiều nhất tại các cuộc tiếp xúc cử tri. Tháng 5-2016, bức xúc trước tình trạng mùi hôi, nước thải, ruồi nhặng từ Khu xử lý chất thải rắn Nam Sơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, người dân ba xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn) đã chặn hàng trăm xe chở rác vào khu xử lý. Người dân yêu cầu chính quyền hỗ trợ nước sinh hoạt, tăng mức hỗ trợ ảnh hưởng môi trường, chính sách về khám, chữa bệnh, cải tạo, nâng cấp bãi rác... Ba ngày sau khi diễn ra sự việc, chiều 28-5-2016, đích thân Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ðức Chung đã xuống tận nơi đối thoại với bà con nằm trong vùng ảnh hưởng. Chia sẻ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, ngay trong buổi đối thoại, 15 kiến nghị của bà con với 33 phần việc đã được người đứng đầu chính quyền thành phố chỉ đạo, giao các sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương xem xét giải quyết. Ông Nguyễn Ích Quyết, ở thôn Ðông Hạ, xã Nam Sơn từng chia sẻ: "Chỉ một tuần sau buổi đối thoại, người dân chúng tôi đã được khám, chữa bệnh, được hưởng trợ cấp nước sạch, tăng mức hỗ trợ dù chưa cao như mong muốn".
Kỳ họp thứ sáu, HÐND thành phố Hà Nội (khóa 15) đã thông qua Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường đối với người dân khu vực chung quanh các khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp trên địa bàn. Trong đó có một số điều chỉnh quan trọng về phạm vi ảnh hưởng; điều chỉnh đối tượng được hưởng hỗ trợ theo hướng tăng lên, vì lợi ích của người dân. Ðây thật sự là tin vui đối với hàng nghìn người dân đang chịu ảnh hưởng trực tiếp tại khu vực bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn), Kiêu Kỵ (Gia Lâm), Xuân Sơn (Sơn Tây), Núi Thoong (Chương Mỹ)… Ðây cũng là một thông điệp tái khẳng định, những vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị luôn được thành phố quan tâm, giải quyết theo những lộ trình thích hợp.
Mười năm qua, hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều cuộc đối thoại, tiếp xúc với người dân. Những cuộc đối thoại giữa chính quyền và người dân về các vấn đề "nóng" đã tạo ra động lực tháo gỡ nhiều vướng mắc trong thời gian ngắn, góp phần tạo tiếng nói chung giữa chính quyền và người dân. Trưởng ban Quản lý Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Phạm Khắc Tuấn cho biết: Sau các hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với công nhân, nhiều kiến nghị của người lao động đã kịp thời được giải quyết. Tính đến tháng 4-2018, đã có 30 trong tổng số 47 kiến nghị của người lao động tại cuộc đối thoại năm 2017 được thực hiện, bảy nhiệm vụ đang triển khai. Nhiều yêu cầu thiết thực với người lao động đã được thực hiện như lắp đặt hệ thống mạng wifi miễn phí tại khu nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các trạm y tế cấp cơ sở, xây dựng nhà trẻ cho con em công nhân, làm cầu vượt đi bộ cho công nhân các khu công nghiệp Thăng Long, Phú Nghĩa cũng được quan tâm triển khai. Ðáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, mới đây Hà Nội đã đề xuất Chính phủ đồng ý để thành phố xây dựng các căn nhà từ 35 m2 đến 40 m2 có mức giá từ 200 triệu đến 400 triệu đồng/căn để bán cho công nhân. Nếu được phê chuẩn, hàng nghìn lao động có cơ hội sở hữu một căn nhà.
Tăng tính hiệu quả, khắc phục bệnh hình thức
Ðể có thể kịp thời tháo gỡ những vướng mắc từ cơ sở, hoạch định chính sách cho sự phát triển bền vững, thời gian qua thành phố Hà Nội đã tăng cường phản biện, giám sát, ban hành nhiều chính sách quan trọng, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri Thủ đô và cả nước.
Phó Chủ tịch Thường trực HÐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: Ngay sau khi hợp nhất, HÐND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều nghị quyết thường kỳ và chuyên đề để hợp nhất các cơ chế, chính sách thuộc tất cả các lĩnh vực và giám sát việc thực hiện. Có thể nói, đây là những cơ sở pháp lý cụ thể hóa các chủ trương, chính sách lớn của Ðảng, phù hợp thực tiễn, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của thành phố trong 10 năm qua.
Ðưa Nghị quyết 15/2008/QH12 vào cuộc sống, 10 năm qua, MTTQ thành phố Hà Nội là đơn vị đi đầu trong thực hiện phản biện xã hội (PBXH) và là đơn vị đầu tiên trong cả nước ban hành Quy chế phối hợp PBXH với Thường trực HÐND, UBND thành phố. Là nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, MTTQ thành phố đã tổ chức 32 hội nghị PBXH vào các dự thảo, nghị quyết, tờ trình... của UBND thành phố trình tại các kỳ họp HÐND thành phố; cấp huyện tổ chức 194 hội nghị PBXH, cấp xã tổ chức 1.193 hội nghị gắn với các nội dung thiết thực, cụ thể, được dư luận ủng hộ như đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết: Ðể xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, MTTQ đã nắm tình hình tư tưởng, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để tham mưu cho cấp ủy và phối hợp với chính quyền trong việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố, giải quyết những vấn đề bức xúc, phức tạp trong nhân dân, làm tốt công tác nắm tình hình, định hướng dư luận xã hội đối với những vấn đề nóng, bức xúc trên địa bàn, hạn chế đến mức thấp nhất việc phát sinh thành những "điểm nóng".
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải từng nhấn mạnh "Giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm về an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ, giải pháp, vừa là thước đo năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở". Nhìn lại kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII có thể thấy nhiều vấn đề dân sinh bức xúc đã được các cấp chính quyền quan tâm, xử lý dứt điểm ngay từ cơ sở. Giải quyết những vấn đề dân sinh, bức xúc, phức tạp là công việc khó khăn, công phu, là nhiệm vụ tất yếu phát sinh trong quá trình vận động phát triển xã hội, nhất là đối với vị trí của Thủ đô Hà Nội. Cho nên, dẫu còn nhiều việc chưa thể bằng lòng, nhưng với cách làm bài bản, hướng về cơ sở, gần dân, sát dân của hệ thống chính quyền các cấp đã góp phần bảo đảm sự ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong thời gian qua và những năm tiếp theo.
(*) Xem Trang Hà Nội (Báo Nhân Dân) số ra từ ngày 3-7-2018.