Cô giáo Nguyễn Thị Lan, nguyên Hiệu trưởng Trường mầm non Ðan Phượng (huyện Ðan Phượng) nhớ lại: "Trước khi có cơ sở mới khang trang như ngày nay, Trường mầm non Ðan Phượng chỉ có những điểm học tạm. Có những điểm được thuê, mượn của nhà dân, rất chật hẹp, không có sân chơi cho các cháu". Cũng theo chia sẻ của cô Lan, trước năm 2008, với chính sách trường mầm non nông thôn thuộc hệ ngoài công lập, nhiều điểm trường phải giao chỉ tiêu tuyển sinh cho giáo viên đến từng nhà để vận động người dân đưa con em đi học. Cho con đến lớp, nhưng nhiều gia đình không có đủ kinh phí đóng tiền ăn trưa, cứ đến trưa lớp học lại vắng hoe, vì các con được gia đình đón về nhà, thậm chí là cho con nghỉ luôn, không quay lại lớp buổi chiều. Giáo dục mầm non nông thôn thời điểm đó chỉ dừng lại ở việc trông giữ trẻ, chưa thực hiện việc dạy dỗ, chăm sóc theo chương trình giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) quy định.
Ðến nay, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, giáo dục tất cả các huyện ngoại thành của Hà Nội đã có bước phát triển mạnh mẽ. Thay vào những dãy nhà tạm, nhà cấp bốn là những cơ ngơi khang trang với những khối nhà cao hai, ba tầng, thầy và trò được dạy và học trong những môi trường đầy đủ tiện nghi, trang thiết bị hiện đại: bể bơi, thư viện, các phòng chức năng… Phó Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD và ÐT Hà Nội) Nguyễn Thị Hào cho biết, tháng 8-2008, Sở tiếp nhận thêm 357 trường mầm non bán công nông thôn. Chỉ trong khoảng sáu tháng sau khi sáp nhập, toàn bộ 357 trường mầm non bán công nông thôn của Hà Tây (cũ) đã được chuyển sang loại hình công lập. Các em nhỏ được đến trường với sự chăm sóc, được dạy dỗ theo chương trình chuẩn. Bữa ăn của trẻ tại trường được bảo đảm theo đúng yêu cầu về dinh dưỡng của lứa tuổi mầm non, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong các trường hằng năm đều giảm dần…
Có thể thấy, việc tập trung trong đổi mới quản lý, điều hành từ cấp thành phố đến cơ sở đã tạo nên những chuyển biến rõ nét về điều kiện dạy học và chất lượng giáo dục ở các nhà trường. Việc nâng cao chất lượng giáo dục đã rút ngắn khoảng cách giữa các quận nội thành và huyện ngoại thành. Thành phố tập trung các nguồn lực để cải tạo, xây dựng các trường chuẩn quốc gia, ban hành nhiều chính sách đặc thù về giáo dục cho các huyện khó khăn, tạo tiền đề để giáo dục Thủ đô phát triển vượt bậc cả về chất và lượng. Cho đến nay, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của thành phố đạt 52%, trong đó, số trường công lập đạt chuẩn quốc gia chiếm 62%. Riêng trong năm học vừa qua, thành phố đã đầu tư hơn 1.846 tỷ đồng cải tạo, sửa chữa 387 trường học các cấp, trong đó có 141 trường mầm non, 140 trường tiểu học, 106 trường THCS, với 2.450 phòng học xây mới và 2.552 phòng học cải tạo, sửa chữa, chủ yếu là tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa,…
Về chất lượng giáo dục, Giám đốc Sở GD và ÐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, thành phố hiện có 2.641 trường học với 1,8 triệu học sinh. Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn tiếp tục đạt thành tích xuất sắc. Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, 84,57% học sinh Hà Nội đăng ký xét tuyển vào ÐH đạt điểm sàn trở lên. Trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, học sinh Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước. Tại các kỳ thi ô-lim-pích quốc tế và khu vực năm 2017, học sinh Hà Nội giành 138 giải và huy chương, trong đó có 39 Huy chương vàng, 42 Huy chương bạc và 44 Huy chương đồng. Tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, học sinh Hà Nội đạt 132 giải... Năm học qua, Hà Nội cũng tổ chức thành công kỳ thi Toán học Hà Nội mở rộng lần thứ 15. Ðầu tháng 5-2018, tại kỳ thi Ô-lim-pích Vật lý châu Á, thí sinh của Hà Nội giành Huy chương vàng và danh hiệu thí sinh nước chủ nhà có kết quả xuất sắc nhất…
Một trong những thay đổi rõ nét của giáo dục Hà Nội những năm gần đây là công tác tuyển sinh đầu cấp đã dần đi vào nền nếp. Kế hoạch phân tuyến tuyển sinh của các quận, huyện linh hoạt hơn theo các điều kiện thực tế. Thành phố thực hiện tuyển sinh theo hình thức trực tuyến, giảm phiền hà cho phụ huynh. Nhu cầu về chỗ học của học sinh được đáp ứng ngày càng tốt hơn, hạn chế được những bức xúc trong phụ huynh. Thời điểm này, ngành GD và ÐT Hà Nội đã chuẩn bị tốt mọi điều kiện về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên cho năm học mới 2018-2019.
Với sự quan tâm, đầu tư thiết thực của thành phố và những nỗ lực của thầy, cô giáo, các em học sinh, trong những năm qua, ngành GD và ÐT Thủ đô đã đạt nhiều thành tích, khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước. Quy mô giáo dục ổn định và phát triển, mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường, chất lượng ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân và yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao của Thủ đô trong thời kỳ mới.