Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội có diện tích 3.344,5 km2, dân số gần 6,5 triệu người. Yêu cầu đặt ra là phải có một định hướng dài hạn để phát triển thành phố trở thành một thủ đô lớn, tầm cỡ trong khu vực và thế giới, đáp ứng yêu cầu của một đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, đồng thời giải quyết những bất cập của một siêu đô thị trong quá trình phát triển. Vì vậy, ngay sau khi hợp nhất, Hà Nội đã phối hợp các bộ, ban, ngành xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sau khi các quy hoạch nêu trên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố đã nhanh chóng lập các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và các quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc. Theo số liệu của Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội đến nay, thành phố đã xây dựng và phê duyệt quy hoạch giao thông vận tải, cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải rắn và nghĩa trang; 57 trong tổng số 68 đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chung; 160 đồ án quy hoạch chi tiết với tổng diện tích gần 12.200 ha, 115 hồ sơ chỉ giới đường đỏ và 30 hồ sơ nhiệm vụ các tuyến đường quan trọng; quy hoạch 28 khu chung cư cũ. Ðối với khu vực ngoại thành, thành phố đã hoàn thành phê duyệt hơn 400 quy hoạch xã nông thôn mới và đang rà soát, điều chỉnh lại theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014. Ngoài ra còn lập một số quy hoạch đặc thù như quy hoạch không gian ngầm khu đô thị trung tâm, quy hoạch bảo tồn phát triển các làng nghề Vạn Phúc, Bát Tràng… Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội Lê Vinh cho biết, đến nay, quy hoạch đã phủ kín 86% diện tích của thành phố với khối lượng quy hoạch đã được phê duyệt đạt khoảng 83%.
Nhờ thực hiện khẩn trương công tác quy hoạch, cho nên lĩnh vực đầu tư xây dựng thời gian qua khá sôi động, nổi bật là giao thông và phát triển nhà ở, làm thay đổi diện mạo của Thủ đô. Không gian đô thị được mở rộng về nhiều hướng, với việc xây dựng các khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật như Văn Quán, Mỹ Ðình, Mỗ Lao, An Khánh ở phía tây; các khu đô thị Việt Hưng, Vinhome Riverside… ở phía đông Linh Ðàm, Gamuda ở phía nam. Hiện nay thành phố đang đẩy mạnh phát triển vùng đô thị phía bắc, bằng các dự án Công viên Kim Quy, Trung tâm hội chợ triển lãm, thành phố thông minh ASEAN... Các công trình hạ tầng giao thông được mở mang, xây dựng, nâng tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông tăng 0,28% đất đô thị mỗi năm và đến cuối năm 2017 đạt khoảng 9,2% đất đô thị. Thành phố xây dựng thêm hơn 430 trường học theo quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục - đào tạo, mạng lưới trường học. Trên cơ sở quy hoạch nông thôn mới, kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa … khu vực nông thôn được đầu tư xây dựng theo hướng chuẩn hóa, làm đổi mới toàn diện khu vực ngoại thành, góp phần căn bản đưa 294 xã, đạt 76% số xã của thành phố về đích nông thôn mới.
Có được những kết quả nêu trên là nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, từ chỉ đạo, điều hành đến triển khai thực hiện nhiệm vụ. Công tác lập quy hoạch được đổi mới, với tầm nhìn chiến lược, dự báo phát triển, gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Các đồ án quy hoạch được nâng cao chất lượng, bảo đảm xây dựng đồ án theo xu hướng tiếp cận, phù hợp với quan điểm thế giới về tính bền vững, văn minh, hiện đại. Trong quá trình lập quy hoạch có sự tham gia của các đơn vị tư vấn trong nước và nước ngoài uy tín, chuyên nghiệp và kinh nghiệm. Công tác quản lý theo quy hoạch và đầu tư các dự án tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được triển khai hiệu quả. Thành phố lập danh mục các dự án ưu tiên có tính chất tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; các dự án trọng tâm, trọng điểm, lập kế hoạch, lộ trình đầu tư, thực hiện phù hợp điều kiện kinh tế, tránh dàn trải. Huy động các nguồn lực và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, tập trung thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ chính, công trình quan trọng về hạ tầng khung.
Tuy nhiên, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch của thành phố thời gian qua còn bộc lộ một số hạn chế. Ðó là việc kiểm soát dân số khu vực nội thành, nhất là khu vực nội đô lịch sử gặp nhiều khó khăn. Công tác đầu tư xây dựng phát triển tại khu vực ngoại thành, tại các đô thị vệ tinh còn chậm, chưa khuyến khích di dân từ khu vực trung tâm ra ngoại thành. Việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, bệnh viện, trường học, trụ sở bộ ngành ra khỏi khu vực nội thành còn chậm. Các dự án nhà ở thương mại được đầu tư xây dựng vượt quá tốc độ phát triển hạ tầng… dẫn đến quá tải về hạ tầng nội đô. Công tác cải tạo chung cư cũ chậm.
Về nhiệm vụ công tác quy hoạch trong thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung chỉ rõ, trên cơ sở các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các đơn vị chức năng, địa phương cần đẩy nhanh việc xây dựng các quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu; kêu gọi đầu tư, thu hút nguồn lực và thực hiện các dự án theo quy hoạch được duyệt. Tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng và quản lý quy hoạch, bảo đảm phát triển đô thị, nông thôn đồng bộ, hiện đại và bền vững. Theo đó, thành phố sẽ tiếp tục phát triển các khu đô thị mới theo tiêu chuẩn xanh, văn hiến, văn minh; sớm triển khai xây dựng năm đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Ðồng thời sớm di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, một số trường đại học, cơ sở khám, chữa bệnh ra khỏi trung tâm thành phố. Thành phố sẽ huy động mọi nguồn lực, tạo bước đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là về giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung, làm cơ sở để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.
(Còn nữa)