Hà Nội hiện có gần 800 nghìn người, trong đó, hơn 93 nghìn người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hằng tháng với tổng số kinh phí chi trả mỗi năm hơn 1.600 tỷ đồng. Công việc nhiều, số lượng người có công lớn, song thành phố luôn triển khai đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi của Ðảng, Nhà nước, đồng thời ban hành nhiều chính sách phù hợp tình hình thực tiễn ở Thủ đô. Nổi bật là chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người có công. Chúng tôi vẫn nhớ ánh mắt lấp lánh niềm vui của ông Nguyễn Văn Kim, cha đẻ của liệt sĩ Nguyễn Văn Ngân, hy sinh năm 1970 tại mặt trận phía nam, khi dọn về căn nhà cấp bốn khang trang gồm ba gian hai chái, rộng hơn 60 m2 ở thôn Dậu 2, xã Di Trạch, huyện Hoài Ðức (Hà Nội). Ông Kim chia sẻ: Gia đình tôi rất mừng khi được chính quyền cùng anh em, con cháu trong dòng họ hỗ trợ xây nhà mới ngay trên nền nhà cũ ngày xưa. Tôi cảm thấy như con trai mình còn sống, về xây nhà cho bố yên tâm sống lúc tuổi già. Tôi rất biết ơn Ðảng, Nhà nước, thành phố và chính quyền địa phương đã luôn quan tâm đến các gia đình người có công như chúng tôi.
Trên thực tế, Hà Nội không còn gia đình người có công ở nhà xuống cấp, song chính sách này vẫn được các ngành, địa phương duy trì, bảo đảm điều kiện sống, mức sống của gia đình người có công luôn bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Năm 2018, Hà Nội có thêm 296 ngôi nhà tình nghĩa được xây dựng, sửa chữa, hoàn thành trước dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ. 10 năm qua, toàn thành phố đã xây dựng, sửa chữa 13.538 nhà ở cho người có công, với tổng kinh phí gần 1.400 tỷ đồng. Trong đó, xây mới 6.216 nhà, sửa chữa 7.322 nhà. Từ chủ trương này, hàng chục nghìn đối tượng chính sách được sống trong những căn nhà mới khang trang, to đẹp hơn.
Không chỉ lo mái ấm cho người có công, trong những năm qua, căn cứ vào tình hình thực tiễn, TP Hà Nội đã hỗ trợ, điều chỉnh nhiều chính sách theo hướng có lợi cho các đối tượng chính sách. Theo đó, chính sách hỗ trợ điều dưỡng luân phiên đối tượng người có công từ 5 năm/lần được rút xuống thành hai năm/lần. 10 năm qua, toàn thành phố có hơn 130 nghìn lượt người đi điều dưỡng luân phiên. Mức phụng dưỡng đối với Mẹ Việt Nam Anh hùng được điều chỉnh tăng từ 400 nghìn đồng/tháng lên đến một triệu đồng/tháng. Chế độ trợ cấp một lần/năm cho người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày tham gia các Ban liên lạc tù chính trị Hà Nội cũng được tăng dần từ 100 nghìn đồng lên 300 nghìn đồng và tới đây là 500 nghìn đồng/người/năm. Ðể tạo điều kiện thuận lợi cho người có công với cách mạng di chuyển làm việc, sinh hoạt hằng ngày, đến nay toàn thành phố đã cấp hơn 26 nghìn thẻ đi xe buýt miễn phí cho các đối tượng này.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Khuất Văn Thành cho biết: Từ năm 2008 đến 2017, thành phố đã vận động đóng góp cho Quỹ "Ðền ơn đáp nghĩa" đạt hơn 308 tỷ đồng; tặng 56.312 sổ tiết kiệm tình nghĩa với kinh phí hơn 48 tỷ đồng. Tất cả các Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng. Ðáng ghi nhận hơn, các cấp, ngành, địa phương đều có Quỹ "Ðền ơn đáp nghĩa", thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ gia đình chính sách khi không may gặp khó khăn, hoạn nạn. Nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ, thành phố đã dành 126.377 suất quà với kinh phí hơn 103 tỷ đồng để tặng các đối tượng chính sách thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, thân nhân gia đình liệt sĩ... Thành phố cũng luôn tăng cường thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công, tập trung giải quyết cơ bản những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công để bảo đảm các đối tượng được thụ hưởng một cách tối đa. TP Hà Nội luôn xác định công tác chăm sóc người có công với cách mạng, "đền ơn đáp nghĩa" là hoạt động thường xuyên, liên tục, phấn đấu các hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú.
Phong trào "Ðền ơn đáp nghĩa" của Thủ đô góp phần xoa dịu những mất mát, đau thương, để người có công có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Với những kết quả đã đạt được, TP Hà Nội được Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công nhận là đơn vị dẫn đầu cả nước trong công tác chăm sóc người có công.