Giữ vững vị thế trung tâm thương mại, công nghiệp lớn của cả nước

Mười năm qua, Hà Nội triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy thương mại - công nghiệp phát triển. Hai lĩnh vực này cũng thu hút được nguồn đầu tư lớn, thúc đẩy kinh tế Thủ đô tăng trưởng.

Dây chuyền sản xuất Công ty Dệt 10-10. Ảnh: Hà Thu
Dây chuyền sản xuất Công ty Dệt 10-10. Ảnh: Hà Thu

Thời điểm năm 2008, khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, hạ tầng thương mại trên địa bàn Hà Nội, nhất là khu vực Hà Tây (cũ) chưa phát triển mạnh. Cả thành phố có 10 trung tâm thương mại (TTTM), 78 siêu thị và 355 chợ. Trong đó, hầu hết các chợ đều được xây dựng từ nhiều năm trước, đã bị xuống cấp. Sau 10 năm, đến nay, đã có 22 TTTM, 125 siêu thị, 454 chợ và hơn 700 cửa hàng tiện lợi phủ khắp địa bàn thành phố, phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. Với thị trường hơn 10 triệu dân, các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực thương mại của Hà Nội. Cuối năm 2015, Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam đã khai trương TTTM Aeon Long Biên rộng 9,6 ha. Mới đây, doanh nghiệp này tiếp tục khởi công xây dựng TTTM thứ hai tại Hà Ðông, với quy mô tổng diện tích gần 9,8 ha, gồm siêu thị và 200 gian hàng bách hóa tổng hợp, bãi đỗ xe, các dịch vụ giải trí, công cộng..., dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2019.

Cùng với việc đầu tư phát triển hạ tầng, hoạt động thương mại trên địa bàn duy trì mức tăng trưởng khá. Ðại diện Sở Công thương thành phố nhận định, tình hình cung cầu hàng hóa được bảo đảm, giá cả thị trường ổn định, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, gây sốt giá, nhất là trong các dịp lễ, Tết. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn giai đoạn 2010-2017 tăng trưởng khá, bình quân đạt 13,7%/năm. Thương mại điện tử cũng phát triển nhanh chóng. Hà Nội giữ vị trí thứ hai cả nước về Chỉ số Thương mại điện tử (EBI).

Mười năm qua, Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nhằm tháo gỡ khó khăn, giải quyết hàng tồn kho, tìm kiếm thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Thành phố đã tổ chức, hỗ trợ 40 đoàn tham gia các chương trình xúc tiến trong nước và hơn 50 đoàn tham gia các chương trình ở nước ngoài, giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp Hà Nội cũng tăng cường kết nối giao thương với các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm tìm kiếm nguồn cung hàng hóa còn thiếu cho thị trường Thủ đô, đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Hà Nội mở rộng tiêu thụ sản phẩm tại thị trường cả nước. Qua đó, hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất, cung ứng đến phân phối, tiêu thụ một cách bài bản, chặt chẽ.

Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong 10 năm qua vẫn duy trì được mức tăng trưởng ổn định. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp giai đoạn 2011-2017 tăng trưởng bình quân 9,2%/năm. Ðến hết năm 2017, Hà Nội đã có tám khu công nghiệp đi vào hoạt động ổn định với 629 dự án đầu tư, trong đó có 325 dự án FDI với vốn đăng ký 5,4 tỷ USD, 304 dự án trong nước với vốn đăng ký 13.386 tỷ đồng. Doanh thu của các khu công nghiệp năm 2017 đạt 6,5 tỷ USD, tăng 2,5 lần so năm 2008; nộp ngân sách 180 triệu USD, tăng ba lần so năm 2008. Thành phố đã và đang triển khai đầu tư, xây dựng Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu công nghệ cao sinh học rộng 200 ha, Khu công viên công nghệ thông tin... Các cụm công nghiệp được đầu tư phát triển, trong đó có 43 cụm đã được lấp đầy và đi vào hoạt động ổn định. Thành phố đã ban hành Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2020 có xét đến năm 2030, trong đó đến hết năm 2020 thành phố sẽ có 138 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.623 ha; năm 2030 có 159 cụm công nghiệp với tổng diện tích 3.205 ha.

Cùng với hình thành các khu, cụm công nghiệp, thành phố và doanh nghiệp cũng chú trọng nâng cao chất lượng, giá trị sản xuất công nghiệp, phát triển ngành ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng, hàm lượng chất xám lớn… Hết năm 2016, thành phố có 59 sản phẩm công nghiệp chủ lực của 46 doanh nghiệp. Tốc độ tăng trưởng bình quân của các doanh nghiệp này từ 10 đến 11%/năm. Nhiều doanh nghiệp có mức doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng/năm như Cơ điện Trần Phú, Cơ nhiệt điện lạnh Bách Khoa, Dệt 10-10… Các tiến bộ mới về khoa học công nghệ như gia công chế tạo sử dụng điều khiển kỹ thuật số CNC, tự động hóa, rô-bốt, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học… đã và đang được áp dụng. Công nghệ thông tin, kết nối máy tính, ứng dụng mạng in-tơ-nét được sử dụng ngày càng phổ biến. Trên nền tảng đó đã ứng dụng các phần mềm chuyên dụng trong thiết kế, gia công chế tạo, quản lý, quản trị…, hình thành các dây chuyền sản xuất đạt trình độ công nghệ tiên tiến của khu vực.

Tuy nhiên, việc phát triển thương mại và công nghiệp của Hà Nội vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. Hệ thống chợ còn nhiều bất cập trong quản lý, hạ tầng xuống cấp, chưa đáp ứng được các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy… Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh trái phép còn nhiều. Các doanh nghiệp công nghiệp của thành phố dù đã có nhiều cố gắng đổi mới nhưng chủ yếu vẫn là gia công, sản xuất các sản phẩm đơn giản. Xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp FDI.

Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, thời gian tới, thành phố tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng thương mại, nhất là hệ thống chợ trên địa bàn. Tăng cường giao thương, liên kết phân phối sản xuất, tạo thành chuỗi cung ứng chặt chẽ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ðồng thời, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và lấp đầy các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy hoạch; phát triển mạnh các ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao; thúc đẩy sản xuất tại các làng nghề để nâng cao thu nhập của người dân. Thành phố luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp để xây dựng Thủ đô không chỉ trở thành trung tâm thương mại - công nghiệp lớn của cả nước, mà còn của khu vực Ðông - Nam Á.