Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Vượt sóng 2020 với những dấu mốc ấn tượng

LTS - Năm 2020, với vai trò nòng cốt của hệ thống an sinh xã hội (ASXH), chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) đã phát huy hiệu quả tích cực giúp hàng triệu người dân, người lao động vượt qua khó khăn, ổn định đời sống do những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, thiên tai bão lũ gây ra. Nhân dịp năm mới Tân Sửu, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam NGUYỄN THẾ MẠNH đã có cuộc trao đổi với Báo Nhân Dân về chủ đề này.

Vượt sóng 2020 với những dấu mốc ấn tượng

Sáng tạo trong tổ chức, thực hiện chính sách

- Ðại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng như thế nào đến lĩnh vực ASXH, nhất là trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT ở nước ta, thưa đồng chí?

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh:

Ðại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến kinh tế - xã hội tất cả các quốc gia và hiện vẫn còn diễn biến phức tạp. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng đã và đang chịu nhiều tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng. Ðiều đó cũng tác động không nhỏ đến việc thực hiện ASXH nói chung, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nói riêng.

Những thách thức có thể nhận diện như nguy cơ nợ BHXH tăng do hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn. Giảm số người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp do lao động mất việc làm, số doanh nghiệp (DN) thành lập mới không tăng. Gây áp lực đến mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện do phải thực hiện giãn cách xã hội, khó khăn trong công tác tuyên truyền vận động…

- Trước bối cảnh như vậy, là cơ quan chuyên trách thực hiện hai trụ cột chính của hệ thống ASXH, BHXH Việt Nam đã thực hiện những giải pháp nào để bảo đảm vượt khó?

Trước hết, BHXH Việt Nam đã chủ động, bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19. Ðặc biệt, BHXH Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ người dân và DN như: Cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 (gửi hồ sơ, nhận và trả kết quả trực tuyến) trên Cổng Dịch vụ công quốc gia của Chính phủ; chi trả lương hưu, chế độ BHXH qua tài khoản ATM và hệ thống ngân hàng; giãn, hoãn đóng quỹ hưu trí, tử tuất theo chỉ đạo của Chính phủ cho DN; bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHYT... Mới nhất, BHXH Việt Nam đã công bố ứng dụng "VssID - Bảo hiểm xã hội số" trên điện thoại thông minh với nhiều tiện ích giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 do tiếp xúc trực tiếp trong tham gia, tra cứu, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, đáp ứng sự hài lòng của người dân và DN.

Bên cạnh đó, cùng với những giải pháp truyền thông, vận động sáng tạo, phù hợp, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT vẫn đạt được kết quả tích cực. Hết năm 2020, diện bao phủ BHXH được mở rộng với hơn 16,1 triệu người tham gia, đạt 32,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó số người tham gia BHXH tự nguyện gần 1,1 triệu người, tăng 90% so năm 2019, tăng 1,2% so chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28 của Ðảng và tăng gấp năm lần so năm 2015. Duy trì và tăng trưởng đối tượng tham gia BHYT theo lộ trình BHYT toàn dân với 88 triệu người tham gia, chiếm 90,85% dân số, vượt 0,15% chỉ tiêu bao phủ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ; đặc biệt, so mục tiêu của Nghị quyết Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng và Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị vượt 10,85%.

Năm 2020, ngành BHXH giải quyết gần 134 nghìn người hưởng mới BHXH hằng tháng; gần 9,6 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; gần 167,3 triệu lượt người khám, chữa bệnh (KCB) BHYT;... Ðặc biệt, chính sách BH thất nghiệp đã giúp hàng trăm nghìn người lao động có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì cuộc sống; giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về tài chính, vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc cho người lao động và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, vì không phải cấp một khoản kinh phí cũng như thời gian để xây dựng chính sách, trình tự, thủ tục để tổ chức thực hiện hỗ trợ cho đối tượng này. Năm 2020, toàn quốc đã giải quyết chế độ BH thất nghiệp cho hơn một triệu người với số tiền chi trả hơn 16.000 tỷ đồng, tăng 32,7% so cùng kỳ năm 2019.

a262.jpg -0
 Cán bộ, công chức, viên chức ngành BHXH Việt Nam trong lễ ra quân hưởng ứng ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam. Ảnh: TÚ LINH

Tám nhóm giải pháp trọng tâm trong năm 2021

- Ðể hỗ trợ tốt hơn nữa cho người dân, người lao động, DN, thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ triển khai, thực hiện những giải pháp nào, thưa đồng chí?

Với quyết tâm cao nhất trong thực thi nhiệm vụ ngày càng mở rộng, hướng tới phục vụ toàn thể nhân dân, BHXH Việt Nam sẽ gắn chặt mọi hoạt động với phương châm hành động: "Kỷ cương, đoàn kết, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả". Cụ thể, trong năm 2021, có tám nhóm giải pháp trọng tâm gồm:

Một là, tiếp tục chủ động, tích cực tham gia cùng các bộ, ngành hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định phù hợp, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân; kịp thời tổ chức thực hiện hiệu quả các quy định mới về BHXH, BHYT có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021.

Hai là, tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, linh hoạt, sáng tạo để hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 125 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28; các Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.

Ba là, đẩy mạnh việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, đặc biệt là người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Bốn là, tiếp tục phối hợp thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông BHXH, BHYT tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện Nghị quyết số 28.

Năm là, giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT bảo đảm chính xác, kịp thời, thuận tiện nhất cho người thụ hưởng; tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ, chi trả qua các tổ chức dịch vụ công; đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ. Quản lý chặt chẽ việc chi trả các chế độ BHXH ngắn hạn, trợ cấp một lần, chi trả trợ cấp thất nghiệp; chủ động kiểm soát chi phí KCB BHYT bảo đảm đúng quy định và dự toán được Chính phủ giao năm 2021. Ðẩy mạnh công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hành vi trốn đóng, gian lận, trục lợi quỹ BHXH, BHYT.

Sáu là, tiếp tục tăng cường cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ; liên thông dữ liệu với các bộ, ngành; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; khuyến khích, hỗ trợ người dân sử dụng ứng dụng BHXH số-VssID.

Bảy là, tiếp tục kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; triển khai hiệu quả Ðề án "Ðổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" và Nghị định số 89 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam; xây dựng đội ngũ công chức, viên chức toàn ngành vững nghiệp vụ chuyên môn, chuyên nghiệp, tận tụy, năng động, sáng tạo...

Tám là, thực hiện phân công, phân nhiệm bảo đảm nguyên tắc: rõ người, rõ việc, rõ quy trình, trách nhiệm; phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, chuyển đổi mạnh mẽ tác phong làm việc sang phục vụ người tham gia, thụ hưởng chính sách tạo thuận lợi tối đa cho người dân và DN.

Một vấn đề đang được rất nhiều người lao động quan tâm trong đại dịch Covid-19 là chính sách BH thất nghiệp. BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức thu, chi các chế độ BH thất nghiệp, quản lý và sử dụng quỹ BH thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm và các quy định liên quan. Ðồng thời, tăng cường giám sát việc thực hiện các chế độ BH thất nghiệp nhằm đưa người lao động thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động, đánh giá lại công tác dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động bị thất nghiệp. Từ đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách về hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động. Mở rộng điều kiện hỗ trợ để người sử dụng lao động dễ tiếp cận hơn với chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Bổ sung các khoản hỗ trợ khác ngoài hỗ trợ học nghề…

- Năm 2021 - năm cần hoàn thành mục tiêu đầu tiên của Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, đồng chí có thông điệp gì gửi tới toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành?

Ðể thực hiện được những mục tiêu lớn đặt ra trong năm 2021, đội ngũ lãnh đạo BHXH Việt Nam sẽ tập trung cao độ, chỉ đạo điều hành, tập trung mọi nguồn lực, giải pháp để triển khai có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; xứng đáng với sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo của Ðảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, sự tin tưởng của nhân dân. Toàn ngành BHXH Việt Nam sẽ tập trung triển khai tám nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao: số người tham gia BHXH đạt khoảng 35,2% so với lực lượng lao động trọng độ tuổi, vượt 0,2% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28; số người tham gia BH thất nghiệp đạt khoảng 28,5% so với lực lượng lao động, vượt 0,5% so chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28; số người tham gia BHXH đạt tỷ lệ khoảng 91,58% dân số.

Tôi mong rằng, năm 2021, toàn thể công chức, viên chức, người lao động ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần nỗ lực vượt khó, đẩy mạnh thi đua yêu nước, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Tiếp tục nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, bảo đảm quyền lợi người tham gia; lập thành tích chào mừng Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Với tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn. So với các quốc gia phát triển trên thế giới, để đạt mục tiêu BHYT toàn dân cần từ 40 đến 80 năm, trong khi Việt Nam là 17 năm.