Phát huy mô hình kinh tế hợp tác xã

Ngoài vai trò bình ổn thị trường, Saigon Co.op được biết đến thông qua sự nhanh nhạy, chủ động, đi đầu trong công tác hỗ trợ nông dân, tạo đầu ra cho nông sản, nâng cao vị thế hàng Việt, phòng, chống dịch Covid-19... Tiếp nối truyền thống các thời kỳ, Saigon Co.op tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động, thể hiện vai trò chủ đạo của kinh tế tập thể trong giai đoạn hội nhập.

Phát huy mô hình kinh tế hợp tác xã

Sau ngày thống nhất đất nước, hợp tác xã (HTX) giữ vai trò chủ đạo trong việc giúp Ðảng và Nhà nước ta điều tiết thị trường, là cầu nối quan trọng để mang hàng hóa thiết yếu đến tay người dân, cũng như tạo ra công ăn việc làm cho đông đảo người lao động. Ban Quản lý HTX Mua bán, tiền thân của Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cũng được ra đời trong bối cảnh đó. Khi đất nước đổi mới, "thuyền trưởng" Nguyễn Thị Nghĩa đã mạnh dạn chuyển đổi từ Ban Quản lý HTX Mua bán theo hướng tự chủ trong sản xuất, kinh doanh để không bị giải thể, đổ vỡ như bao HTX khác. Quyết định mang tính lịch sử ấy, đã khai sinh ra Saigon Co.op.

Nguyên Bí thư Ðảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HÐQT) Saigon Nguyễn Ngọc Hòa nhớ lại: "Saigon Co.op được hình thành từ năm 1989. Ðến năm 1998, Saigon Co.op mới kết nạp các HTX thành viên để trở thành Liên hiệp của các HTX thành viên. Lúc này, nguồn vốn của Saigon Co.op được hình thành từ ba hợp phần: 95% là lợi nhuận được tích lũy từ năm 1989 đến năm 1998; một phần nhỏ từ vốn hỗ trợ của Nhà nước trong việc hỗ trợ, sửa chữa cửa hàng tại Ðặng Văn Bi ngày nay và còn lại là do các HTX thành viên góp vào. Ðây chính là nét đặc thù lớn so với Luật HTX năm 2012. Bởi vì, trên thực tế, các HTX thành viên không phải là "ông chủ" của Saigon Co.op, mà ở đây, bản thân Saigon Co.op đã có sẵn vốn và thực hiện việc mời gọi các HTX tham gia, để được hỗ trợ tốt hơn trong hoạt động kinh doanh".

Trong 31 năm qua, ngoài việc quan tâm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, Saigon Co.op còn được các cấp lãnh đạo giao trọng trách là duy trì, hỗ trợ phát triển phong trào HTX trong cả nước. Thay mặt Ðảng ủy, HÐQT, Ban Tổng Giám đốc Saigon Co.op, ông Nguyễn Anh Ðức khẳng định: "Tiếp nối truyền thống lịch sử qua các thời kỳ, HÐQT, Ban Tổng Giám đốc Saigon Co.op luôn cam kết sẽ tạo mọi chính sách tốt nhất để các HTX thành viên hoạt động thuận lợi".

Ngày 9-3-2020, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; điều này cho thấy vai trò của mô hình kinh tế tập thể rất quan trọng, nhất là trong giai đoạn hội nhập. Ði đầu trong hoạt động hợp tác quốc tế, Saigon Co.op đã đại diện Việt Nam đăng cai tổ chức hội thảo HTX Quốc tế châu Á-Thái Bình Dương (ICA-AP) với chủ đề xoay quanh công tác quản lý các mô hình HTX tiêu dùng trong khu vực, với hàng trăm lượt đại biểu đến từ Xin-ga-po, Nhật Bản, Ấn Ðộ, In-đô-nê-xi-a, I-ran, Ma-lai-xi-a, Mi-an-ma, Xri Lan-ca, Phi-li-pin, Hàn Quốc. Ngoài ra, Saigon Co.op đã liên kết với HTX FairFrice, Tập đoàn Mapletree của Xin-ga-po để cho ra đời thương hiệu Ðại siêu thị Co.opXtra và Trung tâm thương mại SC VivoCity.

"Là nhà bán lẻ tiêu dùng hàng đầu Việt Nam nhiều năm liền, trong tốp 200 HTX tiêu biểu toàn thế giới, ngoài những nỗ lực của tập thể cán bộ, đảng viên, người lao động, chắc hẳn, không thể thiếu vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố Hồ Chí Minh cho hoạt động kinh doanh của Saigon Co.op luôn được thuận lợi và không chệch hướng, thông qua những chủ trương, chính sách cụ thể. Ðiều này, đòi hỏi các thế hệ lãnh đạo của Saigon Co.op phải hết sức trân trọng và quyết tâm gìn giữ cho bằng được những giá trị lịch sử này", Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Nghĩa, nguyên Chủ tịch HÐQT đầu tiên của Saigon Co.op chia sẻ.