Vị ngọt của rừng

Rừng ngập mặn điệp trùng ôm lấy Ða Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa). Tôm cá sinh sôi, ong rừng cũng về làm mật, người dân làng biển thêm những nụ cười.

Người dân "chiến đấu" với những con hà giúp cây tăng trưởng. Ảnh: GCF
Người dân "chiến đấu" với những con hà giúp cây tăng trưởng. Ảnh: GCF

1 USD bằng 130 USD

Rừng ngập mặn chủ yếu trồng vẹt, bần, sú... Hơn 10 năm qua, rừng quanh làng lúc nào cũng xanh mướt, che chắn bão tố. "Nhiều năm nay chúng tôi thấy nguồn cua cá, hải sản chưa bao giờ cạn, bởi rừng mọc tới đâu là cua cá về bám dưới tầng rễ cây làm tổ ấp trứng tới đó, chúng ngụ giữa rễ cây ngập nước", chị Bùi Thị Dìn, 56 tuổi (thôn Yên Lộc), một trong những người đầu tiên tham gia trồng rừng ngập mặn ở Ða Lộc cách nay 14 năm, hồ hởi chia sẻ.

Ðâu là khởi điểm để có cánh rừng bạt ngàn chạy dọc năm km bờ biển, vươn ra biển tới hơn một km như hôm nay? Ông Nguyễn Viết Nghị, điều phối viên Dự án Quỹ Khí hậu xanh (GCF) thuộc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhớ lại: Vào tháng 9-2005, cơn bão Damrey tràn qua bờ biển phía đông của tỉnh Thanh Hóa. Các cuộc khảo sát sau cơn bão cho thấy: Nơi rừng ngập mặn tồn tại, đê không bị phá vỡ do triều cường. Giảm thiệt hại thiên tai, không có cách nào khác là củng cố đê biển bằng cách trồng rừng ngập mặn.

Vào năm 2006, ông Nghị đến Ða Lộc với nhiệm vụ trồng và quản lý rừng ngập mặn, dự án ban đầu do Tổ chức Care Việt Nam triển khai. Kế hoạch rất đơn giản: Hỗ trợ cộng đồng trồng "một bức tường sống" là cây rừng ngập mặn, nhằm chống lại các cơn bão trong tương lai. Nhưng ở lần đầu, cây cối đã chết chỉ sau hai tháng. May sao, phát hiện được nguyên nhân cây chết là do các con hà bám vào. Dân làng khi ấy lại vào cuộc chiến đấu mới, cạo hà khỏi cây, ngày này qua tháng khác, cho đến khi cây con trưởng thành và đủ khả năng tự chống chịu.

Ðến nay, Ða Lộc trồng hơn 400 ha rừng ngập mặn dọc bờ biển. Những cây lớn nhất tạo thành một "bức tường" dày chắn sóng. Toàn bộ hoạt động chỉ tốn 1.000 USD/ha rừng trồng. Ông Nghị đưa ra phép tính: "Ðầu tư một USD cho trồng rừng ngập mặn, tiết kiệm được 130 USD làm đê bê-tông". Ðó là một cách tiết kiệm chi phí để bảo vệ các làng biển nơi đây trước thời tiết khắc nghiệt, đồng thời thúc đẩy an ninh lương thực và cải thiện thu nhập. "Bây giờ, khi một cơn sóng lớn đến, rừng ngập mặn lấy năng lượng của nó và làm cho nước lặng sóng, giống như một bàn tay lớn xòe ra che chở mọi người", ông Nghị ví von.

Trồng rừng, lại được rừng nuôi

Rất nhiều hộ dân Ða Lộc nay làm ao nuôi tôm cạnh rừng. Qua tìm hiểu, các hộ nông dân thấy: Nhờ có rừng ngập mặn, nước thủy triều vào ao tôm đã được làm sạch bởi bộ lọc là rễ cây rừng. Cây bần chua có rễ thở, cho nên đã hút các chất bẩn ô nhiễm ngay tại rừng, khi nước vào ao nuôi tôm đã sạch sẽ an toàn. Thấy được lợi ích của rừng ngập mặn với nuôi tôm, một số hộ gia đình còn trồng rừng cạnh ao tôm để vừa chống xói lở bờ ao, làm bóng mát cho tôm mùa hè và lọc nước sạch cho ao tôm phát triển bền vững, ít dịch bệnh.

Biết rừng cây sú, vẹt trổ hoa quanh năm, người dân các xã Nga Thủy, Ða Lộc từ lâu đã có kinh nghiệm nuôi ong lấy mật, nên càng nhiệt tình hưởng ứng dự án GCF. Gia đình ông Nguyễn Văn Tái, 68 tuổi (thôn Lê Lợi, xã Nga Thủy) đã có hơn 10 năm nuôi ong mật. Tuy nhiên, trước đây, gia đình chỉ nuôi theo kinh nghiệm học hỏi từ những hộ đi trước tại địa phương. Sau khi tham gia mô hình nuôi ong mật, được tập huấn, mở rộng kiến thức, hiểu biết về kỹ thuật, hiện gia đình ông nuôi 30 đàn. "Nuôi ong mật mang lại hiệu quả kinh tế thấy rõ. Ðặc biệt, kể từ khi tham gia mô hình, gia đình tôi nâng cao được thu nhập; có tổ chức hội để hoạt động và trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau về mọi mặt, vững tin phát triển nghề", ông Tái bộc bạch.

Ðáng mừng, 40 hộ làng biển được hỗ trợ cấp 180 đàn ong từ tháng 2-2020. Ðến hết tháng 6-2020, tổng sản lượng mật thu về của các hộ đạt 1.400 kg, doanh thu đạt 280 triệu đồng, lợi nhuận ước đạt 240 triệu đồng. Thành công của mô hình nuôi ong lấy mật trở thành tiền đề cho việc phát triển nghề nuôi ong và xây dựng thương hiệu mật ong rừng ngập mặn của xã Ða Lộc.

Không chỉ vậy, trên địa bàn các huyện ven biển của tỉnh Thanh Hóa, nhiều mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu đã và đang được triển khai thực hiện, như các mô hình: "Nuôi tôm sú xen ghép cua xanh", "Nuôi tôm sú xen ghép cá rô phi", "Nuôi cua xanh thương phẩm"... Giám đốc Ban Quản lý GCF tỉnh Thanh Hóa Lê Công Cường vui mừng: "Những tín hiệu mới đã mở ra kỳ vọng trong tương lai. Những kết quả bước đầu đã phần nào cho thấy tính thiết thực, bền vững của các mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu".

Nhận thức đúng đắn được hình thành từ thực tế, sự sống còn của làng và "miếng cơm manh áo" mỗi nhà, nên người dân càng quý rừng, quyết tâm tiếp tục trồng rừng. Rừng ngập mặn nơi đây sẽ còn có thể trở thành điểm thu hút nhiều du khách. Nghĩa là, rừng lại mở thêm cho con người những cánh cửa lấp lánh ước mơ.