Lúa sạch trên đồng mặn
Miệng cắn mấy hạt lúa vừa chuyển vàng còn thơm mùi sữa ngay mé đồng được canh tác theo quy trình "Lúa sạch Thới Bình", nụ cười nở bừng trên gương mặt lão nông Trịnh Hoàng Cung, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dân Phát (ấp Sáu La Cua, xã Biển Bạch Ðông, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau): "Thời tiết năm nay không thuận lắm nhưng bụi lúa nở to, hạt chắc đều. Với đà này, năng suất không dưới 4 tấn/ha", ông Cung rổn rảng.
Dân Phát là một trong hai HTX nông nghiệp đầu tiên trên địa bàn xã Biển Bạch Ðông. Vụ lúa trên đất nuôi tôm (lúa - tôm) năm nay, 339 ha đất của HTX tiếp tục gieo trồng giống ST 24 - một trong những giống lúa ngon nhất Việt Nam hiện nay. Với giống lúa ấy, trong năm 2019, hơn 3 ha lúa nhà ông Cung thu về gần 13 tấn. Tuy năng suất chưa cao nhưng nhờ canh tác theo mô hình lúa sạch mà toàn bộ lúa của gia đình ông Cung và xã viên HTX được bao tiêu đầu ra với giá 7.200 đồng/kg, giúp thu nhập vụ lúa bình quân của mỗi hộ xã viên tăng từ 20-30%.
Huyện Thới Bình là "thủ phủ" vùng lúa - tôm của tỉnh Cà Mau với khoảng 20.000 ha, chiếm gần 50% diện tích lúa - tôm trên địa bàn tỉnh. Nhờ tăng cường tuyên truyền và đẩy mạnh chuyển giao khoa học, kỹ thuật mà đến nay, khoảng 70% số nông hộ canh tác lúa - tôm trên địa bàn huyện đã chuyển đổi các giống lúa mùa phẩm chất gạo thấp sang các giống ngắn ngày chất lượng cao có gốc ST, được canh tác theo quy trình lúa an toàn, lúa hữu cơ, lúa sinh thái...
Gõ cửa thị trường khó tính nhất
Do nhiều nguyên nhân, một số vùng ở Cà Mau có nguồn nước mặn - ngọt theo mùa. Tức, mùa mưa thì nước ngọt và mùa hạn thì nước mặn. Ðiều kiện đặc thù ấy thích hợp canh tác lúa - tôm, một trong những mô hình được đánh giá là thuận thiên, bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Ðến nay, toàn tỉnh đã phát triển lúa - tôm lên hơn 40.000 ha, trong đó Thới Bình là vùng canh tác lúa - tôm trọng điểm của tỉnh. Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Lý Minh Vững cho biết: Thới Bình tiếp tục phát triển mô hình lúa - tôm sạch, lúa - tôm hữu cơ... gắn với phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, thích ứng biến đổi khí hậu. Ðó cũng là một trong ba khâu đột phá mà Ðảng bộ huyện xác định trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Cà Mau có ba bề giáp biển cho nên sản xuất nông nghiệp rất dễ bị tổn thương trước những tác động tiêu cực từ thời tiết và biến đổi khí hậu. Ý thức rõ những tác động bất lợi ấy thời gian qua, chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh đã đẩy mạnh quy hoạch, định hình và tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh một cách khoa học, bài bản. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau Lê Thanh Triều phân tích: Trong chỉ đạo sản xuất, chúng tôi định hướng rõ là phải theo quy trình, tiêu chuẩn, nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, có các chứng nhận đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường nhằm có đầu ra ổn định, tránh tình trạng người dân thích gì trồng đó và làm theo tập quán.
Ðịnh hướng này giúp Cà Mau đột phá vào phân khúc thị trường nông sản sạch và an toàn đầy triển vọng. Ðến nay, Cà Mau xây dựng thành công một số vùng chuyên canh lúa - tôm gắn với chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ với tổng diện tích hơn 15.000 ha, chiếm khoảng 19% tổng diện tích canh tác lúa toàn tỉnh. Trong đó, một số sản phẩm lúa đã được công nhận thương hiệu, như: "Lúa sinh thái Cà Mau", "Lúa sạch Thới Bình", "Gạo sạch Minh Tâm", "Gạo sạch Ông Muộn"…
Trong mười chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ ngành hàng lúa mà Cà Mau đã tạo dựng, có khoảng 8.500 ha lúa cao sản an toàn; 2.500 lúa thơm đặc sản (ST24, ST25, Ðài Thơm 8); lúa - tôm đặc sản (ST24, ST25) khoảng 3.000 ha; khoảng 700 ha lúa hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc tế USDA, EU, JAS. USDA của Mỹ, EU của châu Âu và JAS của Nhật Bản. Ðây đều là những tiêu chuẩn khắt khe và cao nhất thế giới hiện nay. Một khi đã có được ba "tấm thẻ xanh" này, hạt gạo và nông sản Cà Mau sẽ rộng đường xuất ngoại, cả với những thị trường "khó tính" trên thế giới.