"Tấm khiên" bảo vệ doanh nghiệp

Nếu ví hội nhập như một dòng chảy ra biển lớn đưa hàng hóa Việt Nam ra thị trường thế giới và ngược lại, giúp hàng hóa nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam thì phòng vệ thương mại (PVTM) chính là "tấm khiên" được dựng lên để bảo vệ lợi ích hợp pháp cho các doanh nghiệp (DN) trong nước.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước đã tăng cường xuất khẩu sau khi biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng như thép Hòa Phát, Tôn Ðông Á.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước đã tăng cường xuất khẩu sau khi biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng như thép Hòa Phát, Tôn Ðông Á.

Chủ động ứng phó

Việt Nam đã và đang mở cửa thị trường trong nước cho hàng hóa từ 51 nước đối tác thuộc các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho biết, các ngành hàng của Việt Nam đã sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh với hàng hóa NK và coi đây là cơ hội tốt để nâng cao năng lực. Song trong bối cảnh dịch Covid-19, có thể có những nguồn hàng bị dư thừa, sẽ chuyển hướng vào Việt Nam bằng cách này hay cách khác. "Lúc này, công cụ PVTM, gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống tự vệ là biện pháp rất hữu hiệu để bảo vệ lợi ích hợp pháp trước hàng hóa NK cạnh tranh không lành mạnh", bà Trang nhấn mạnh.

Theo thống kê của Bộ Công thương, số lượng vụ việc PVTM trong những năm gần đây có chiều hướng gia tăng, không chỉ thể hiện mức độ cạnh tranh của hàng hóa NK đối với hàng hóa trong nước mà còn cho thấy năng lực của DN trong việc chủ động lựa chọn sử dụng các công cụ PVTM để bảo vệ lợi ích chính đáng. Nếu như hết năm 2015, Việt Nam mới chỉ điều tra và áp dụng được hai biện pháp PVTM đối với mặt hàng: dầu ăn và thép không gỉ cán nguội (inox) thì chỉ trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, Bộ Công thương đã khởi xướng điều tra, áp dụng 19 biện pháp PVTM để bảo vệ hoạt động sản xuất của các ngành sản xuất trong nước.

Các biện pháp PVTM được nhận định là đã góp phần thực hiện chủ trương phát triển các ngành sản xuất trong nước, cụ thể là bảo vệ việc làm của gần 150 nghìn người lao động. Mặt khác, theo tính toán, những ngành sản xuất này ước tính (theo GDP Việt Nam năm 2019) đang đóng góp khoảng gần 6% GDP của cả nước. Với việc tăng thuế NK, các biện pháp PVTM được áp dụng góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước với mức thuế thu được ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Mặt khác có thể thấy, nhờ công cụ PVTM, một số DN đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất, kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất. Ngoài ra, qua thực tế cho thấy nhiều DN sản xuất trong nước đã tăng cường xuất khẩu sau khi biện pháp PVTM được áp dụng.

Quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam Nguyễn Văn Lộc cho biết, trong bối cảnh đường từ Thái-lan nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến DN trong nước, thì việc Bộ Công thương triển khai các biện pháp PVTM mới đây rất kịp thời, góp phần tháo gỡ một phần khó khăn cho DN trong nước.

Phát huy nội lực của DN

"Trước diễn biến phức tạp của thương mại toàn cầu, tác động của dịch Covid-19 và quy mô hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam ngày càng gia tăng nhanh, để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, DN cần coi biện pháp PVTM là một phần trong chiến lược sản xuất, kinh doanh", Cục trưởng PVTM, Bộ Công thương Lê Triệu Dũng nêu ý kiến. Do PVTM là lĩnh vực phức tạp, là công cụ rất mới đối với nhiều ngành sản xuất, nền kinh tế Việt Nam, Bộ Công thương ban hành Quyết định 1347 về nâng cao năng lực PVTM cho các ngành sản xuất trong nước, trong bối cảnh tham gia các FTA. Trong đó đề ra hàng loạt giải pháp phối hợp các hiệp hội, bộ, ngành để cung cấp thông tin thường xuyên, định kỳ, chuyên sâu và tổng hợp các nguồn lực để DN có thể chủ động ứng phó, sử dụng công cụ PVTM, kể cả khi xuất khẩu hay đối phó hàng NK ồ ạt vào Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nghiêm Xuân Ða cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng để bước ra sân chơi lớn quốc tế với tâm thế tự tin chính là đầu tư công nghệ mới, hiện đại. Ngoài ra, nhiều DN còn chủ động, dựa vào năng lực sản xuất, vận hành đã mạnh dạn đa dạng hóa thị trường, nhằm hạn chế rủi ro trong thương mại quốc tế.

Có chuyên gia kinh tế đã nói rằng: "Free trade never be free" (thương mại tự do không có gì là miễn phí). Cái không miễn phí ở đây chính là công cụ PVTM các quốc gia NK dựng lên để bảo vệ nền sản xuất trong nước một cách hợp pháp. Song điều quan trọng là DN cần phối hợp chặt chẽ cơ quan chức năng để cùng với việc nâng cao năng lực, còn sử dụng công cụ này một cách uyển chuyển, hiệu quả như "tấm khiên" bảo vệ nền sản xuất trong nước phát triển.