Ðộng lực cho tăng trưởng
Bên cạnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8-2020, vào cuối năm 2020, Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN 37, tạo nên một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP xấp xỉ 26,2 nghìn tỷ USD (khoảng 30% GDP toàn cầu). Một cái kết có hậu sau tám năm đàm phán căng thẳng, mặc dù chưa có sự tham gia của Ấn Ðộ.
Như vậy, tính đến hết tháng 11-2020, Việt Nam đã và đang đàm phán 16 hiệp định tự do thương mại (FTA) có độ phủ rộng hầu hết các châu lục, với gần 60 nền kinh tế, có tổng GDP chiếm khoảng 90% GDP thế giới, trong đó có 14 hiệp định đã có hiệu lực.
Bên cạnh những tác động tích cực đã định lượng được, các FTA đã ký kết còn góp phần tạo nên tâm lý lạc quan trong cộng đồng doanh nghiệp (DN), củng cố niềm tin kinh doanh, hứa hẹn triển vọng kinh tế khá tươi sáng. Tại lễ công bố chỉ số niềm tin kinh doanh quý IV-2020, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Nicolas Audier cho biết: "Bất chấp một năm 2020 khó khăn đối với thương mại quốc tế, khảo sát của chúng tôi cho thấy các biện pháp ứng phó nhanh chóng và hiệu quả của Việt Nam đối với đại dịch toàn cầu đã mang lại hiệu quả. Lãnh đạo các DN châu Âu cảm thấy tích cực hơn cả về DN của họ cũng như môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam".
Chăm vườn mới mong hái quả
Còn nhớ khi phát biểu tại sự kiện EVFTA chính thức có hiệu lực hồi tháng 8-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc không chỉ bày tỏ vui mừng, mà còn nhắc nhở về thực tế, các FTA chưa mang lại hiệu quả tương xứng với tiềm năng và nêu ra nhiều câu hỏi lớn, cũng chính là những "nút thắt" cần tháo gỡ. Ðó là nâng cao hiệu quả truyền thông về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và FTA; là tháo gỡ những rào cản vô hình đối với DN; thay đổi tư duy làm kinh doanh theo hướng chủ động hơn nữa để đáp ứng những điều kiện của các FTA…
Quả thật, nếu ví các FTA như một vườn cây ăn trái, thì trước khi được thụ hưởng trái ngọt từ khu vườn này, những "người làm vườn" phải đầu tư cả vốn liếng, lẫn công sức mỗi ngày. Và hầu như không một DN đơn lẻ nào làm được điều này. Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10 Thân Ðức Việt, mỗi năm, DN này sản xuất 18 triệu áo sơ-mi cho nên cần 30 triệu mét vải
sơ-mi; 1,5 triệu bộ veston cho nên cần 5 triệu mét vải. Trong khi đó, có những sản phẩm cùng chủng loại nguyên phụ liệu hoàn toàn có thể làm ở Việt Nam thay vì nhập khẩu từ Trung Quốc. Nếu kết nối để hình thành chuỗi sản xuất - cung ứng thì lợi cả đôi đằng, nhất là đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế từ FTA. Nhưng nghịch lý ở chỗ, nếu làm nguyên phụ liệu ở Việt Nam, giá thành còn cao hơn nhập từ Trung Quốc, tốc độ phát triển mẫu mã và thời gian sản xuất cũng lâu hơn. Do đó, dễ hiểu khi DN này vẫn phải nhập khẩu đến 60 - 70% số nguyên phụ liệu, đồng nghĩa DN không được hưởng lợi từ các hiệp định EVFTA, Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
"Chính sách phát triển quan hệ đa phương thể hiện qua việc tham gia hàng loạt FTA của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, nhưng sẽ chỉ phát huy hiệu quả tốt nhất khi giải thành công những bài toán đầy thách thức về điều kiện lao động, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhấn mạnh.
Ứng phó rào cản
Mặc dù cho rằng cơ chế giải quyết tranh chấp sẽ được hoàn thiện hơn, đặc biệt là bởi CPTPP và EVIPA đều có điều khoản nâng cao tính minh bạch của quá trình tố tụng, song chuyên gia Võ Trí Thành cảnh báo, một khi hàng rào thuế quan không còn là công cụ hữu hiệu để bảo hộ, các nước nhập khẩu có xu hướng sử dụng các biện pháp phi thuế quan (các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, phòng vệ thương mại) để bảo vệ ngành sản xuất trong nước của mình.
Là luật sư giàu kinh nghiệm trong xử lý các vụ tranh chấp kinh tế quốc tế, bà Ðinh Ánh Tuyết, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng chia sẻ: "Cần phải lưu ý rằng, những FTA vừa ký kết không chỉ là "trái ngọt", mà còn có thể là "trái đắng" đối với các DN Việt Nam. Bởi, nếu DN không tuân thủ các tiêu chuẩn nêu trong FTA, các đối tác sẽ áp dụng các biện pháp xử lý mới, mà đến giờ, ngay cả giới luật sư chúng tôi cũng chưa biết là biện pháp gì, vì đều xuất hiện lần đầu tiên trong các hiệp định".
Hàm ý mà nữ luật sư muốn nói tới, chính là việc các DN Việt Nam cần có thái độ đúng, chủ động ứng phó những nguy cơ nảy sinh tranh chấp thương mại. Ðó cũng là lựa chọn được chứng minh tính đúng đắn mà DN ngành xuất khẩu tôm đã áp dụng từ năm 2004 đến nay.
Sự chuẩn bị này có khi chỉ là những việc hết sức đơn giản như duy trì hồ sơ chi tiết về truy xuất nguồn gốc, hồ sơ kế toán, hồ sơ sản xuất; yêu cầu Nhà nước, luật sư hỗ trợ kịp thời để bảo vệ quyền lợi khi bị xâm phạm theo các hiệp định về thương mại và đầu tư. Hoặc khi xuất hiện dấu hiệu có gian lận thương mại, lẩn tránh thuế…, cần sớm yêu cầu sự hỗ trợ của Chính phủ (thí dụ đề xuất kiểm soát xuất xứ và hồ sơ hàng hóa xuất nhập khẩu…). Tăng cường hợp tác thông qua hiệp hội, hợp tác với nhà nhập khẩu và khi bị điều tra, chủ động phối hợp và hợp tác với cơ quan điều tra cũng là những khuyến nghị hiển nhiên nhưng đôi khi còn bị lãng quên. Muốn đi đường xa, FTA mới chỉ là "động", vẫn cần đến "lực" từ chính sự vận động của cải cách thể chế, của chính mỗi DN.