Thu hút FDI chất lượng cao

"Khoảng lặng" trước sóng lớn

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc và đại dịch Covid-19 đem đến cho Việt Nam cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi dòng vốn đầu tư toàn cầu có xu hướng dịch chuyển đến nơi trú ẩn an toàn. Ðây cũng là thời điểm nước ta cần quyết liệt thay đổi tư duy và hành động trong việc lựa chọn đối tác và dự án FDI để hướng đến dòng vốn chất lượng cao như định hướng tại Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị. Những yếu tố này khiến thu hút vốn FDI trở thành tâm điểm của "năm cô-vít" 2020 và cả những năm tiếp theo.

Sản xuất linh kiện động cơ máy bay tại Nhà máy Hanwha Aero Engines (FDI Hàn Quốc) ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: MINH HÀ
Sản xuất linh kiện động cơ máy bay tại Nhà máy Hanwha Aero Engines (FDI Hàn Quốc) ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: MINH HÀ

Việt Nam đang rất được quan tâm

Trong cuộc tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (nhiệm kỳ 2020 - 2023) trước khi lên đường nhận nhiệm vụ với lãnh đạo 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN), Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: Việt Nam là điểm sáng thu hút các chuỗi chuyển dịch toàn cầu chuyển hướng đầu tư. Rà soát từ cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng 126 tập đoàn lớn chuyển dịch và muốn đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, Cục trưởng Ðầu tư nước ngoài (ÐTNN) Ðỗ Nhất Hoàng tiết lộ: Dù hoạt động đầu tư bị gián đoạn bởi ảnh hưởng của đại dịch nhưng thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH và ÐT) cùng lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn lớn trên thế giới vẫn trao đổi về cơ hội hợp tác đầu tư qua nhiều kênh. Trong đó, phải kể đến những cuộc tọa đàm trực tuyến được tổ chức từ Trung tâm điều hành của Bộ KH và ÐT đến các điểm cầu trên thế giới để các tập đoàn lớn tìm hiểu thông tin đầu tư tại Việt Nam. Thông qua hoạt động này, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã khởi động đàm phán để đưa các dự án vào Việt Nam với số vốn lên đến con số hàng tỷ USD.

Theo đánh giá của Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), đầu tư của thế giới năm 2020 có thể suy giảm tới 40% nhưng dòng vốn FDI vào Việt Nam có mức giảm thấp hơn nhiều so thế giới và các nước trong khu vực, nhất là ở phần vốn thực hiện. Kim ngạch xuất, nhập khẩu của các DN FDI cũng chỉ giảm nhẹ so cùng kỳ năm 2019. "Ðiều này cho thấy, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng khối DN FDI vẫn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh tương đối tốt, không bị suy giảm quá nhiều. Ðây là tín hiệu tích cực, thể hiện sự tin tưởng của nhà ÐTNG đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam và cũng chứng tỏ rằng Việt Nam đang rất được quan tâm", Cục trưởng Ðỗ Nhất Hoàng nhấn mạnh.

Trong dòng chảy FDI năm 2020 cũng đã xuất hiện những tín hiệu lạc quan. Như "cơn sốt" bất động sản (BÐS) công nghiệp vừa được nhen lên nhờ sự bắt đầu tham gia của các nhà đầu tư mới cùng với xu hướng mở rộng thị trường của các nhà đầu tư hiện hữu. Không chỉ có các nhà sản xuất dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam mà còn kéo theo cả các DN cung ứng, DN cung cấp dịch vụ hậu cần, kho bãi… Các nhà sản xuất lớn được ví như "ong chúa" tìm đến Việt Nam làm tổ, kéo theo hàng loạt "ong thợ" là những nhà cung cấp, phụ trợ đi theo, tạo nên một hệ sinh thái, chuỗi cung ứng mới tại Việt Nam. Xu hướng này diễn ra trong ngành điện tử, như câu chuyện của Samsung và giờ đây là các ngành thức ăn chăn nuôi, thương mại điện tử, tiêu dùng nhanh, linh kiện phụ tùng ô-tô…

Hành động nhanh để đón cơ hội

Trò chuyện với chúng tôi về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và những dự cảm cho năm 2021, TS Nguyễn Ðình Cung, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ thi thoảng lại ngắt mạch câu chuyện để nói thấu đáo nỗi trăn trở của ông về thu hút FDI.

Theo vị chuyên gia, cơ hội cho Việt Nam trong xu thế chuyển dịch dòng vốn đầu tư toàn cầu là rất lớn nhưng "đại bàng" sẽ không tự đến. "Tôi vừa có dịp đi công tác ở Quảng Ninh, Hải Phòng là vùng có nhiều dư địa về đất đai, có điều kiện kết nối đồng bộ về hạ tầng nhờ hệ thống cảng biển, sân bay và có thể liên kết với Hưng Yên tạo ra khu công nghiệp rất lớn, đủ khả năng thu hút những DN công nghệ hàng đầu thế giới đến đầu tư. Nếu có chính sách liên kết vùng, các địa phương này hoàn toàn có thể tạo ra sức hấp dẫn đủ lớn để thu hút được "đại bàng", biến Việt Nam thành một địa điểm sản xuất quan trọng của thế giới. Còn nếu các địa phương vẫn cạnh tranh thu hút FDI như trước đây, sẽ chỉ làm phân tán, làm giảm đi sức hút của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài", TS Nguyễn Ðình Cung phân tích.

Ðể chớp cơ hội, cần hành động nhanh và thay đổi cách làm. Trước hết, định nghĩa rõ khái niệm "đầu tư có chất lượng là đầu tư gì", từ đó, đưa ra tiêu chí sàng lọc và xây dựng thành chính sách phù hợp từng ngành nghề, vùng miền để chủ động mời gọi, đàm phán, thu hút những nhà đầu tư mong muốn hợp tác. Ðể làm được điều này cần có cách tiếp cận mới, được ví như chính sách "may đo" cho từng dự án, từng nhà đầu tư cụ thể, không áp dụng một chính sách chung như cơ chế "may sẵn" trước đây. Về phía nhà đầu tư rót vốn vào Việt Nam có thể được áp dụng những ưu đãi vượt trội nhưng cũng phải đáp ứng được điều kiện đặt ra và phải là nhà đầu tư có uy tín, có trách nhiệm xã hội, có ý định đầu tư dự án quy mô lớn.

Nhắc đến khái niệm "dọn tổ đón đại bàng" hay được dùng gần đây để nói đến quá trình thu hút FDI chất lượng cao ở Việt Nam, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN ÐTNN (Vafie) cho rằng đã có "đại bàng" vào nhưng mới chỉ là "đại bàng" châu Á, còn "đại bàng" châu Âu hay Mỹ thì rất ít. Ðây là thời điểm Việt Nam cần chủ động định hướng dòng chảy FDI và chuẩn bị sẵn sàng điều kiện để thu hút các dự án có công nghệ cao, có sức lan tỏa, đáp ứng nhu cầu cho thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Trong bối cảnh hoạt động đầu tư toàn cầu suy giảm vì tác động của dịch Covid-19, Việt Nam dù có nhiều lợi thế và nổi lên như điểm sáng về thu hút đầu tư nhưng dòng vốn FDI chưa thể phục hồi mạnh mẽ. Ðây là "khoảng lặng" để Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, sẵn sàng đón sóng lớn khi dòng chảy FDI tăng tốc dịch chuyển.