Mở đường cho điện gió

Phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), đặc biệt điện gió được xem là giải pháp sống còn góp phần tăng cường nguồn cung cấp điện cho hệ thống, bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước. Ðây cũng là chủ trương được Ðảng, Nhà nước khuyến khích phát triển theo tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.

Lắp đặt trụ điện gió tại Nhà máy Ðiện gió Trung Nam tại Ninh Thuận do Trung Nam Group đầu tư.
Lắp đặt trụ điện gió tại Nhà máy Ðiện gió Trung Nam tại Ninh Thuận do Trung Nam Group đầu tư.

Tiềm năng và chính sách

Năm 2020, Việt Nam khá may mắn khi đã bảo đảm đủ điện cho nhu cầu sử dụng, song đến năm 2021, điều này sẽ khó lặp lại vì nguy cơ thiếu điện hiện hữu rõ nét. Do đó, để bảo đảm đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn từ 2021 trở đi, bên cạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm tiến độ; đẩy mạnh tiết kiệm điện thì việc thúc đẩy phát triển các dự án
điện gió, điện mặt trời (ÐMT) là cần thiết và cấp bách.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), điện gió ở Việt Nam có tiềm năng 475 GW điện gió ngoài khơi tại vùng biển có độ sâu dưới 200 m và tổng công suất các nhà máy điện đang hoạt động của Việt Nam hiện nay là 40 GW, với các nguồn chính là thủy điện, nhiệt điện than và cơ bản đang dần tới ngưỡng. Tiềm năng điện gió ngoài khơi gấp nhiều lần công suất hiện có, có thể đáp ứng nhu cầu điện năng hiện tại và tương lai.

Với chủ trương khuyến khích đầu tư phát triển điện gió, ngày 10-9-2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 39/2018/QÐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 37/2011/QÐ-TTg ngày 29-6-2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Theo đó, giá điện gió trong đất liền được điều chỉnh tăng lên 1.927 đồng/kWh; điện gió trên biển là 2.223 đồng/kWh... Giá điện này được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước ngày 1-11-2021 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Hiểu rằng các dự án "về đích" trước thời điểm 1-11-2021 sẽ được hưởng ưu đãi, do vậy các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư (NÐT) đã, nỗ lực đẩy nhanh thi công để kịp tiến độ đề ra. Dù vậy, một chuyên gia về NLTT nhận định, đầu tư vào điện gió để hưởng ưu đãi sẽ đối mặt rủi ro nhất định. Việc đầu tư điện gió khó khăn hơn ÐMT rất nhiều, cộng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho nên nhiều dự án đứng trước khả năng chậm tiến độ. Chưa kể, với dự án điện gió đã được bổ sung vào quy hoạch, để có được báo cáo nghiên cứu khả thi (FS), NÐT phải có dữ liệu đo gió, ít nhất là mất 12 tháng. Khi có dữ liệu đo gió, NÐT mới làm được thiết kế... Ngoài câu chuyện về cơ chế giá, những khó khăn trong thi công, các chính sách, pháp luật liên quan, thì nhiều DN lo ngại vấn đề giải tỏa công suất và truyền tải liệu có thể theo kịp số lượng lớn công suất của các dự án đưa lên lưới hay không?...

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Trung Nam Group, một trong những DN đầu tư mạnh vào các dự án NLTT phân tích, Việt Nam đứng trước cơ hội đón làn sóng đầu tư lớn sau dịch Covid-19, trong đó có lĩnh vực NLTT. Song muốn vậy, chúng ta phải có chính sách tốt hơn, ưu việt hơn các quốc gia khác. "Theo tôi, cần có chính sách giá ưu đãi, rõ ràng và ổn định, bởi khi có được chính sách tốt thì sẽ xã hội hóa, thu hút được nguồn lực tư nhân, và khi đó các NÐT tự khắc sẽ phải có kế hoạch, giải pháp triển khai tốt nhất nhằm phát huy hiệu quả các dự án và người được hưởng lợi lớn nhất chính là người dân. Nói cách khác, chính sách tốt sẽ giúp cho các dự án NLTT phát triển bền vững", ông Tiến nhấn mạnh.

Ổn định và nhất quán

Trước những khó khăn của NÐT, mới đây, Bộ Công thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá điện cho các dự án điện gió tại Quyết định 39 đến hết năm 2023; giao Bộ Công thương chủ trì phối hợp các bộ, ngành tính toán giá mua bán điện áp dụng từ tháng 11-2021 đến hết tháng 12-2023 cho các dự án điện gió và thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung các nội dung này tại Quyết định 39 theo quy định hiện hành...

Hiện nay, Bộ Công thương cũng nghiên cứu cơ chế bán điện trực tiếp từ các nhà sản xuất điện cho các đơn vị tiêu thụ điện. Cơ chế này sẽ tạo động lực để khuyến khích thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế vào phát triển các nguồn điện, nhất là NLTT; tiến tới nhân rộng cơ chế trong thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, tạo lập môi trường bảo đảm theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ðặc biệt hơn, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, các nguồn vốn lớn và công nghệ điện gió ngoài khơi từ EU dễ dàng tham gia phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Các chuyên gia và NÐT hy vọng cơ hội đã hội tụ đủ cho Việt Nam có thể đột phá đi đầu ASEAN và trở thành một trung tâm điện gió ngoài khơi lớn của thế giới. Ðó cũng là nhân tố thúc đẩy các ngành công nghiệp, dịch vụ biển hỗ trợ và tương lai xuất khẩu điện gió sang khu vực ASEAN và lân cận.

Ðiều đó cho thấy, không chỉ có cơ chế giá tốt để thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân vào năng lượng mà các cơ chế, chính sách đối với năng lượng cần có sự ổn định, nhất quán. Mặt khác cần có những kiến nghị được lượng hóa một cách rõ ràng hơn, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng không truyền tải được công suất, gây thiệt hại cho DN, lãng phí nguồn lực đầu tư.