Gần 5 năm kể từ ngày 18-5-2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025" (Quyết định số 844/QÐ-TTg), ngành khoa học - công nghệ (KHCN) thật sự đã có bước khởi sắc về đổi mới sáng tạo (ÐMST). Các từ "khởi nghiệp", "đổi mới sáng tạo" dần trở nên quen thuộc và nhanh chóng tạo thành phong trào, nhất là với các sinh viên, thanh niên.
Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), trong giai đoạn 2016 - 2019, mỗi năm Việt Nam có hơn 126 nghìn doanh nghiệp (DN) thành lập mới, tăng gấp 1,6 lần so giai đoạn 2011 - 2015. Trong đó, hiện có hơn 3.000 DN khởi nghiệp. Cơ quan Thương mại và Ðầu tư của Chính phủ Ô-xtrây-li-a đánh giá, Việt Nam đang đứng thứ ba Ðông - Nam Á về số lượng các DN khởi nghiệp và tốp 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp dẫn đầu.
Ðánh giá cao vai trò của KHCN tác động lên tăng trưởng kinh tế, TS Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam cho rằng: Trong những năm gần đây, Việt Nam luôn duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức tương đối cao so các nước trong khu vực và thế giới, đồng thời huy động các nguồn lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã giảm dần phụ thuộc khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô và mở rộng tín dụng, đã dần dựa trên KHCN và ÐMST.
Bên cạnh những hỗ trợ thông qua Quỹ Hỗ trợ sáng tạo Việt Nam (Vifotec) bằng các giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam (Wipo) được tổ chức thường niên; năm 2015, cùng sự trưởng thành của hệ sinh thái khởi nghiệp ÐMST, Techfest Vietnam đã có quá trình gần sáu năm xây dựng và phát triển. Trong khoảng thời gian này, chương trình thu hút hơn 20 nghìn người tham dự, 2.600 DN khởi nghiệp, và 1.000 lượt khách đầu tư trong nước và quốc tế. Với chủ đề "Thích ứng -
Chuyển đổi - Bứt phá", Techfest Vietnam 2020 tiếp nối thông điệp của Techfest Vietnam các năm trước về kết nối và hội tụ nguồn lực trong nước, quốc tế hỗ trợ khởi nghiệp trong bối cảnh khó khăn chung của dịch Covid-19.
Tuy quyết tâm và cơ chế đã mở, song để tiến đến thành công, một trong những rào cản lớn nhất của Việt Nam lúc này, theo nhiều chuyên gia, là khó khăn trong thực thi. Ðánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cho biết, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay chỉ đạt 3,39/10 điểm, trong khi Hàn Quốc là 6,91; Ấn Ðộ là 5,76; Ma-lai-xi-a là 5,59; Thái-lan là 4,94...
Như vậy, chìa khóa của thành công vẫn là yếu tố con người, nhất là trong bối cảnh nước ta đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển nền kinh tế tri thức, tăng cường ÐMST. Việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ giúp nâng cao khả năng chuyển giao và hấp thụ công nghệ.
Bàn về giải pháp, ý kiến của ông Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường đại học Phenikaa, nhận được nhiều đồng tình của giới chuyên môn. Ông Huy đề xuất, trong Chiến lược phát triển đất nước cần có những giải pháp cụ thể để: Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo ở bậc đại học và sau đại học; tạo ra cơ chế, chính sách hợp lý, đồng bộ để thu hút, sử dụng đối với nguồn nhân lực chất lượng cao; đầu tư đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các trường đại học, nhất là các trường đại học định hướng nghiên cứu, trường đại học định hướng ÐMST; xây dựng các chính sách khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và ÐMST trong các trường đại học; nâng cao năng lực hấp thụ, tiếp thu, làm chủ và áp dụng công nghệ tại các DN, hỗ trợ việc làm chủ và áp dụng công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ và các dự án đổi mới công nghệ tại các DN...
Bàn về chính sách KHCN thời gian tới, nhiều chuyên gia kiến nghị cụ thể: Trước hết, cần xác lập mục tiêu tăng nhanh năng lực công nghệ, tăng hàm lượng công nghệ của sản phẩm, dịch vụ, với sự tập trung mạnh mẽ cho năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D), năng lực cải tiến, ứng dụng công nghệ cho các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa; tiếp đó, tập trung phát triển, hình thành thị trường KHCN với các chủ thể cung ứng đa dạng và cạnh tranh; đồng thời, nhanh chóng hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ để các quy định, chế tài bảo đảm được tính minh bạch, độ tin cậy, hiệu lực, qua đó gia tăng hiệu quả quản lý nhà nước.
Với những kết quả đã đạt được, chúng ta đều có quyền hy vọng và tin tưởng vào một nền KHCN Việt Nam phát triển, tạo đà bứt phá trong các năm tới.