Phép thử "đau đớn" nhiệm màu
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19... Các ngân hàng thương mại (NHTM) đều phải hy sinh lợi ích để hỗ trợ khách hàng. Tuy nhiên, hỗ trợ khách hàng để họ tồn tại đã là khó, nhưng tiếp tục có giải pháp để DN sống khỏe trở thành thử thách lớn, đặc biệt đối với những ngân hàng tiềm lực tài chính mỏng. Các NHTM đã thực hiện nhiều đợt giảm lãi suất cho vay, thậm chí về đến mức lãi suất cho vay thấp chưa từng có trong lịch sử ngành ngân hàng, thấp hơn cả lãi suất huy động thời điểm cuối năm 2019.
Tăng trưởng tín dụng thấp, NIM (chênh lệch phần trăm giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả) ở mức rất thấp, thế nhưng không ít NHTM lại duy trì được tăng trưởng về lợi nhuận, thậm chí còn vượt cả kỳ vọng mà họ đặt ra tại đại hội cổ đông. Thu từ dịch vụ đã "cứu" ngân hàng. Theo yêu cầu của NHNN, các TCTD đã thực hiện miễn, giảm phí dịch vụ. Song chính sự hy sinh này lại trở thành lực đẩy cho phát triển các dịch vụ NH số, đặc biệt là thanh toán không dùng tiền mặt. Ngân hàng không những tăng thu từ dịch vụ mà còn dễ dàng có được lượng khách hàng mới nhờ hệ sinh thái số phát triển ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực khác. Thanh toán không dùng tiền mặt của TCTD tăng trưởng vượt bậc. Song các chuyên gia cho rằng đây mới là bước khởi động cho cú "đại nhảy vọt" của các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong năm 2021.
Sau cơn mưa, trời lại sáng?
Số hóa được coi là chìa khóa cho phát triển ngân hàng trong những năm tới. Hiện có đến 95% số TCTD đã có, đang xây dựng hoặc dự tính xây dựng chiến lược chuyển đổi số; khoảng 70% số các TCTD cho biết đã sẵn sàng triển khai số hóa với các công nghệ Open, API, Data analytic, ISO 20022, Mobile... Việc NHNN cho phép các NHTM triển khai mở tài khoản dựa trên hình thức định danh điện tử (eKYC) là dấu hiệu khởi đầu cho sự phát triển bùng nổ của các dịch vụ NH số. Tuy nhiên, đây cũng là cuộc chơi đầy thử thách và tốn kém.
Các NHTM không chỉ phải đầu tư cho hạ tầng công nghệ để mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất, mà còn phải bảo đảm tính an toàn, bảo mật. Ðó là chưa kể đến thách thức về nguồn nhân lực. Và nói như lãnh đạo một NHTM: Ngân hàng số không chỉ là các ứng dụng, công nghệ mới mà là cách thức kinh doanh mới... Lâu nay, NH và các công ty kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ (Fintech) vẫn là mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi. Nhưng khi các đơn vị không phải là ngân hàng ngày càng được tham gia cung ứng nhiều dịch vụ tài chính thì sức ép cạnh tranh sẽ làm thay đổi mối quan hệ giữa họ với NHTM. "Vừa là đối tác, vừa là đối tượng" mới là mối quan hệ chính xác của các bên trong thời gian tới.
Với lịch sử phát triển dựa vào tín dụng mấy chục năm qua, toàn hệ thống ngân hàng tiếp tục gặp khó khăn khi tỷ lệ nợ xấu gia tăng do khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống TCTD về mức dưới 3% trở nên xa vời. Không những thế, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển (BIDV) cho rằng, Covid-19 khiến cho nợ xấu của năm 2021 có thể tăng lên 5-6%. Trích lập dự phòng tăng cao cũng sẽ tác động không nhỏ tới kết quả kinh doanh của ngân hàng trong năm 2021. Vai trò của tín dụng trung, dài hạn trong hoạt động ngân hàng sẽ ngày một thu hẹp. Sau đại dịch, thói quen tiêu dùng và sử dụng dịch vụ của khách hàng thay đổi sẽ khiến mảng ngân hàng bán lẻ có cơ hội lớn chưa từng có.
Dịch Covid-19 xảy ra cũng đã phân hóa hệ thống TCTD thành các nhóm khác nhau một cách rõ ràng hơn mà không cần qua xếp hạng của công ty chuyên nghiệp nào. Trong khi một số NHTM chật vật để duy trì hoạt động thì có những ngân hàng nhanh chóng thích ứng với môi trường kinh doanh "thời Covid" và vẫn phát triển vượt bậc. Họ đã đạt trình độ cao hơn trong quản lý danh mục đầu tư, không tập trung quá nhiều vào một phân khúc khách hàng; và quản lý rủi ro bằng hệ thống dữ liệu cũng như tuân thủ các chuẩn mực về quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế. Chính vì thế năm 2021, vấn đề lớn đối với các NHTM là tuân thủ các chuẩn mực quốc tế ở cấp độ cao hơn, thí dụ tiến tới áp dụng Hiệp định Basel III. Ðây cũng là điều kiện quan trọng khi các NHTM niêm yết trên sàn chứng khoán, bước ra sân chơi lớn hơn với yêu cầu về sự minh bạch cao hơn.