Vẫn còn khoảng cách

Bên lề một hội thảo về môi trường kinh doanh tại một tỉnh, có doanh nghiệp (DN) than thở với tôi rằng, có lẽ khoảng cách xa nhất ở Việt Nam không phải là khoảng cách từ Ải Nam Quan tới Mũi Cà Mau mà là khoảng cách giữa… "lời nói đến hành động"!

Rút ngắn thời gian cấp phép thành lập doanh nghiệp giúp thúc đẩy dòng vốn chảy vào sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Thanh Lâm
Rút ngắn thời gian cấp phép thành lập doanh nghiệp giúp thúc đẩy dòng vốn chảy vào sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Thanh Lâm

Từ kinh nghiệm của tôi trong lĩnh vực cải cách môi trường kinh doanh, điều này diễn ra ở nhiều nơi, tại nhiều cơ quan. Chính vì vậy, sự khác biệt giữa tỉnh này và tỉnh khác, giữa cơ quan nhà nước này và cơ quan nhà nước khác nằm ở chính chất lượng thực thi các nghị quyết, văn bản, kế hoạch hành động mà chính quyền các tỉnh, thành phố, các cơ quan nhà nước đề ra. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành phố của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển DN dân doanh, được tiến hành hằng năm kể từ năm 2005 đến nay, đã minh chứng cho điều đó.

Điều đáng nói, chính khoảng cách giữa lời nói và hành động này cũng tồn tại ở ngay chính DN. Dự án vẽ ra hoành tráng nhưng mãi không thực hiện hay thực hiện không đúng cam kết, khiến người dân bức xúc và chính quyền gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ khi tham dự nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư của các địa phương, đã nhiều lần phải nhấn mạnh, nhà đầu tư đã cam kết đầu tư rồi thì phải đẩy nhanh, triển khai một cách thực chất, nghiêm túc.

Nhân điều này, cũng không thể không nói về khoảng cách giữa DN và người dân, nhất là trong các dự án sử dụng đất. Hiện nay đất đai là một chủ đề nóng ở nhiều nơi, các tranh chấp đất đai gây khó khăn cho phát triển kinh tế, kìm hãm tăng trưởng đầu tư và tiềm ẩn các nguy cơ tạo ra những bất ổn xã hội. Giá đất được bồi thường bèo bọt, vô lý là than vãn của nhiều người dân. Thủ tục khó khăn, phức tạp, đầy rủi ro là phàn nàn của DN và nhà đầu tư. Gốc rễ của điều này, theo tôi là chưa tạo ra được điểm cân bằng hợp lý giữa lợi ích của DN, lợi ích của người dân và lợi ích cho Nhà nước. Còn một khoảng cách quá lớn giữa lợi ích của nhà đầu tư và người dân và bất bình đẳng đó sẽ tạo ra xung đột.

Tất nhiên quản lý đất đai, cũng như một số lĩnh vực khác tại Việt Nam, được nhìn nhận là còn có khoảng cách xa giữa luật pháp và thực tế cuộc sống. Những ràng buộc hết sức chặt chẽ về hạn điền, hạn mức sử dụng đất để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, người cày có ruộng là cần thiết, tuy nhiên đến nay lại không khuyến khích sản xuất tập trung, cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ để tăng năng suất. Nhà đầu tư thỏa thuận được với người dân hay với nhau để chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng vẫn phải làm thêm thủ tục trả đất cho Nhà nước và thuê lại đất từ Nhà nước, một thủ tục phiền hà, không phản ánh đúng giao dịch tài sản trên thực tế. Cũng bởi, giá đất đền bù thường thấp hơn giá thực tế nhiều lần, hai mảnh đất liền kề giá khác biệt nhau nhiều lần chỉ vì địa giới hành chính khác biệt…

Một khoảng cách còn tồn tại nữa là giữa chính quyền và DN. Ðây là hai đối tác quan trọng, đồng hành trong quá trình phát triển kinh tế nhưng vẫn tồn tại quan điểm ở một số nơi, DN là "chiếu dưới", sao có thể đồng hành! Gặp gỡ DN thường xuyên, giải quyết thủ tục nhanh cho DN có thể tạo ra nhiều nghi kỵ về động cơ của lãnh đạo. Thực tế, tồn tại nhiều điều đang làm khoảng cách về niềm tin giữa chính quyền và DN trở nên xa cách.

Hay như bản thân giữa các DN với nhau vẫn còn khoảng cách lớn. Hầu hết DN tư nhân của Việt Nam nhỏ, siêu nhỏ nhưng chưa kết nối được với nhau. Nhiều người ví những DN này như những củ khoai nằm cạnh nhau. DN đầu tư nước ngoài (FDI) và DN tư nhân trong nước cũng chưa tạo được những kết nối để tạo ra chuỗi sản xuất. Khả năng liên kết kém là một trong những yếu kém hàng đầu của DN Việt Nam. Tình trạng bán phá giá, tranh cướp khách hàng của nhau tại các thị trường nước ngoài vẫn khá phổ biến, gây thiệt hại cho chính DN và cả ngành hàng. Thêm nữa, các DN Việt cũng chưa thật sự liên kết tốt trong các vận động chính sách, tìm hiểu thị trường hay thúc đẩy phát triển ngành hàng. Thực trạng này đối nghịch với sự liên kết rất chặt chẽ của chính các DN nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Thời gian tới, nếu được bày tỏ mong ước của mình, tôi chỉ mong mọi khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn, khoảng cách giữa chính quyền và DN, khoảng cách giữa DN và người dân cũng như khoảng cách giữa chính các DN sẽ dần được thu hẹp. Và chúng ta sẽ nhanh chóng rút ngắn được khoảng cách giữa Việt Nam và các nước phát triển trên thế giới.