Vững vàng xã đảo Sinh Tồn

Ðây là lần đầu trong hành trình gần một tháng lênh đênh trên biển, rong ruổi qua các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, chúng tôi mới "được" hứng chịu cơn thịnh nộ của đại dương. Mưa quất ràn rạt lên mặt, lên tay buốt nhói, nước biển mặn chát lúc lúc lại ào qua mạn xuồng xộc vào miệng, vào mũi. Chiếc xuồng chuyển tải tưởng như không thể vượt qua cơn sóng dữ để vào bờ nhưng trước sự chèo lái tài tình của Phó thuyền trưởng tàu HQ 996 Ngô Quang Dũng cuối cùng đã cập bến an toàn. Hàng trăm người, quân và dân xã đảo, đội mưa, háo hức ra đón chúng tôi... Nhiều người ào cả xuống nước, túm dây xuồng và hò nhau kéo vào bờ. Xã đảo Sinh Tồn đây ư, một phần máu thịt của Tổ quốc giữa đại dương vời vợi mà sao gần gũi, thân thương đến thế.

Ðồng chí Kim Thanh Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Sinh Tồn chỉ chỗ cho chúng tôi để đồ đạc, nghỉ ngơi. Cùng trong khu trụ sở, phòng khách của xã rất sạch sẽ, gọn gàng với bốn chiếc giường đơn, có bàn uống nước và một chiếc đài bán dẫn. Cuốn lịch treo tường đã bị bóc đến tờ cuối cùng mỏng tênh bị gió thổi bay lất phất làm tôi chợt nhớ đã bước qua năm 2008 được mấy ngày. Quả thực thời gian trên biển, đến với quân - dân huyện đảo Trường Sa trong dịp trước Tết Nguyên đán bao giờ cũng mang lại nhiều cảm xúc. Thời gian gần như không chuyển động nữa mà chỉ có sóng, có gió và rất nhiều gương mặt, ánh mắt của quân, dân trên đảo khiến chúng tôi nhớ và tự hào. Thấy tôi ngẩn người nhìn đốc lịch, Phó Chủ tịch Hoa ngượng nghịu cười như người mắc lỗi:

- Lịch hết mấy hôm rồi anh ạ, chúng tôi chờ tàu ra mới có lịch năm 2009 để thay.

Nói xong, Phó Chủ tịch Hoa lại luống cuống sửa lại giường chiếu chỗ kia một tí, chỗ này một ít. Xã lâu lâu mới lại có khách đến, cán bộ xã cũng lâu lâu mới có khách lạ hỏi thăm. Tôi có dịp nhìn kỹ đồng chí Phó Chủ tịch "thế hệ 8X", vóc người cao ráo, thư sinh rất khác so với những người dân biển "ăn sóng, nói gió" tôi từng gặp trong suốt hành trình. Hoa nói, quê anh ở một huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, giáp tỉnh Ðác Lắc. Tình nguyện ra đảo khi vẫn chưa lập gia đình. Từ ngày ra đảo anh cũng chưa hề nhận được một lá thư kết bạn, chỉ nhận được mấy lá thư của gia đình gửi theo tàu hải quân ra. 

Qua một đêm cơn giông đi cũng nhanh như lúc nó đến. Xã đảo Sinh Tồn trở lại với vẻ tĩnh lặng vốn có. Biển êm ả, xô những ngọn sóng lăn tăn lên bờ kè, trời trong văn vắt và gió nhẹ nhàng thổi trên những mầm lá phong ba, bàng quả vuông xanh ngăn ngắt dọc con đường láng bê-tông phẳng lỳ. Ðồng chí Kim Thanh Hoa đi cùng tôi xuống thăm các hộ dân với vẻ phấn chấn khá... lạ. Tiểu đội trưởng dân quân cơ động Mai Thành Tiến ghé tai tôi nói nhỏ: "Bữa qua "hắn" nhận được quà từ nhà gửi ra anh ạ. Thấy anh mệt ngủ sớm nên chúng em không gọi, vui lắm". Ra là thế. Trong chuyến tàu Tết này, bà con ở đây đều nhận được rất nhiều quà của tỉnh Khánh Hòa, Quân chủng Hải quân... và cả của anh em bà con đang sinh sống trên mọi miền đất nước. Tết của dân xã đảo không thiếu thốn thứ gì so với Tết ở đất liền.

Chúng tôi vào thăm gia đình anh Trần Văn Dũng và chị Phan Thị Kim Anh. Anh chị đã kịp sắp đặt những thứ quà mới nhận được lên bàn. Nào bưởi, bí xanh, bí đỏ, bánh, mứt, kẹo... Hai cháu nhỏ đang ngồi trên võng với hộp sữa đang uống dở thấy khách vội vàng đứng dậy chào. Cuộc sống ở xã đảo còn nhiều khó khăn, thiếu thốn quá. Lũ trẻ, cũng như cha mẹ chúng vẫn hiên ngang sống giữa biển khơi này bằng một niềm tin mãnh liệt và lòng tự hào dân tộc của những người dân Việt. Nghe tiếng anh Hoa gọi, anh Dũng từ phía sau tất tả chạy lên:

- Các anh thông cảm, ngồi uống nước đợi chút, tui đang chằm lại mấy chỗ hổng ở vườn rau vừa bị gió táp hôm trước.

Ðối với người dân xã đảo, thứ quý nhất là rau xanh bởi để có được một vườn rau nhỏ cũng là một sự cố gắng lớn của con người. Chính điều đó khiến chúng tôi thật sự cảm phục khi được ngắm nhìn vườn rau của anh Dũng. Nào là rau muống, mồng tơi, cải, ớt, giàn bí... mỗi thứ một ít và nó xanh, tốt ngay cả khi vừa phải chống chọi lại cơn giông tối tăm mặt mũi tối hôm trước. Sức sống của con người và những sinh vật trên hòn đảo giữa biển khơi thật đáng khâm phục. Họ đã bắt thiên nhiên khắc nghiệt phải khuất phục, phải phục vụ lại cuộc sống của con người. Ở xã đảo này, hầu như ai cũng đã ít nhất một lần được ăn rau do anh Dũng trồng. Nhất là những hộ mới nhập cư chưa trồng được nhiều rau đều được anh "tiếp tế" vô tư. Anh Dũng kể, quê anh ở thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), ban đầu để làm quen với cuộc sống ở đảo không dễ nhưng bằng nghị lực, sự động viên của mọi người, gia đình anh đang sống tốt và đã là một phần không thể thiếu trong cộng đồng cư dân xã đảo.

Cũng như gia đình anh Dũng, anh Trần Kim Sơn đưa vợ là Võ Thị Bích Liên cùng hai con ra lập nghiệp tại đảo chỉ bằng niềm tin vào sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước và nghĩa tình của những người đang sống ở đảo. Tâm sự với tôi, anh chị đều bảo, sống ở đâu trên đất nước Việt Nam cũng thế, dù đất liền hay hải đảo cũng đều là Tổ quốc. Niềm tự hào đó hiện hữu trên những lá cờ đỏ sao vàng vẫn tung bay trong gió biển, trên những tấm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trang trọng bên bàn thờ tổ tiên. Những mặn mòi, ngọt đắng của cuộc sống dường như đã được hòa vào gió biển, vào chan chứa nghĩa tình của người dân xã đảo.

Ðôi vợ chồng trẻ Bùi Ðình Khải và Trần Thị Nữ đều thuộc "thế hệ 8X" cũng mới ra làm cư dân xã đảo được gần năm nay cảm thấy rất phấn chấn với "thành quả" canh tác được là một chú lợn gần bảy chục cân, đàn vịt chín con và vườn rau ăn được quanh năm. Anh Khải cũng vừa làm đơn xin gia nhập tiểu đội dân quân cơ động của xã. Anh nói với tôi:

- Như tất cả mọi người ở xã đảo Sinh Tồn, tôi mong muốn được đóng góp sức lực, trí tuệ cho việc xây dựng cuộc sống no ấm cũng như bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc. Mỗi người dân xã đảo là một người lính khi Tổ quốc cần.

Chúng tôi ngạc nhiên thấy xã đảo Sinh Tồn có lớp học cho các cháu trong độ tuổi đến lớp. Thầy giáo Cao Văn Giáp cho biết, hiện Trường tiểu học Sinh Tồn chỉ dạy đến lớp bốn, các cháu học lên nữa sẽ được gửi vào đất liền. Ðồng chí Dương Ðức Hân, Chủ tịch UBND xã đảo Sinh Tồn băn khoăn: "Bà con Sinh Tồn mong muốn được mở thêm những lớp học cao hơn cho các cháu nhưng điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên... chưa cho phép huyện đảo Trường Sa thực hiện điều đó". Tôi bật cười khi lũ trẻ  nhao nhao chào "bố Hân". Cũng phải thôi, ở xã đảo này, Chủ tịch xã phải lo cho bà con từng việc nhỏ nhất như cái ăn, thức uống hằng ngày. Chủ tịch Hân giống như người cha tinh thần cho lũ trẻ, chúng được đưa sang gửi "bố Hân" mỗi lúc cha mẹ chúng dong thuyền ra biển. Anh cho biết đến nay tất cả các hộ dân ở đây đã có máy thu hình, một số hộ sắm được cả đầu quay đĩa, dàn ka-ra-ô-kê. Ðời sống tinh thần được cải thiện rất nhiều. Xã đảo càng gần hơn với đất liền.

Những ngày được sống cùng những người dân chân chất ở đảo Sinh Tồn, chúng tôi thật sự cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc ngập tràn trong mỗi căn nhà. Sóng gió và sự xa cách với đất liền đã không làm giảm được ý chí, nghị lực và niềm tin vào cuộc sống bởi phía sau họ là Tổ quốc, là đồng bào, là lãnh thổ thiêng liêng. Tạm biệt xã đảo Sinh Tồn trở về Hà Nội đông vui sầm uất, tôi vẫn nhớ những đôi vợ chồng An Tiêm nơi đảo xa.

Bài và ảnh: TRẦN THƯỜNG