Vững vàng trong hoàn cảnh dịch bệnh

Làm ăn uy tín, chú trọng chế biến sau thu hoạch; có kịch bản ứng phó với dịch theo từng giai đoạn, linh động chuyển đổi… chính là cách để những doanh nghiệp (DN) xuất khẩu giữ được mạch sản xuất, có thêm hợp đồng từ đối tác nước ngoài.

Cà-phê nông sản Meet More vẫn giữ vững đà xuất khẩu trong mùa dịch.
Cà-phê nông sản Meet More vẫn giữ vững đà xuất khẩu trong mùa dịch.

Những ngày này, dù đang thực hiện “3 tại chỗ” với số lượng công nhân giảm nhiều so với bình thường, nhưng Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu (quận Gò Vấp) vẫn có nhiều khách hàng nước ngoài liên hệ ký hợp tác. Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Ngọc Luận bộc bạch: “Ngay khi TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch bệnh, chúng tôi đã chuẩn bị tâm lý; đồng thời lên kế hoạch phân bổ nguồn nhân lực, vật lực để chuyển hướng sản xuất “3 tại chỗ”, đáp ứng tiêu chí vừa sản xuất, vừa phòng bệnh. Dù khó khăn mọi bề nhưng chúng tôi cố gắng không để đứt gãy chuỗi cung ứng; vừa sản xuất để kịp đơn hàng, vừa tìm tòi công thức cho sản phẩm mới. Hiện tại, công ty đang hoạch định phương án phục hồi sản xuất sau dịch khi thành phố mở cửa trở lại”. Với sản phẩm cà-phê nông sản thương hiệu Meet More, ông Luận đã tạo ra hàng loạt sản phẩm cà-phê hương vị mới như đậu xanh, khoai môn, bạc hà, nhàu, xoài, dừa… và đã xuất khẩu thành công sang Hàn Quốc, Australia, Mỹ, Nga, Ấn Độ… ngay trong mùa dịch. “Bài học từ đợt vừa qua cho thấy các DN cần xem xét và có kế hoạch đầu tư bài bản hướng tới chế biến sâu cũng như đa dạng thị trường xuất khẩu. Trong dịch Covid-19, gần như những DN chế biến sâu ít bị ảnh hưởng, thậm chí chúng tôi còn tăng được đơn hàng do những nhà cung cấp khác gặp khó vì dịch bệnh”, ông Luận chia sẻ.

Chia sẻ về tín hiệu tích cực trong lĩnh vực xuất khẩu, Phó Giám đốc Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu, Ngô Tường Vy cho biết: Đối với các sản phẩm đạt chất lượng tốt thị trường nào cũng cần. Chẳng hạn, sầu riêng Ri6 đang “cháy hàng” ở thị trường Mỹ, Australia mặc dù đã trữ lại nhiều nhưng vẫn không đủ cung cấp. Hiện tại, Công ty Chánh Thu thu mua từ 100 tấn đến 200 tấn sầu riêng/ngày để xuất khẩu. “Người tiêu dùng vẫn chú trọng chất lượng để có thể cạnh tranh với hàng của Thái Lan, Malaysia. Công ty có bộ tiêu chuẩn chất lượng riêng, đã xác định mục tiêu ban đầu là cạnh tranh với Malaysia và Thái Lan để xây dựng thương hiệu cho Việt Nam”, bà Vy cho biết. Cũng theo bà Vy, do cước vận chuyển tăng cao, Công ty Chánh Thu hạn chế xuất khẩu sản phẩm tươi. Thay vào đó, công ty đẩy mạnh hàng chế biến sâu như hàng sấy, đông lạnh. Khuynh hướng tiêu dùng của nhiều quốc gia bắt đầu có sự thay đổi. Người tiêu dùng mua nhiều sản phẩm đông lạnh để trữ ăn dần chứ không đi chợ để mua hàng tươi như trước. Ngoài ra, đơn vị này còn chủ động chuỗi liên kết bằng cách sử dụng nguồn nhân lực địa phương của mỗi vùng nguyên liệu. Cụ thể là mời thương lái từ các địa phương tham gia vào chuỗi liên kết để sau dịch bệnh, nông dân sẽ thấy được giá trị khi tham gia vào chuỗi liên kết. “Cái lợi lớn nhất mà Công ty Chánh Thu thu được trong đợt dịch này là việc liên kết giữa DN và nông dân chặt chẽ hơn, nông dân chủ động hợp tác hơn. Trong khó khăn càng thấy rõ giá trị của việc liên kết, hợp tác” - bà Vy khẳng định.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Công ty Kim Minh International (TP Thủ Đức) Lưu Vũ Ngọc Ngân tiết lộ bí quyết giữ vững đơn hàng xuất khẩu bằng cách “lạt mềm buộc chặt”. Là DN chuyên xuất khẩu rau, củ, quả tươi, đông lạnh và nước ép trái cây, công ty khuyến khích nhân viên khai thác triệt để các sàn giao dịch thương mại điện tử để tìm kiếm, tiếp cận nhanh chóng các nhà nhập khẩu trên thế giới; đồng thời đa dạng hóa sản phẩm để mở rộng khách hàng trong nhiều lĩnh vực. “Chúng tôi cùng khách hàng ngồi lại đàm phán, chia sẻ rủi ro về giá cước, tiến độ giao hàng; đồng thời kết hợp chặt chẽ với nhà cung cấp trong nước để nắm rõ mùa vụ thu hoạch, từ đó, có phương án tập trung chào bán xuất khẩu sản phẩm phù hợp… Nhờ có sự liên kết, chia sẻ thông tin như vậy, Công ty Kim Minh International vẫn có thể xuất khẩu ổn định trong mùa dịch”, bà Ngân cho hay.

Để có thể giữ vững đơn hàng xuất khẩu mùa dịch, Công ty CP S Furniture (chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất) đã thay đổi cách thức hoạt động rất nhiều, từ chào hàng, giới thiệu sản phẩm trực tuyến, tự kiểm hàng, phát triển mẫu, thay đổi về công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại. Tính đến tháng 7/2021, công ty đã đạt doanh số bằng cả năm 2020. Phấn khởi khi khai thác được thị trường “mới” ngay trong đại dịch, Chủ tịch Công ty CP S Furniture Huỳnh Thanh Vạn cho biết: Chúng tôi đang khẩn trương hoàn thành đơn hàng sofa cho thị trường Canada với trị giá hàng triệu đô-la. Ngoài ra, công ty cũng đang sản xuất lượng lớn sofa để xuất đi Mỹ. “Công ty đã triển khai thực hiện “3 tại chỗ” từ trước khi có quy định. Hơn 70% số công nhân ở lại nhà máy cho nên vẫn bảo đảm việc sản xuất đơn hàng đáp ứng cho thị trường xuất khẩu. Chúng tôi luôn xây dựng hệ thống phòng ngừa rủi ro, dành một khoản tích lũy nhất định để lường trước những khó khăn có thể xảy ra. Khi đại dịch bùng phát trở lại, chúng tôi ngay lập tức “kích hoạt” hệ thống này, rà soát tất cả các hoạt động của công ty và tiến hành điều chỉnh cho phù hợp tình hình mới”, ông Vạn chia sẻ.

Cũng là đơn vị xuất khẩu sản phẩm may mặc sang nhiều thị trường khó tính trên thế giới, Tổng Giám đốc Công ty CP may mặc Dony, Phạm Quang Anh chia sẻ, đơn vị sẵn sàng chấp nhận lỗ những đơn hàng sản xuất trong dịch để đổi lại việc giữ được chữ tín và mối quan hệ làm ăn với đối tác lâu dài. “Ngoài uy tín, chất lượng sản phẩm, chúng tôi luôn hoàn thành các đơn hàng cho đối tác nước ngoài đúng thời hạn. Như mới đây, chúng tôi đã từ chối một hợp đồng và trao đổi với đối tác nước ngoài về thời gian dự tính TP Hồ Chí Minh có thể mở cửa từ đầu tháng 10. Chỉ cần sau hai ngày TP Hồ Chí Minh có lệnh mở cửa, chúng tôi có thể đánh giá tình hình và vài ngày sau đó ký hợp đồng, nhận cọc và bắt tay sản xuất ngay. Thà chậm mà chắc để giữ uy tín thì mới có thể làm ăn lâu dài”, ông Quang Anh nói.