Khơi thông nguồn tín dụng ưu đãi doanh nghiệp

Ngay từ đầu năm 2024, việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi từ chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đạt kết quả rất tích cực giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện các chi nhánh Agribank trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ký kết hỗ trợ khách hàng.
Đại diện các chi nhánh Agribank trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ký kết hỗ trợ khách hàng.

Tiếp sức doanh nghiệp tăng trưởng

Để hỗ trợ doanh nghiệp có hiệu quả, ngành ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức triển khai các giải pháp thực thi chính sách và hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Trong đó, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đăng ký gói tín dụng ưu đãi với quy mô gói đạt 509.864 tỷ đồng trong năm 2024. Gói tín dụng này được giải ngân thông qua chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp và gắn với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tiếp cận gói tín dụng này được giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ, tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp… để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh; từ đó, có thêm cơ hội tăng trưởng và phát triển. Sau 2 tháng triển khai, gói tín dụng này đã giải ngân đạt 51.754 tỷ đồng cho 15.390 khách hàng, so với quy mô gói tín dụng số tiền giải ngân chiếm 10,2%.

Là đơn vị thường xuyên nhận được nguồn vốn ưu đãi từ chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, bà Võ Thị Bích Hạnh, chủ cơ sở sản xuất bánh tráng Thành Danh (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi vui mừng cho biết, nhờ nguồn vốn vay lưu động 15 tỷ đồng từ Agribank Chi nhánh Củ Chi), bà đã mạnh dạn đầu tư thêm dây chuyền sản xuất bánh tráng với hệ thống sấy bằng năng lượng mặt trời trị giá 11 tỷ đồng, công suất bình quân đạt 9 tấn/ngày, dây chuyền mới đầu tư đã cho ra sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường tiêu thụ cao cấp.

Ở thị trường tiêu thụ của bánh tráng Thành Danh, hiện nay trong nước chiếm 50% và 50% tiêu thụ tại Mỹ và Pháp. Trung bình doanh thu hằng tháng đạt khoảng 9-10 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho 40-50 lao động địa phương với mức lương từ 7-10 triệu đồng/tháng.

Ông Lê Tấn Đạt, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Kho gạo Sài Gòn chia sẻ, doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực cung cấp gạo cho thành phố và các tỉnh lân cận. Thời gian qua, ngân hàng đã hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời có đủ vốn kinh doanh với lãi suất phù hợp. “Việc được hưởng lãi suất ưu đãi đối với những dự án trong kế hoạch kinh doanh của công ty thời gian qua không chỉ giúp chúng tôi tiết kiệm chi phí mà còn tạo cơ hội mới để thêm nguồn lực đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh”, ông Đạt cho biết.

Triển khai linh hoạt các chính sách

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh việc giải ngân tốt gói tín dụng chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp không chỉ bảo đảm các ngân hàng thực thi chính sách tiền tệ tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mà còn mang lại kết quả trực tiếp cho doanh nghiệp.

Đáng chú ý, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, gắn với thực hiện cơ chế chính sách phát triển lĩnh vực nông sản, ứng dụng công nghệ cao, phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng trong nông nghiệp, nông thôn. Ngoài các gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội; cho vay lâm sản, thủy sản, Agribank còn có gói cho vay đầu tư phát triển sản phẩm OCOP với lãi suất thấp hơn 2% so với lãi suất cho vay thông thường.

Tại hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp vừa được tổ chức tại huyện Củ Chi, đã có gần 400 khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân được vay vốn Agribank với lãi suất ưu đãi, tổng doanh số cho vay đạt hơn 1.700 tỷ đồng.

Tham dự hội nghị này, ông Lê Đình Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi cho biết, các hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp tạo điều kiện cho lãnh đạo địa phương và các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tiếp xúc với doanh nghiệp để kịp thời lắng nghe, trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, những đề xuất của doanh nghiệp. Những khó khăn đã được doanh nghiệp đưa ra thảo luận và được chính quyền địa phương giải đáp trực tiếp.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi khẳng định, hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp là một chương trình hết sức cần thiết và ý nghĩa để chính quyền và ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khơi thông tiếp cận vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Thông qua chương trình, chính quyền địa phương xây dựng và triển khai chính sách phù hợp nhằm tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng, qua đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp nhằm kiên quyết khắc phục những hạn chế, yếu kém, tự hoàn thiện để có các bước cải thiện rõ nét hơn về môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư trên địa bàn theo hướng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Ông Nguyễn Đức Lệnh nhấn mạnh, chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp là một trong 51 chương trình đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó giao cho ngành ngân hàng thành phố phối hợp Sở Công thương xây dựng và tổ chức thực hiện. Với ý nghĩa thiết thực, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố cần tiếp tục tham gia tích cực chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp. Chương trình không chỉ hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mà còn thu hút khách hàng qua công tác truyền thông và bằng hành động cụ thể để giải ngân các gói tín dụng ưu đãi, qua đó đưa cơ chế chính sách đi vào thực tiễn có hiệu quả, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các gói tín dụng nói chung và gói tín dụng của chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp nói riêng luôn phát huy hiệu ứng tích cực, bởi các yếu tố ưu đãi và hiệu quả. Đơn cử, việc triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay lâm sản, thủy sản được giải ngân tốt và được doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh lĩnh vực hoạt động này đánh giá rất cao.

Đến nay, doanh số giải ngân gói tín dụng này trên địa bàn thành phố đạt 2.004 tỷ đồng, với tổng dư nợ đạt 1.719 tỷ đồng cho 1.317 khách hàng vay vốn. Lãi suất cho vay thấp hơn thị trường từ 1,5-2% góp phần mang lại lợi ích trực tiếp cho khách hàng vay, giảm chi phí vay vốn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản, thúc đẩy lĩnh vực này tăng trưởng tích cực. Thông qua chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, các ngân hàng cũng triển khai nhiều gói tín dụng cụ thể và linh hoạt.