Đổi mới tư duy xây dựng Trường học hạnh phúc

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Bộ tiêu chí và kế hoạch thực hiện mô hình Trường học hạnh phúc. Đây là cơ sở quan trọng để các trường học trên địa bàn thành phố triển khai, thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Trường học hạnh phúc.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh tham quan Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.
Học sinh tham quan Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc với 18 tiêu chí được áp dụng triển khai trong các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên… trên địa bàn thành phố.

Để trường học là ngôi nhà thứ hai

Từ năm 2013 đến nay, Trường trung học cơ sở Linh Đông, thành phố Thủ Đức luôn chú trọng triển khai, tích cực hưởng ứng các hoạt động đổi mới giáo dục như: đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đổi mới phương pháp giảng dạy, xây dựng nguyên tắc quản lý dân chủ, yêu thương và tôn trọng. Qua quá trình thực hiện đề án “Xây dựng văn hóa nhà trường giai đoạn 2019-2025” và xây dựng trường học hạnh phúc, nhà trường dần hướng đến việc hình thành các giá trị cốt lõi là yêu thương, an toàn và tôn trọng, giúp chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên.

Cùng với đó, tập thể sư phạm nhà trường, phụ huynh, học sinh phát huy tốt truyền thống yêu thương con người, sáng tạo trong lao động, học tập. Đây là một trong những yếu tố thuận lợi làm nên thành công trong hoạt động xây dựng Trường học hạnh phúc của Trường trung học cơ sở Linh Đông trong thời gian tới. Để đạt được kết quả này, Trường trung học cơ sở Linh Đông đặc biệt chú trọng đến việc thực hiện bộ ba giải pháp, đó là: Xây dựng môi trường nhà trường an toàn, yêu thương và tôn trọng; đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học và hoạt động giáo dục thông qua các hoạt động trải nghiệm gắn với thực tiễn; xây dựng, phát triển các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường.

Tuy nhiên, theo nhà trường, trong quá trình triển khai, đơn vị cũng gặp các khó khăn cần được tháo gỡ nếu muốn thực hiện thành công mô hình Trường học hạnh phúc. Cụ thể, một bộ phận giáo viên còn chậm đổi mới phương pháp dạy học làm cho việc cập nhật công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học gặp nhiều hạn chế.

Một bộ phận phụ huynh chưa nắm bắt kịp thời những thông tin về đổi mới dạy học hướng tới xây dựng Trường học hạnh phúc, chưa tích cực hợp tác với giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm trong quá trình giáo dục học sinh. Cơ sở vật chất nhà trường xuống cấp sau hơn 20 năm đưa vào hoạt động, việc tự trang bị thêm màn hình máy chiếu để đáp ứng đổi mới dạy học gặp nhiều khó khăn. Sĩ số học sinh trong một lớp khá đông, nhất là khối 6 trung bình gần 50 em/lớp đã làm cho hiệu quả làm việc nhóm và công tác quản lý nhóm học chưa được như mong muốn…

Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với mục tiêu vì sự tiến bộ của học sinh, bằng tình thương và trách nhiệm, những năm qua, tập thể sư phạm nhà trường đã không ngừng hưởng ứng các hoạt động đổi mới giáo dục, nghiên cứu thực hiện những giải pháp phù hợp để xây dựng trường học an toàn, yêu thương, để giáo viên và học sinh luôn cảm thấy đây thật sự là ngôi nhà thứ hai của mình.

Trường học hạnh phúc là xu hướng tất yếu

Theo các chuyên gia, xây dựng Trường học hạnh phúc là nhiệm vụ tất yếu của ngành giáo dục nói chung và từng nhà trường nói riêng. Tùy điều kiện thực tế ở mỗi trường học mà Ban giám hiệu nhà trường có chiến lược xây dựng mang tính đặc thù. Tuy cách thức thực hiện khác nhau, nhưng mục đích cuối cùng của Trường học hạnh phúc là cho giáo viên và học sinh cảm thấy hạnh phúc mỗi ngày đến trường.

Để thực hiện điều này, từng giáo viên, nhà trường và kể cả phụ huynh học sinh… cần thay đổi tư duy. Theo đó, người giáo viên cần xem học sinh là trung tâm, còn giáo viên là người tổ chức hướng dẫn để học sinh tự khám phá tri thức, đồng thời, giáo viên không buông xuôi trước những khó khăn thách thức mà không ngừng học hỏi, không ngừng phát triển bản thân để làm gương cho các em. Đối với học sinh, để mỗi ngày đến trường sẽ không còn là sự bắt buộc mà là niềm vui, các em cần được giáo dục đạo đức, lối sống chuẩn mực, trách nhiệm, yêu thương và tôn trọng. Cần giáo dục cho các em có được sự tự chủ, tự do và cảm hứng trong từng hoạt động khi ở trường; tạo cho các học sinh hình thành được cho mình lối sống văn hóa tốt đẹp khi học tập tại trường...

Với mong muốn xây dựng, phát triển mô hình Trường học hạnh phúc dựa trên nguyên lý trải nghiệm hạnh phúc của con người: Kết nối với bản thân-kết nối với người khác-kết nối với thế giới tự nhiên. Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên được yêu thương, tôn trọng, an toàn, chia sẻ và thấu hiểu, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc với 18 tiêu chí được chia làm ba nhóm tiêu chuẩn.

Cụ thể, nhóm tiêu chuẩn về con người gồm sáu tiêu chí; nhóm tiêu chuẩn về dạy học và hoạt động giáo dục gồm tám tiêu chí; nhóm tiêu chuẩn về môi trường gồm bốn tiêu chí. Dựa vào Bộ tiêu chí, Ban giám hiệu, ban lãnh đạo, hội đồng sư phạm tự đánh giá mức độ đạt được của trường. Chỉ tiêu nào đã thực hiện tốt cần duy trì, chỉ tiêu nào chưa đạt được cao thì cần đưa ra mục tiêu, phương hướng để cải thiện mức độ và chất lượng để Trường học hạnh phúc.

Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết: Việc đưa ra Bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc nhằm hướng đến mục tiêu tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, qua đó, tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và học viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, góp phần xây dựng hình ảnh con người Thành phố Hồ Chí Minh:

“Sống tử tế, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo”. Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai bài bản về xây dựng Trường học hạnh phúc. Trường học hạnh phúc không phải học sinh sẽ học ít đi mà là học với niềm đam mê, được phát huy tối đa năng lực và phẩm chất người học. Việc thực hiện Trường học hạnh phúc cần trên tinh thần tự nguyện, lợi ích thật sự của đơn vị, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội, tránh chạy theo thành tích.