Chuyện đàn dê ở Đa Phước

Sau đại dịch Covid-19 lần thứ tư, nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt mới đang được mở ra ở các vùng nông thôn, tạo thêm việc làm cho những nông dân hồi hương sau nhiều năm bôn ba. Chính quyền các địa phương cũng đã góp sức, tạo thêm động lực cho người dân làm ăn trên chính mảnh đất của mình. Mô hình hợp tác xã (HTX) chăn nuôi dê ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh là một thí dụ.

0:00 / 0:00
0:00
Trang trại nuôi dê của nông dân Lê Minh Hải.
Trang trại nuôi dê của nông dân Lê Minh Hải.

Đã hơn 8 giờ sáng, nông dân Lê Minh Hải vò đầu bứt tóc khi lãnh đạo xã có mặt đầy đủ, nhưng các xã viên HTX chăn nuôi dê Đa Phước vẫn còn lác đác. Anh Hải lo lắng vì hôm nay là ngày trọng đại của những người nông dân nuôi dê trong xã khi lần đầu họ gia nhập kiểu làm ăn mới, được chính quyền hỗ trợ. Quan trọng hơn, anh Hải từ một nông dân quanh năm chỉ biết ruộng đồng, nay trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị của HTX. 

Đa Phước là xã nghèo của huyện Bình Chánh, giáp sông Cần Giuộc và là vùng đất nhiễm phèn, nhiễm mặn. Do quá trình đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp của xã ngày càng thu hẹp, người nông dân đa phần ly nông làm công nhân tại các khu công nghiệp, làm lao động tự do, buôn bán nhỏ. Sau đại dịch Covid-19 lần thứ tư, nhiều nông dân hồi hương nhưng chưa tìm ra hướng sản xuất nông nghiệp và cũng do ít đất cho nên bà con chỉ biết chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình. 

Hội Nông dân huyện Bình Chánh và Đảng ủy, UBND xã Đa Phước đã tìm mô hình hội tụ các nông dân đang chăn nuôi dê, cừu, thỏ… để thành lập HTX, tạo sức mạnh số đông và sản phẩm nông nghiệp bền vững, dễ tham gia thị trường. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đa Phước Võ Thanh Sơn nói: “Chúng tôi đã thành lập thành công HTX Hoa lan, HTX Bon sai, HTX Rau an toàn, HTX Tôm cua…, cho nên Đảng ủy ra Nghị quyết và chính quyền xã quyết tâm gây dựng HTX Chăn nuôi dê Đa Phước, tạo sinh kế bền vững cho bà con. Dê vùng này thịt thơm, cho nhiều sữa, nguồn thức ăn cho dê cũng phong phú và nhiều người đã có tay nghề nên tin rằng mô hình sẽ thành công”.

Điểm danh bảy thành viên của HTX, thấy anh Hải xứng đáng làm “lãnh đạo” nhất vì từ khi quay về nghề nông, vợ chồng anh đã gây dựng đàn dê lên đến 170 con. Anh cũng góp số vốn lớn nhất vào HTX với mức đóng 40 triệu đồng. Kế đến là nông dân Huỳnh Hữu Tài (Út) và nữ nông dân Dương Thị Thu Mai góp 30 triệu đồng mỗi người. Bốn nông dân Trương Mai Hoàn Thành, Huỳnh Kim Thành, Trương Văn Danh (Chín) và Đoàn Tấn Phong (Ba) góp 25 triệu đồng mỗi người. Trong HTX, Hải cũng là người tích cực cho mượn con giống và truyền đạt kinh nghiệm nuôi dê cho xã viên. 

Anh Chín Danh sau khi giã từ nghề làm phụ hồ ở phố thị đã trồng hết cỏ voi trên mảnh đất 500m2. Vậy mà vừa trồng cỏ cho dê, vừa đi gom bã đậu hủ, vừa cắt thêm cây lá quanh vùng, anh Chín cũng nuôi được 20 con dê từ số con giống ban đầu được cho mượn. “Tui mới bán hai con được gần tám triệu đồng”, anh Chín cười phơi phới cho biết.

Hay như anh Ba Phong, sau khi từ bỏ nghề bốc vác, về quê nuôi hai cặp dê giống. Nhờ chịu khó cắt cỏ, trồng so đũa, chạy chợ những đêm khuya xin rau dư, nay tổng đàn dê của anh lên gần 100 con. Thế nên, khi “bị” Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Minh Hải cằn nhằn vì đến dự lễ ra mắt HTX trễ, Ba Phong cười hềnh hệch: Sáng nay mưa, tui phải bẻ mớ so đũa cho dê ăn vì chúng đói, la bể làng.

Nghe anh Ba Phong nói, anh Út Tài chen ngang: “Giống dê này nuôi không tốn tiền thức ăn vì cây cỏ, lá, sơ mít, lá chuối, vỏ cây gì nó cũng ăn hết. 

Nhưng nuôi dê thì như chăm con mọn vì mình phải đi trồng, hái, lấy công làm lời và vốn ban đầu làm chuồng gỗ khá nặng vì nuôi dê trong chuồng sắt, nước tiểu của nó làm hư chuồng nhanh”. 

Hiện tại, anh Út Tài có 1ha đất trồng cỏ và so đũa nhưng chỉ nuôi 50 con dê cho nên dư thức ăn cho chúng. Anh còn chia lại với giá không kinh doanh cho các xã viên khác. Trước đây, khi còn bán hàng ở chợ, nhà anh luôn thiếu trước hụt sau vì ba đứa con trong tuổi ăn học. Sau dịch, chợ ế, anh về quyết chí làm lại nông dân và cứ bảy tháng một lần, anh xuất hết dê, chỉ giữ lại dê con và dê cái sắp sinh sản cho kỳ nuôi tiếp theo. Tham gia HTX lần này, anh Út Tài kỳ vọng sẽ nhân đàn lên gấp bốn lần do nghe thông tin Ủy ban nhân dân xã đã kết nối được các cửa hàng Bách hóa Xanh trên địa bàn.

Sau khi thực hiện đầy đủ nghi thức ra mắt HTX, chị Trương Thoại Linh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đa Phước đã giới thiệu sản phẩm sữa chua làm từ sữa dê và sữa dê tươi đóng chai có nhãn mác, thương hiệu do chính HTX làm. Chị nói: “Nghị quyết của Đảng ủy xã yêu cầu phải triển khai đồng bộ các giải pháp kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cho nên xã đã mở nhiều lớp đào tạo nghề miễn phí, giới thiệu việc làm, hỗ trợ phương tiện làm ăn, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi... Nay cả xã đều trông mong vào HTX Chăn nuôi dê Đa Phước, nếu thành công thì đó là động lực giúp nhà nông bớt phải ly hương…”