Chạy nước rút để kịp hoàn thành container tương ớt thương hiệu Chilica chuẩn bị xuất sang thị trường Canada vào ngày 15/4 tới, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Tomcare Nguyễn Thanh Hiền (huyện Bình Chánh) cho biết: Đây là thị trường mới công ty vừa ký kết hợp tác. Chilica đang cố gắng tìm cách tiếp cận thêm nhiều thị trường thông qua các hội chợ trong nước và quốc tế để có thêm đơn hàng.
“Do tương ớt không phải là thực phẩm thiết yếu cho nên chúng tôi vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa cân đối giá sao cho phù hợp; chú trọng đến các quốc gia có ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam để xuất khẩu. Bằng mọi cách chúng tôi phải tăng tốc sản xuất, nhà máy phải chạy liên tục và quan trọng hơn là bảo đảm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động”- ông Hiền nhấn mạnh. Hiện, Chilica đã kín đơn hàng cho quý II/2023 đến các thị trường Mỹ, Canada, Cộng hòa Séc; đồng thời, tiếp tục thương thảo những hợp đồng mới.
Từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Công ty May mặc Dony không có đơn hàng xuất khẩu hoặc không thương thảo được bởi giá đối tác đưa ra rất thấp, không bảo đảm chi phí sản xuất. Để duy trì việc làm cho người lao động, Dony chủ động mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu mới; đồng thời, tổ chức sản xuất các đơn hàng giá rẻ xuất khẩu, thay vì những đơn hàng may mặc cao cấp như trước đây. Đây chính là lý do giúp đơn vị cầm cự sản xuất trong khó khăn và không phải cắt giảm lao động.
“Đích thân lãnh đạo công ty sang Mỹ, Trung Đông để tìm kiếm khách hàng. Chúng tôi đã đưa ra mức giá thấp hơn trước đây, các nhà nhập khẩu sẵn sàng đặt hàng với số lượng lớn và nhận hàng trong một hoặc hai năm. Một số đã đồng ý tăng số lượng đặt hàng lên 300%. Công ty cũng giữ thị trường truyền thống là sản xuất đồng phục, mở rộng thêm bộ phận thiết kế, làm hàng mẫu để giới thiệu cho khách thay vì bị động chờ hàng về gia công. Nhờ đó, nhà máy Dony vẫn sáng đèn, công nhân có việc làm, ổn định cuộc sống”- Giám đốc Công ty Dony Phạm Quang Anh chia sẻ.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và xuất nhập khẩu lâm sản Sài Gòn, Tô Ngọc Ngời cho biết, có những doanh nghiệp vẫn bảo đảm số đơn hàng, song có những phân khúc chỉ được 40-50% số đơn hàng so với trước, thậm chí trống đơn hàng. Doanh nghiệp ông Ngời hiện giữ đơn hàng ở mức 50%, công nhân thay vì làm ba ca thì chỉ làm 1,5-2 ca để giữ mức lương cơ bản và quan trọng là giữ công nhân để bảo đảm sản xuất khi đơn hàng phục hồi.
Với các doanh nghiệp ngành nhựa và cao-su, đơn hàng cũng đang giảm hơn 20%. Chủ tịch Hội Cao-su-nhựa Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Quốc Anh cho biết: Nguyên nhân do sản phẩm của doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu, nhưng nay khách hàng nước ngoài không mua, không đặt hàng... “Để tồn tại và vượt qua giai đoạn khó khăn này đòi hỏi các doanh nghiệp phải cải tiến sản phẩm, giảm giá thành, hợp lý hóa lao động.
Chúng ta cần trong tư thế luôn sẵn sàng để khi thị trường hồi phục thì mình nắm cơ hội để bứt phá”- ông Quốc Anh cho biết. Theo Phó Chủ tịch Hội Da giày thành phố Nguyễn Văn Khánh, cái khó của các doanh nghiệp trong ngành này là cố gắng giữ người lao động, bởi nếu để người lao động rời nhà máy, khi có đơn hàng trở lại sẽ rất vất vả để tìm công nhân lành nghề, do dự báo thị trường sẽ phục hồi từ quý 2/2023.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, qua khảo sát hơn 100 doanh nghiệp về hoạt động sản xuất, kinh doanh đến hết tháng 2/2023, có đến 83% số doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi thị trường bị thu hẹp (41,2%); hàng tồn kho nhiều (30,1%); giá nguyên liệu đầu vào tăng (17,6%); khó tiếp cận nguồn vốn (40%); lãi suất vay cao (43%); thủ tục vay vốn phức tạp, tốn nhiều thời gian (38,2%)…
Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn đang dừng ký hợp đồng lao động với số lượng lớn. Điều này xảy ra là bất thường so với các năm trước, lý do vì không có đơn hàng dự trữ. Phó Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Phước Hưng cho biết: Nhiều doanh nghiệp phải giảm giờ làm để duy trì và giữ chân người lao động. Một số doanh nghiệp đang chủ động tái cấu trúc, tiết kiệm, cắt giảm các nguồn lực và chi tiêu, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, việc làm của người lao động. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt nguồn lực phù hợp cũng là một trong những khó khăn mà nhiều doanh nghiệp phải đối mặt. “Tuy nhiên, với tinh thần chủ động của doanh nghiệp, cùng những chính sách hợp lý của Chính phủ; 52,9% số doanh nghiệp cho biết đã ổn định được hoạt động kinh doanh”- ông Hưng cho biết.