Phát triển đàn bò sữa bền vững

Cùng với cả nước, ngành chăn nuôi bò sữa ở Thành phố Hồ Chí Minh đã hình thành một nền sản xuất sữa hàng hóa, bước đầu mang tính chuyên nghiệp, đáp ứng gần 20% nhu cầu tiêu thụ và chế biến sữa trong nước. Tuy nhiên, ngành bò sữa ở địa phương này đang gặp nhiều khó khăn, khi tổng đàn có xu hướng giảm mạnh.
0:00 / 0:00
0:00
Chăn nuôi bò sữa tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. (Ảnh: THẾ DƯƠNG)
Chăn nuôi bò sữa tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. (Ảnh: THẾ DƯƠNG)

Khi mới bắt đầu nuôi bò sữa, ông Phạm Văn Vũ, ấp Xóm Trại, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi chỉ nuôi vài con bò sữa. Do chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng và chưa tiếp cận được những tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nên thu nhập của gia đình ông chỉ đủ trang trải cho cuộc sống hằng ngày.

Với quyết tâm phát triển thành trang trại, ông Vũ tìm đến những mô hình chăn nuôi bò sữa có hiệu quả, mang lại kinh tế cao để học tập kinh nghiệm, quy trình chăn nuôi để về áp dụng cho trang trại của mình. “Trong quá trình nuôi bò sữa, tôi nhận thấy người chăn nuôi thường thua lỗ do nhiều nguyên nhân như con giống qua nhiều năm không cải thiện dẫn đến thoái hóa, khẩu phần ăn không hợp lý làm tỷ lệ thất thoát thức ăn cao, trong khi giá thu mua sản phẩm của các công ty phụ thuộc vào chất lượng sữa.

Từ đó, tôi nghĩ muốn chăn nuôi thành công thì không thể chỉ dựa vào các cuộc học tập kinh nghiệm mà phải đổi mới cách chăn nuôi, áp dụng công nghệ hiện đại thì mới bảo đảm bền vững”, ông Phạm Văn Vũ nói. Theo ông Vũ, muốn nuôi bò sữa thành công chỉ có hạ giá thành, áp dụng công nghệ cao vào chăn nuôi. Với tư duy tiến bộ này, ông quyết tâm đổi mới ngay cách làm “lấy công làm lời” sang áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi.

Sau khi ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao vào chăn nuôi bò sữa như hệ thống làm mát bò sữa, các loại máy vắt sữa, máy băm thái cỏ... hiệu quả mang lại khá cao khi tiết kiệm rất nhiều về công lao động, giảm giá thành sản xuất, năng suất sữa bò tăng lên, các chỉ số nhiễm vi sinh trong sữa để bán cho các công ty thu mua với giá cao hơn...

Đến nay, tổng đàn bò sữa của ông Vũ có 50 con, năng suất sữa bình quân 17 kg/sữa/con/ngày, chất lượng sữa luôn đạt chuẩn của nhà thu mua, với giá bán sữa bình quân 14 nghìn đồng/kg sữa, lợi nhuận hằng năm sau khi trừ chi phí thu về hơn 600 triệu đồng/năm.

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương phát triển chăn nuôi bò sữa lớn trong vùng và của cả nước. Tuy nhiên, sau giai đoạn phát triển mạnh mẽ, từ năm 2015 đến nay, tổng đàn bò và bò sữa suy giảm số lượng nhanh chóng.

Năm 2020, tổng đàn bò sữa đã giảm gần 17% số hộ chăn nuôi so với năm 2019 và năm 2021 tổng đàn bò sữa đã giảm gần 17% và giảm 0,31% số hộ chăn nuôi. Hiện, tổng đàn bò sữa của thành phố năm 2022 hơn 60 nghìn con được nuôi tại 4.122 cơ sở chăn nuôi và một trại quốc doanh. Trong nhiều yếu tố tác động tiêu cực đến sự phát triển của ngành chăn nuôi bò sữa như đô thị hóa, công nghiệp hóa, quy mô chăn nuôi không đủ lớn để tạo ra lợi thế kinh tế... yếu tố về lợi nhuận là một trong những nguyên nhân cốt lõi dẫn đến đàn bò sữa thành phố giảm mạnh.

Đề cập về vấn đề này, Ths Lê Việt Bảo, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Chăn nuôi bò sữa tại thành phố chủ yếu chăn nuôi quy mô nông hộ và trang trại nhỏ cho nên việc đầu tư phát triển sản xuất, cơ giới hóa, ứng dụng khoa học tiến bộ trong chăn nuôi gặp nhiều hạn chế. Phương thức chăn nuôi theo truyền thống, kinh nghiệm vẫn phổ biến, mặc dù đã được tập huấn, hướng dẫn cải tiến kỹ thuật chăn nuôi.

Người chăn nuôi chỉ tập trung khai thác sữa, bán con giống, nhưng chưa quan tâm đến quản lý đàn giống, giá nguyên liệu đầu vào như các loại thức ăn hỗn hợp, thức ăn thô xanh và các loại phụ phế phẩm, vật tư chăn nuôi, thuốc thú y, xăng dầu không ổn định, luôn trong tình trạng tăng cao, làm giá thành sản xuất bình quân cao, giảm hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi...

Để phát triển đàn bò sữa bền vững và mang tính cạnh tranh cao, mục tiêu đề ra đến năm 2025, thành phố duy trì đàn bò sữa ổn định với tổng đàn 61 nghìn con. Trong đó, cơ cấu đàn cái sinh sản chiếm khoảng 60%, đàn cái vắt sữa chiếm 50% tổng đàn, năng suất sữa bình quân đạt 17-19 kg/con/ngày.

Muốn làm được điều này, các nhà chuyên môn cho rằng, tiềm năng phát triển ngành chăn nuôi bò sữa ở thành phố còn rất lớn, nhưng để ngành chăn nuôi bò sữa phát triển phải bảo đảm nguồn thu nhập cho người chăn nuôi bò sữa.

Đồng thời, thành phố cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về phương thức tổ chức sản xuất, quy mô, công nghệ và thị trường tiêu thụ; trong đó, tập trung giải quyết các điểm yếu về năng suất, chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường; xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất bò sữa theo định hướng tái cơ cấu đàn ở thành phố và các địa phương lân cận nhằm tạo ra sự phát triển bền vững và gia tăng giá trị.

TS Trần Tiến Khai, Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất: Thành phố khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ nuôi nhỏ lẻ dưới 20 con chuyển đổi sang các nghề nghiệp khác vì không có hiệu quả kinh tế.

Tập trung hỗ trợ cung cấp các dịch vụ công về khoa học công nghệ giống, kỹ thuật chăn nuôi, thú y và quản lý nông trại cho các hộ gia đình nuôi bò sữa, nhất là các hộ có quy mô từ 50 con trở lên để tăng hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả kinh tế.

Nghiên cứu áp dụng mô hình doanh nghiệp liên kết với nông dân chăn nuôi bò sữa dưới hình thức bán cổ phần ưu đãi cho người nuôi, hoặc giá trị hóa đàn bò như vốn góp cổ phần để người nuôi hưởng lợi thêm từ lợi tức của ngành chế biến sữa, góp phần cải thiện sự công bằng và hài hòa lợi ích giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến.