Tạo sức bật cho kinh tế-xã hội thành phố

Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang có sự tăng trưởng tích cực trên nhiều lĩnh vực giai đoạn hậu Covid-19. Tuy nhiên, những tác động khó lường của thị trường lẫn những yếu tố chủ quan khiến kinh tế-xã hội thành phố còn nhiều vấn đề khó khăn cần phải tháo gỡ, khắc phục.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân trải nghiệm du lịch tại rừng Sác (huyện Cần Giờ).
Người dân trải nghiệm du lịch tại rừng Sác (huyện Cần Giờ).

Tăng trưởng nhưng chưa ổn định

10 tháng của năm 2022, cũng là thời điểm thành phố hơn một năm mở cửa sau giai đoạn giãn cách do dịch Covid-19. Đánh giá của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp nhìn nhận, mức tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực của thành phố đã có sự “tăng tốc trở lại” rất đáng kể. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Lê Thị Huỳnh Mai đánh giá: Các lĩnh vực kinh tế của thành phố tiếp tục có mức tăng trưởng khá.

Trong đó, bốn ngành công nghiệp trọng điểm tiếp tục tăng trưởng tích cực, ước tăng trung bình 23% trong 10 tháng qua dù có sự sụt giảm do tác động từ nguồn nhập khẩu nguyên liệu. Cũng trong thời gian này, thu ngân sách ước thực hiện hơn 392.790 tỷ đồng, đạt 101,61% dự toán năm và tăng 22,33% so với cùng kỳ. Ở lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ, doanh thu ước đạt gần 900 nghìn tỷ đồng, tăng 29,9% cùng kỳ. Ngành du lịch có sự trở lại mạnh mẽ khi đón gần 25 triệu lượt khách nội địa và hơn 2,6 triệu lượt khách quốc tế từ đầu năm đến nay.

Ngoài ra, công tác hỗ trợ người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp được chú trọng, các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi và phát triển (giá trị sản xuất tăng 4,4% so với cùng kỳ);... Theo UBND thành phố, từ đầu năm đến nay, thành phố duy trì mức tăng trưởng ở mức 9,97% là đạt được những kết quả tích cực, cho thấy khả năng năm 2022 đạt được tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu đề ra.

Tuy vậy, trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế-xã hội thành phố thời gian qua, nhiều “gam màu” xám khiến mức tăng trưởng chưa ổn định như kỳ vọng. Đơn cử, vụ việc liên quan lĩnh vực tài chính tại ngân hàng tác động tiêu cực trực tiếp đến lĩnh vực này và nhiều lĩnh vực khác.

Ngoài ra, tình hình cung ứng xăng, dầu trên địa bàn cũng tạo ra tâm lý không yên tâm, thiếu tin tưởng, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, đời sống của người dân, hoạt động kinh tế-xã hội. Tình hình giải ngân vốn đầu tư công chưa như kỳ vọng (mới đạt 27%) tác động đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác của thành phố.

Nhiều chuyên gia cho rằng, với một đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, khi Chính phủ đang thực hiện một số biện pháp cần thiết để ổn định thị trường tài chính, bất động sản cũng sẽ tạo ra những tác động không thuận lợi đến thị trường, tâm lý chờ đợi của nhà đầu tư, làm chững lại tốc độ tăng trưởng vốn đang thuận lợi sau dịch…

Tại buổi giám sát của HĐND thành phố mới đây với UBND thành phố, lãnh đạo UBND thành phố cũng nhìn nhận, cộng đồng doanh nghiệp và người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đó là những vấn đề sau dịch, thiếu thuốc men, cơ chế tự chủ tài chính, mô hình chính quyền đô thị... vẫn gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Nhận diện đúng khó khăn

Sau đại dịch, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập các tổ công tác tháo gỡ các khó khăn để kinh tế-xã hội thành phố tăng trưởng ổn định. Tại các cuộc họp về kinh tế-xã hội thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi nhiều lần nhấn mạnh: Các đơn vị, sở, ngành, địa phương cần đánh giá đúng thực chất những diễn biến, khó khăn để xác định cho được chủ đề trọng tâm và các giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn đang gặp phải.

Đối với thời gian còn lại của năm 2022, UBND thành phố nhấn mạnh các đơn vị, sở, ngành, địa phương cần tận dụng hết nội lực, tháo gỡ những điểm nghẽn để khơi thông nguồn lực nội địa; đồng thời, tập trung giải ngân vốn đầu tư công, từng dự án phải được phân tích rõ những vướng mắc, có kế hoạch giải ngân vốn cụ thể.

Để kinh tế-xã hội thành phố tiếp tục tăng trưởng ổn định, Tiến sĩ Trần Du Lịch đề xuất bốn vấn đề trọng tâm thành phố cần quan tâm, chú trọng trong thời gian tới là triển khai, vận dụng có hiệu quả chính sách tài chính tiền tệ của Chính phủ vào thực tiễn của thành phố; tháo gỡ các điểm nghẽn để hấp thụ nhanh nguồn vốn đầu tư; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm và tạo chuyển biến mạnh mẽ chuyển đổi số.

Ở góc độ doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhìn nhận, tình hình kinh tế-xã hội dù khởi sắc nhưng doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi. Từ đó, Hiệp hội kiến nghị thành phố cần quan tâm, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là trong vấn đề tiếp cận nguồn vốn; cơ chế chính sách để tạo “sức bật” cho các doanh nghiệp sau đại dịch.