Cuối tháng 3 vừa qua, “vua bánh mì” Kao Siêu Lực đã chính thức đưa sản phẩm kem tươi kiểu Italia nhưng làm từ các loại trái cây trong nước ra mắt người tiêu dùng. Ông Kao Siêu Lực tâm sự: “Hai năm trước, nhìn nông sản Việt Nam phong phú nhưng có thời điểm thiếu đầu ra, tôi đã bắt đầu nghiên cứu làm kem trái cây. Tôi muốn góp phần vào quá trình thúc đẩy chế biến sâu các sản phẩm trái cây Việt Nam”.
Theo “vua bánh mì” Kao Siêu Lực, vốn xuất thân là nông dân nên ông luôn trăn trở đối với nông sản Việt Nam. Thực tế, các loại rau củ, hoa trái trong nước rất nhiều nhưng cần người biết cách khai thác, tăng giá trị nông sản lên. Do đó, ông không ngừng tìm tòi, nghiên cứu để làm sao giúp nông sản Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường trong nước và nước ngoài. Những ngày qua, ông Kao Siêu Lực đều mời khách hàng đến thử kem miễn phí để hoàn chỉnh sản phẩm của mình.
Trong quá trình nghiên cứu các nguyên liệu để làm kem, ông cho rằng, làm kem từ dừa là khó nhất. Bởi dừa là thể lỏng (chứa nước) mà gelato (kem) hoàn toàn không có nước. Công thức kem dừa được ông phối hợp bốn loại nước cốt dừa khác nhau, trong đó, có loại nấu bằng nước cốt của trái dừa khô. Điều kiện khó nhất khi nấu nước cốt dừa để làm kem là không được để sôi quá 1000C.
“Đặc biệt, nhằm đáp ứng đúng khẩu vị người Việt Nam, chúng tôi nghiên cứu để đưa tất cả những nông sản trái cây Việt Nam như dừa, bơ, sầu riêng, dâu, thanh long, khoai môn… vào món kem này” - ông Lực nói.
Trước đó, tháng 2/2020, khi nông sản Việt Nam, nhất là thanh long, gặp khó đầu ra do ảnh hưởng dịch Covid-19, ông Kao Siêu Lực tung ra thị trường sản phẩm bánh mì thanh long ruột đỏ sau ba ngày nghiên cứu công thức. Sản phẩm đã gây “sốt” một thời gian dài khi người dân xếp hàng từ sáng đến tối chờ mua. Loại bánh mì độc đáo này đã góp phần giải cứu thanh long thành công ngoài mong đợi.
Trên thị trường, khá nhiều doanh nghiệp chế biến nông sản Việt Nam thành những món ăn, thức uống độc đáo và bán khắp thế giới. Giới thiệu món cà-phê khoai môn đậm vị quê hương, nhà sáng lập cà-phê nông sản Meet More Nguyễn Ngọc Luận (Việt kiều Australia) cho biết: “Cách đây khoảng sáu năm, khi đến Bình Thuận, tôi thấy vườn thanh long chín đỏ có giá chỉ vài nghìn đồng/kg nhưng không ai thu mua, thậm chí nông dân còn bỏ cho bò ăn, xót xa vô cùng. Lúc đó, tôi liền nghĩ tới việc mình phải làm gì đó để mỗi năm không còn phải nghe ra rả thông điệp từ truyền thông rằng, hãy giải cứu nông sản Việt”.
Sau nhiều ngày suy nghĩ chế biến nông sản một cách khác biệt, cuối cùng ông Luận quyết định chế biến cà-phê trái cây với mục tiêu nâng cao giá trị nông sản Việt Nam qua loại thức uống hằng ngày. Đến nay, Meet More đã có hàng chục loại cà-phê trái cây như cà-phê khoai môn, mít, dừa, đậu xanh, trái nhàu,… không chỉ xuất hiện ở nhiều siêu thị, cửa hàng trong nước mà còn xuất sang Hàn Quốc, Mỹ, Australia…
“Tôi nghĩ tại sao Việt Nam có quá nhiều nông sản bị bỏ phí, chúng ta đang ngồi trên mỏ vàng nhưng lại không biết khai thác hết giá trị của chúng thì thật uổng phí” - ông Nguyễn Ngọc Luận bộc bạch. Trong tương lai, thương hiệu này hướng đến 63 vị đặc trưng cho các loại nông sản ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, như thanh long Bình Thuận, xoài Tiền Giang…
Cũng từ câu chuyện giải cứu nông sản, chàng giám đốc trẻ Công ty TNHH Thực phẩm Duy Anh Lê Duy Toàn (huyện Củ Chi) đã dùng thanh long, dưa hấu chế biến thành các loại bún, bánh tráng tạo được bất ngờ và sức hút cho thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc… ngay từ khi chào hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có thêm những sản phẩm làm ra từ nông sản khác như bún cà-phê, bún khoai lang, bún chùm ngây, mì cải bó xôi, mì củ dền, mì bí đỏ…
“Việc sáng tạo trong chế biến nông sản để gia tăng giá trị là rất cần thiết, bởi Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp và nhiều rau quả thường phải giải cứu, khách hàng rất chuộng những sản phẩm mới lạ”, anh Toàn cho hay.
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh cho rằng: Các nông sản muốn “biến hóa” thành sản phẩm mới cần phải lựa chọn phù hợp. Trong đó, phải phối hợp khéo léo để giá trị của sản phẩm mới và các loại nông sản truyền thống tăng lên.
Muốn vậy đòi hỏi người chế biến phải có bản lĩnh. Ngoài ra, bà Hạnh cho rằng, cùng với chế biến sâu, cần phải đẩy mạnh xuất thô để kịp thời tiêu thụ nông sản vào vụ. Để gia tăng xuất thô, điều quan trọng nhất là phải có kỹ thuật bảo quản để kéo dài “tuổi thọ” và chất lượng sản phẩm.