Chuyển đổi số, tạo động lực tăng trưởng kinh tế

Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trên các lĩnh vực và xây dựng đô thị thông minh để tạo động lực tăng trưởng kinh tế, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy phát triển kinh tế số với mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số đóng góp khoảng 25% tổng sản phẩm nội địa (GRDP) toàn thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân viên Công ty cổ phần MISA tại Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ khách hàng triển khai chuyển đổi số ứng dụng hóa đơn điện tử. (Ảnh: ANH TUẤN)
Nhân viên Công ty cổ phần MISA tại Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ khách hàng triển khai chuyển đổi số ứng dụng hóa đơn điện tử. (Ảnh: ANH TUẤN)

Mục tiêu này được Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh xác định trong Chỉ thị số 17-CT/TU về việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh.

Trong Chỉ thị vừa ban hành, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội thành phố tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, tạo lập, tích hợp và khai thác hiệu quả các dữ liệu để phục vụ công tác phòng, chống dịch, phục hồi phát triển kinh tế-xã hội và quản trị thành phố theo hướng hiện đại.

Theo Chỉ thị 17, lãnh đạo Hội đồng nhân dân thành phố chủ động, sáng tạo, có giải pháp chuyển đổi số phù hợp, hiệu quả các hoạt động của Hội đồng nhân dân thành phố; quan tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội thành phố xây dựng kế hoạch giám sát việc thực hiện chương trình Chuyển đổi số và Đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh; đồng thời, giám sát vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện.

Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo từng đơn vị, cơ quan trong toàn hệ thống đề ra chương trình hành động cụ thể thực hiện công tác chuyển đổi số và xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh. Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực gắn với bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông dữ liệu, nhất là dữ liệu dân cư, quy hoạch, giao thông vận tải, y tế, giáo dục, bảo hiểm, doanh nghiệp, đất đai, nhà ở...

Bảo đảm kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, cung cấp các tiện ích, dịch vụ công trực tuyến nhanh chóng, thuận tiện, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực trong môi trường số, trước hết cần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nghiên cứu, ban hành các quy định, chính sách hiện hành nhằm nâng cao năng lực quản lý của các cấp chính quyền theo kịp thực tiễn quá trình chuyển đổi số; bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện, trong đó xem xét ưu tiên nguồn lực để triển khai tại thành phố Thủ Đức góp phần hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông.

Song song đó, UBND thành phố tăng cường chỉ đạo Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức, Chủ tịch UBND các quận, huyện ký kết chương trình phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn để vận động từng hộ dân, doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp thực hiện ba trụ cột của chương trình chuyển đổi số là xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số; giám sát, đánh giá và công nhận chỉ số chuyển đổi số của từng địa bàn tại thành phố.

Chỉ thị 17 cũng yêu cầu, Đảng ủy Công an thành phố chỉ đạo Công an thành phố triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Đề án “Phát triển ứng dụng, dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan liên quan tạo lập, tích hợp và khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu, cung cấp ngày càng nhiều tiện ích nghiệp vụ ngành Công an như: Tố giác tội phạm, phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, khai báo tạm trú, tạm vắng và cung cấp các tiện ích cho người dân như định danh, xác thực người dân, dịch vụ ngân hàng, mua sắm, thanh toán, giáo dục, y tế, di chuyển nội địa, dịch vụ tiện ích cho nhóm đối tượng yếu thế...

Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi khẳng định: Một trong những động lực quan trọng phục vụ cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh chính là quá trình chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh. Chuyển đổi số được kỳ vọng sẽ tạo ra sự phát triển vượt bật, đột phá, trở thành động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế của thành phố trong thời gian tới.

Thành phố đặt mục tiêu hướng đến quản lý trên nền tảng số vào năm 2025. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng cho rằng: Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế số vì thành phố có số dân sử dụng điện thoại thông minh cao nhất nước; hạ tầng cáp quang, internet băng thông rộng, hạ tầng di động 3G, 4G phủ 100% phường, xã, thị trấn; xu hướng số hóa, làm việc, học tập từ xa ngày càng phổ biến; các ứng dụng công nghệ phục vụ đời sống phát triển nhanh chóng...

Theo Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HIDS), quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) kinh tế số Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021 ước đạt 191.768 tỷ đồng (khoảng 8,27 tỷ USD), tương đương 14,41%. Dự kiến năm 2022, tỷ lệ này ước đạt 15%. Để đạt mục tiêu năm 2025 kinh tế số chiếm tỷ lệ 25% GRDP, thành phố đang tập trung hình thành trung tâm công nghệ tài chính (Fintech hub), thử nghiệm (sandbox) về chuyển đổi số và hoàn thiện Trung tâm hỗ trợ Chuyển đổi số (DXCenter).