Buổi sáng, dù là “thời điểm vàng” để buôn bán nhưng ở phần lớn các chợ truyền thống, người mua khá thưa thớt.
Chị Chín (một tiểu thương kinh doanh trái cây ở khu vực chợ Nguyễn Đình Chiểu, quận Phú Nhuận) cho biết: “Từ sau Tết Nguyên đán Quý Mão đến nay khách vắng lắm, dù giá nhiều loại trái cây đã tăng nhưng tôi không dám tăng giá bán để giữ khách mua”.
Thế nhưng, ước tính lượng khách mua giảm khoảng 50% so với cuối năm 2022. Không những mặt hàng trái cây, với mặt hàng thịt heo tươi sống, dù giá đã giảm từ 20.000 đồng/kg đến 30.000 đồng/kg (tùy loại) so với cuối năm 2022 nhưng theo nhiều tiểu thương kinh doanh thịt heo ở các chợ, thịt heo bán ra vẫn rất chậm.
Ông Đinh Hồ Duy Ngọc, Trưởng ban Quản lý chợ An Đông (Quận 5) cho biết: Sức mua hiện giảm khoảng 30% so với trước Tết Nguyên đán Quý Mão. Do vậy, nhiều tiểu thương đã bỏ sạp, nghỉ bán, chợ An Đông có tổng cộng 335 sạp nhưng hiện chỉ còn 176 sạp đang kinh doanh, nhưng thực tế chỉ có 150 sạp kinh doanh hằng ngày.
Đại diện một số ban quản lý các chợ truyền thống khác cũng cho biết: Sức mua giảm khá mạnh từ sau Tết Nguyên đán Quý Mão đến nay. Cùng với đó, các tiểu thương đang kinh doanh trong chợ còn gặp nhiều khó khăn vì phải cạnh tranh bất bình đẳng với những người buôn bán tự phát chung quanh chợ. Vì vậy, đã có không ít tiểu thương phải nghỉ kinh doanh trong chợ, chuyển sang buôn bán ở chợ tự phát hoặc chuyển đổi nghề nghiệp.
Để đối phó tình trạng sức mua giảm sâu, các đơn vị bán lẻ đã đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi cùng những phương thức kinh doanh mới nhằm thu hút người tiêu dùng.
Chẳng hạn, các siêu thị và trung tâm kinh doanh hàng điện máy, điện thoại, máy tính... giảm giá nhiều mặt hàng từ 20% đến 50% trên giá niêm yết, kèm theo nhiều ưu đãi khác. Ở ngành hàng thịt heo tươi sống, từ ngày 18/3, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) giảm giá bảy mặt hàng thịt heo trong Chương trình bình ổn thị trường, trong đó có mặt hàng giảm giá mạnh đến 33.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, Sở Tài chính thành phố đã có công văn đề nghị các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường xem xét điều chỉnh giá bán các mặt hàng thịt heo do giá heo hơi đã giảm khoảng 13,3% so với thời điểm duyệt giá gần đây nhất.
Theo Sở Tài chính thành phố, giá heo hơi trên thị trường hiện nay có xu hướng giảm do người dân thắt chặt chi tiêu, tiêu thụ mặt hàng thịt heo rất yếu trong khi nguồn cung dồi dào. Do đó, Sở đề nghị các doanh nghiệp cân nhắc giảm giá các mặt hàng thịt heo để bảo đảm cân đối quyền lợi người tiêu dùng, người chăn nuôi và các doanh nghiệp.
Ở góc độ khác, để hỗ trợ tiểu thương nâng cao doanh số bán hàng và mở rộng đối tượng khách hàng, một số ban quản lý chợ truyền thống như chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Xã Tây (Quận 5)... đã lập trang Facebook của chợ để tiểu thương giới thiệu sản phẩm, tiếp nhận đơn đặt hàng.
Riêng những tiểu thương trẻ tuổi, nhạy bén công nghệ mới và xu hướng bán hàng trực tuyến thì chủ động tạo lập trang mạng xã hội cá nhân như Facebook, Zalo, TikTok, YouTube... để kinh doanh. Sở Công thương thành phố cũng đang phối hợp một doanh nghiệp phần mềm triển khai mô hình “Chợ truyền thống trực tuyến” trên ứng dụng Utop.
Đến nay, ứng dụng này đã triển khai tại 32 chợ, nhận được 14.951 đơn đặt hàng với doanh thu hơn 4,9 tỷ đồng. Về lâu dài, Sở Công thương phối hợp Trường đại học Kinh tế-Luật thực hiện đề án “Phát triển hệ thống chợ tại Thành phố Hồ Chí Minh thích ứng với bối cảnh dịch bệnh phát sinh và chuyển đổi số nền kinh tế” nhằm xây dựng chiến lược phát triển chợ truyền thống trên địa bàn giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2035, nâng cao sức cạnh tranh cho chợ truyền thống.
Trên bình diện chung, hoạt động bán lẻ đang dần phát triển, đa dạng hóa các kênh bán hàng, chú trọng nhiều hơn nữa kênh mua sắm trực tuyến. Xu hướng này sẽ giúp các nhà bán lẻ nói chung tiết kiệm chi phí kinh doanh, giữ vững thị phần và từng bước tăng doanh thu.