Vui xuân không quên đồng ruộng

Dù vui xuân đón Tết Nguyên đán 2024 nhưng nông dân Hậu Giang không quên đồng ruộng, vẫn thường xuyên theo dõi và thực hiện theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp về tình hình sinh vật gây hại cũng như xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân Hậu Giang chăm sóc lúa đông xuân.
Nông dân Hậu Giang chăm sóc lúa đông xuân.

Ông Nguyễn Minh Quốc ở Ấp 3, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy đã phun ngừa rầy nâu và một số loại dịch hại khác cho hơn 2 ha lúa đông xuân của gia đình đã trổ bông cong trái me, nhưng sáng sớm nào ông cũng ra thăm đồng. Đồng thời, ông cũng thường xuyên theo dõi thông tin cập nhật nồng độ mặn xâm nhập.

Ông Quốc cho biết: “Đây là vụ lúa chính trong năm, đồng thời giá lúa hiện cũng đang ở mức cao và tôi hy vọng có một mùa bội thu. Bởi vậy, từ đầu vụ xuống giống đến nay, tôi và người dân ở cánh đồng này luôn tích cực chăm sóc. Đặc biệt, thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, việc phòng, trừ sinh vật gây hại càng phải được quan tâm hơn vì chúng thường xuất hiện nhiều trên cây lúa do thời tiết lạnh và có nhiều sương mù vào sáng sớm, như khuyến cáo của ngành nông nghiệp”.

Vụ lúa đông xuân năm nay, anh Trần Vũ Phong ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy gieo sạ 1,2 ha giống lúa RVT. Giá thương lái đặt cọc 9.000 đồng/kg cùng năng suất dự đoán cũng không thua kém những cánh đồng lúa bên cạnh, hứa hẹn vụ lúa sẽ cho lợi nhuận cao.

Tuy nhiên, theo anh Phong, gần đây, một số diện tích lúa lân cận bị vàng lá, chín sớm, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng. Vì thế, ngày nào anh cũng đi thăm đồng, nếu phát hiện gì lạ sẽ gọi điện nhờ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp xã hỗ trợ.

Ông Trần Minh Hưởng ở cùng Ấp 3, xã Vĩnh Thuận Tây thì bộc bạch, thời điểm trước và trong những ngày nghỉ Tết, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của xã thường xuyên đến nhắc nhở người dân thăm đồng để kịp thời phát hiện và phòng trừ sinh vật hại xuất hiện trên cây lúa. Tết gia đình sum họp, gặp gỡ người thân, bạn bè thật vui nhưng không vì thế mà bỏ phế ruộng lúa; phải chăm sóc, theo dõi, phòng trừ dịch bệnh kịp thời, mới mong có được mùa bội thu.

Vụ lúa đông xuân 2023-2024, nông dân Hậu Giang đã xuống giống được 74.392 ha. Trong đó, lúa ở giai đoạn mạ có 259 ha, giai đoạn đẻ nhánh 24.435 ha, giai đoạn làm đòng 36.951 ha và giai đoạn trổ - chín 12.747 ha. Theo ngành nông nghiệp Hậu Giang, những ngày qua, trên địa bàn thường xuyên xuất hiện sương mù dày đặc vào sáng sớm cộng với nhiệt độ thấp, ẩm độ cao là điều kiện rất thuận lợi cho một số sinh vật phát triển và gây hại nặng trên cây lúa.

Dự báo bệnh đạo ôn lá có khả năng phát triển mạnh trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng, nhất là trên các giống lúa mẫn cảm như Đài Thơm 8, OM 18… Đồng thời, bệnh bạc lá (cháy bìa lá) có khả năng phát triển và gây hại trên ruộng lúa giai đoạn đòng - trổ, nhất là những ruộng gieo sạ dày, với các giống RVT, OM 5451,… và bón thừa phân đạm.

Ngoài ra, qua theo dõi và kết quả điều tra đồng ruộng, dự báo sẽ có một đợt rầy cám nở rộ trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng, trổ. Bên cạnh đó, một số sâu bọ, bệnh có khả năng gia tăng, tiếp tục phát triển và gây hại trên cây ăn trái, rau màu…

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang Ngô Minh Long cho biết: Ngành nông nghiệp từ tỉnh đến cơ sở đã có kế hoạch tăng cường thăm đồng kết hợp hướng dẫn nhà nông cách phòng trị từng đối tượng sinh vật hại trên từng loại cây trồng kịp thời, đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, địa phương thường xuyên thông tin, tuyên truyền về diễn biến sinh vật gây hại vào thời điểm trước, trong và sau Tết.

Ngành cũng đặc biệt quan tâm nước mặn với nồng độ cao có khả năng xâm nhập vào địa bàn tỉnh để cùng các cấp, ngành và người dân chủ động đề ra giải pháp phòng chống, bảo vệ thành quả sản xuất. Theo Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn - Chi cục trưởng Thủy lợi Hậu Giang Trần Thanh Toàn, trên địa bàn tỉnh có khoảng 120 cống lớn, nhỏ do tỉnh quản lý (chưa kể số cống do cấp huyện quản lý).

Ngoài hai trạm quan trắc đo nồng độ mặn tự động trên sông cái Ngan Dừa thuộc các xã Lương Nghĩa và Lương Tâm, huyện Long Mỹ, các đội quản lý, vận hành đều phân công người túc trực, theo dõi, đo nồng độ mặn xâm nhập để cập nhật, báo cáo về Ban Chỉ huy của huyện và tỉnh, bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin về độ mặn cho người dân biết để ứng phó giảm bớt thiệt hại.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cho biết: Tỉnh đã có kế hoạch chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương trên tinh thần “vui xuân không quên nhiệm vụ”, không chủ quan, lơ là; phải thường xuyên thăm đồng, theo dõi chặt chẽ độ mặn để cung cấp thông tin đến người dân, cùng chính quyền địa phương ứng phó kịp thời, hiệu quả, bảo vệ tốt đồng ruộng, vườn cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản.

Đối với cấp huyện, cần thường xuyên cử cán bộ kiểm tra mặn ngoài sông chính khi độ mặn đo được 1,5‰ thì vận hành các cống, đập cải tiến có sẵn, đắp đập thời vụ tại các đầu kênh để ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ sản xuất, hạn chế thiệt hại do xâm nhập mặn; thực hiện các biện pháp phù hợp nhằm bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt của người dân và hoạt động của các bệnh viện, cơ sở y tế, trường học; không để thiếu nước, sử dụng nước không hợp vệ sinh dẫn tới bùng phát dịch bệnh…