Thích ứng biến đổi khí hậu

Né hạn mặn, Cà Mau trúng đậm mùa lúa-tôm

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để ứng phó hạn, mặn mà vụ lúa-tôm năm 2023 nông dân tỉnh Cà Mau thắng lợi, cả tôm và lúa đều trúng mùa, trúng giá.
0:00 / 0:00
0:00
Khu vực trồng lúa kết hợp nuôi tôm tại Cà Mau phát triển mạnh tại các vùng có thủy lợi hở, đến nay khoảng 39.000 ha.
Khu vực trồng lúa kết hợp nuôi tôm tại Cà Mau phát triển mạnh tại các vùng có thủy lợi hở, đến nay khoảng 39.000 ha.

Những ngày này, nông dân vùng lúa-tôm huyện Thới Bình khẩn trương vào vụ sản xuất mới. Trên những cánh đồng chỉ còn lại những gốc rạ sau khi thu hoạch dứt vụ lúa, nhà nông địa phương dùng mô-tơ điện để bơm nước vào trong ruộng, bắt đầu thả tôm sú. Đây cũng là vụ tôm chính trong năm tại các cánh đồng lúa-tôm (trồng lúa kết hợp với nuôi tôm) của nông dân tỉnh Cà Mau.

Đưa chúng tôi ra tham quan cánh đồng tôm hơn 8ha của gia đình, ông Lê Văn Mưa, nông dân ấp 5 (xã Trí Lực, huyện Thới Bình) cho hay, vừa thả xong vụ tôm sú dưới ruộng được gần 2 tháng tuổi và đang phát triển rất tốt, khoảng 2 tháng tới sẽ cho thu hoạch. Ngoài tôm sú là vật nuôi chính, mùa hạn này, gia đình ông còn thả nuôi thêm cua, tôm càng.

Năm trước, những vật nuôi ấy cũng nuôi vào mùa hạn như hiện nay giúp gia đình thu về hơn 500 triệu đồng. Với diện tích canh tác hiện có, 3 năm gần đây, gia đình ông Mưa thu về hơn 1 tỷ đồng/năm, trừ chi phí sản xuất còn lời từ 600-700 triệu đồng. Để có được nguồn thu như vậy, ông canh tác theo kiểu xoay vòng, gối vụ. Cụ thể, vào mùa nước mặn (mùa khô hạn) nuôi tôm sú, tôm càng xanh kết hợp với cua. Còn vào mùa mưa, đồng nước mặn thì nuôi tôm được rửa mặn để trồng lúa kết hợp với nuôi tôm càng xanh.

Nhờ cách làm bài bản mà gia đình ông Mưa có nhiều nguồn thu vào nhiều thời điểm khác nhau trong một năm. Riêng vụ lúa-tôm năm 2023 vừa rồi, gia đình ông thu về hơn 30 tấn lúa ST24, hơn 2 tấn tôm càng xanh; tổng thu nhập hơn 400 triệu đồng. “Đây được xem là vụ mùa thắng lợi nhất từ trước đến nay.

Có được kết quả ấy là nhờ áp dụng tốt những tiến bộ của khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, tuân thủ lịch thời vụ theo khuyến cáo của ngành chức năng, đặc biệt là cảnh báo về hạn hán, xâm nhập mặn để biết cách chọn giống phù hợp, thu hoạch sớm nhằm né hạn, mặn có hiệu quả”– ông Mưa chia sẻ. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trí Lực Hà Minh Sữa đánh giá: “Cách làm hay của gia đình ông Mưa đã và đang được nhiều nhà nông vùng lúa-tôm tại địa phương áp dụng, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả, thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác”.

Do hệ thống thủy lợi chưa khép kín (thủy lợi hở) cho nên một số khu vực tại Cà Mau mùa mưa thì nước ngọt còn mùa khô thì nước mặn. Dựa vào điều kiện tự nhiên ấy mà thời gian qua, vùng thủy lợi hở phát triển mạnh mô hình lúa-tôm. Đến nay, diện tích lúa-tôm toàn tỉnh khoảng 39.000 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời và một phần nhỏ của thành phố Cà Mau và huyện Cái Nước.

Đến hết tuần đầu tháng 2/2024 vừa qua, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch dứt điểm vụ lúa-tôm để lấp vụ tôm chính trong năm. Kết quả cho thấy, tổng sản lượng lúa thu về gần 172.000 tấn (trung bình gần 4,5 tấn/ha); năng suất tôm càng xanh khoảng 200kg/ha. “Nhờ thực hiện tốt khuyến cáo lịch thời vụ để né hạn, mặn mà vụ lúa-tôm năm 2023 vừa qua, nông dân vùng lúa-tôm của huyện có vụ mùa bội thu. Tuy giá tôm càng xanh chỉ tăng nhẹ nhưng bù lại, giá lúa được thương lái thu mua tại ruộng cao hơn cùng kỳ trung bình từ 1.500-2.000 đồng/kg.

Số chênh lệch này là không nhỏ, tạo động lực để giúp nhà nông hăng hái hơn với những vụ mùa kế tiếp, đặc biệt là tin tưởng vào lịch thời vụ mà địa phương đã khuyến cáo nhằm ứng phó tốt ảnh hưởng của hạn, mặn” - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thới Bình Lý Minh Vững cho biết.

Thực tế cho thấy, tại các vùng lúa-tôm của Cà Mau, sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. Vì vậy, trước mỗi vụ mùa mới, ngành chức năng chuẩn bị và xây dựng lịch thời vụ khá tỉ mỉ. Đi kèm với đó là các khuyến cáo cần thiết về mặt kỹ thuật; khâu chọn giống, mạnh dạn chuyển đổi các giống lúa dài ngày sang các loại giống ngắn ngày nhưng phẩm chất hạt gạo cao, bảo đảm xuất khẩu.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ cho biết: “Nhờ tuân thủ tốt các khuyến cáo mà nông dân vùng lúa-tôm của tỉnh thu hoạch dứt điểm vụ lúa-tôm trước khi hạn đến, mặn về, có được vụ mùa thành công trong năm 2023. Để nâng cao hơn giá trị nông sản vùng lúa-tôm, ngành chức năng và chính quyền địa phương đã và đang đẩy mạnh liên kết bốn nhà, mở rộng dần vùng chuyên canh lúa-tôm theo xu hướng sản xuất hữu cơ, phục vụ xuất khẩu và đáp ứng xu hướng tiêu dùng nông sản sạch của nhiều nước trên thế giới, góp phần giúp nhà nông nâng cao giá trị nông sản, thu nhập bền vững”.