Chuyển hướng nuôi sò huyết bãi bồi

An Biên, An Minh là hai huyện ven biển của tỉnh Kiên Giang, có bờ biển dài hơn 21km với hơn 7.300 ha mặt nước đất bãi bồi. Để thích ứng với biến đổi khí hậu, địa phương đã tập trung chuyển đổi ngành nghề nuôi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, nhiều hộ dân trở nên khấm khá với nghề nuôi sò huyết.
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch sò huyết ở xã Nam Yên, huyện An Biên.
Thu hoạch sò huyết ở xã Nam Yên, huyện An Biên.

An Biên, An Minh có bốn xã ven biển, chiếm 48,47% tổng diện tích tự nhiên 43.000 ha của huyện. Theo ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang, tính đến tháng 9/2023, diện tích nuôi sò huyết bãi bồi nơi đây đạt hơn 7.360 ha, tổng sản lượng hơn 19.000 tấn, năng suất bình quân hơn 2,5 tấn/ha.

Tuy diện tích luôn tăng nhưng năng suất bình quân giảm và không ổn định trong những năm gần đây do môi trường nước có biến động, thời tiết thay đổi thất thường; dịch bệnh, địch hại thường xuyên xảy ra trên diện rộng. Tuy nhiên, mô hình nuôi sò huyết thương phẩm ven bãi triều vẫn được xem là mô hình bền vững về môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Một số ngư dân lâu năm cho biết, nghề nuôi sò vùng biển bồi này đã được hình thành cách đây hàng chục năm. Thời gian đầu chỉ có số ít người nuôi thành công. Điển hình là ông Dương Quốc Dũng ở xã Nam Thái, huyện An Biên; từng đối mặt những khó khăn trong quá trình nuôi tôm, cua nhưng ông vẫn bám trụ. Đến khi huyện có chủ trương phát triển nghề nuôi sò huyết bãi bồi ven biển thì gia đình ông mới thật sự “phất lên”.

Theo ông Dũng, sò huyết là loại dễ nuôi, ít cần chăm sóc, cho ăn, nhưng trong quá trình nuôi phải cất chòi canh trên diện tích bãi bồi ven biển để không cho người lạ vào khai thác. Bởi vậy, người dân vùng này phải bám lấy mặt biển suốt vụ nuôi. Mỗi vụ sò từ khi thả giống đến thu hoạch kéo dài khoảng một năm. Mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình ông có thu nhập một, hai trăm triệu đồng.

Từ khi thực hiện chủ trương phát triển kinh tế biển, nhất là triển khai mô hình nuôi sò huyết trên mặt nước bãi bồi ven biển, bà con ở đây đã đạt được hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình sản xuất này còn tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương; một hộ nuôi giúp cho khoảng 7-10 lao động thường xuyên có việc làm, thu nhập ổn định từ 5-7 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, còn một lực lượng lớn lao động khi đến mùa vụ cào sò giống về bán lại cho các hộ nuôi sò huyết. Nếu trước đây, tại địa phương, cầu, đường đi lại khó khăn, nhà cửa xiêu vẹo thì từ khi thực hiện phát triển kinh tế biển, nhất là tập trung vào thả nuôi sò huyết bãi bồi, đời sống kinh tế của người dân khấm khá hơn. Đặc biệt thời gian gần đây, một số cơ sở thu mua tại huyện An Biên còn tổ chức đưa con sò huyết của vùng đất bãi bồi này ra xuất ngoại, là một trong những giải pháp khả thi để nâng cao đời sống của người dân mưu sinh với nghề này.

Tuy nhiên, Phó Chi cục trưởng Thủy sản tỉnh Nguyễn Sỹ Minh cho biết, so với lúc đầu năng suất nuôi có giảm, từ hơn 3 tấn/ha xuống còn 2,5 tấn/ha; tốc độ tăng trưởng cũng chậm lại. Vì thế các cơ quan quản lý đã tìm hiểu nguyên nhân là do môi trường nhiều thay đổi gây ảnh hưởng bất lợi, các loại thức ăn tự nhiên không được cải tạo, đất bạc đi...

Nghề nuôi sò huyết có ý nghĩa rất lớn góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Kiên Giang, phát triển khá mạnh tại huyện An Biên vài năm trở lại đây. Huyện đã tập trung khảo sát khu vực ven biển, đánh giá cụ thể thực trạng đất đai, rừng và bãi bồi; phương tiện đánh bắt thủy sản, mô hình nuôi trồng; đánh giá độ canh tác và khả năng đầu tư, nhất là đầu tư bờ bao, ao nuôi…

Từ đó, huyện đề xuất các nhóm giải pháp phát triển ổn định nghề theo hướng bền vững, gồm các nhóm giải pháp về quy hoạch vùng nuôi, khoa học-công nghệ và khuyến ngư, dịch vụ hậu cần, chính sách vốn, thị trường... Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Biên, Trang Minh Tú cho biết: Huyện đã tổ chức nhiều lớp, buổi trao đổi kinh nghiệm đối với hộ nuôi về các biện pháp thả giống, thời điểm thả, mùa vụ cho phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương.

Đồng thời, huyện phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng mô hình điểm để hướng dẫn kỹ thuật cho bà con; hỗ trợ một chủ thể xây dựng được sản phẩm OCOP nhằm quảng bá và nâng cao giá trị con sò huyết. Thời gian tới sẽ cố gắng xây dựng thương hiệu sản phẩm, nhất là truy xuất nguồn gốc, phát triển sản phẩm OCOP; tiếp tục thương mại hóa sản phẩm, như là bao bì nhãn mác; xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết sản xuất bền vững và bảo đảm vùng nuôi đồng bộ, hạn chế rủi ro...

Ngành chức năng và các địa phương của tỉnh Kiên Giang đang bố trí, sắp xếp nghề nuôi nhuyễn thể theo hướng tập trung, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ; nhất là triển khai có hiệu quả Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tập trung đầu tư cơ sở hệ thống hạ tầng thiết yếu, tạo tiền đề để thu hút đầu tư mạnh mẽ trong khai thác tiềm năng mặt nước ven biển vào phát triển ngành nghề nuôi biển trong thời gian tới.

“Tỉnh sẽ thực hiện xây dựng các mô hình nuôi sò huyết bãi bồi, dưới tán rừng bằng nguồn vốn từ ngân sách địa phương và Trung tâm Khuyến nông quốc gia; tập trung nghiên cứu sản xuất giống tại chỗ; áp dụng các chính sách hỗ trợ người nuôi như giao khu vực biển cho dân sử dụng lâu dài...”, ông Nguyễn Sỹ Minh khẳng định.