Chủ động nguồn nước mùa hạn mặn

Chính quyền các địa phương cùng người dân đang tập trung thực hiện các giải pháp để tích trữ, cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất, nhất là vùng nội đồng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra.
0:00 / 0:00
0:00
Huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) chủ động cấp bổ nước các tuyến kênh nội đồng để bảo đảm sản xuất.
Huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) chủ động cấp bổ nước các tuyến kênh nội đồng để bảo đảm sản xuất.

Hiện tại, tình hình xâm nhập mặn tại địa bàn tỉnh Tiền Giang, tỉnh Bến Tre diễn biến phức tạp khi nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng và ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Tích nước phục vụ sản xuất

Qua nhiều mùa hạn mặn, người dân hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đã rất ý thức trong việc tích trữ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, vùng trọng điểm sản xuất cây giống, hoa kiểng, cây ăn trái rất mẫn cảm với nước mặn được người dân chủ động tích trữ nước từ rất sớm. Ông Nguyễn Văn Liệt, chuyên sản xuất cây giống tại xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách cho biết, gia đình đã trữ nước trong các ao, bồn chứa để có nước ngọt phục vụ việc tưới tiêu. Người dân nơi đây cũng tự trang bị máy đo độ mặn để kiểm tra nước sông trước khi bơm tưới nhằm tránh thiệt hại cho cây giống và vườn cây ăn trái.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chợ Lách Phạm Anh Linh cho hay, địa phương đã xây dựng kế hoạch và thông tin đến từng hộ dân để chủ động phòng chống hạn, mặn. Dự kiến có 4 kịch bản theo độ mặn, độ bao phủ để ứng phó bằng 4 giải pháp phù hợp nếu hạn, mặn xảy ra. “Hiện tại, huyện đang thực hiện các giải pháp công trình, phi công trình và cảnh báo người dân không chủ quan, lơ là. Nếu mặn kéo dài, địa phương sẽ có khả năng bảo đảm đủ nước tưới khoảng 2 tháng”, ông Linh nói.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Bùi Văn Thắm cho biết: “Để ứng phó với xâm nhập mặn, thời gian qua, các ngành, các cấp, địa phương tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, phát động nhân dân, doanh nghiệp trữ nước mưa, nước ngọt bằng nhiều hình thức như: Tận dụng các dụng cụ trữ nước đã được hỗ trợ; trữ nước trong các ống hồ, mái, lu, bồn chứa, túi chứa nước; đào hố trải bạt, ngăn chứa nước trong ao hồ, mương vườn, đắp đập cục bộ từng khu vực”.

Vùng dự án Ngọt hóa Gò Công, tỉnh Tiền Giang, chịu tác động trực tiếp của hạn, mặn hằng năm. Năm nay nhờ hệ thống thủy lợi cho nên người dân an tâm sản xuất. Ông Lê Văn Sáu ở xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây vừa thu hoạch 3 công lúa đông xuân 2023-2024 cho biết, nguồn nước ở các con kênh còn rất nhiều. Thời điểm này của một số năm, các tuyến kênh đã cạn khô nước, lúa bắt đầu khô héo.

Năm nay, Nhà nước đã chủ động lấy nước đưa vào nội đồng cho nên nông dân trồng lúa đã trúng mùa, lợi nhuận khá cao. Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đức Thịnh cho biết: Sau Tết Nguyên đán 2024, độ mặn đã tăng cao và lấn sâu vào khu vực nội đồng của tỉnh. Các cống đã đóng ngăn mặn, riêng cống Xuân Hòa vận hành lấy nước ngọt bổ cấp vào nội đồng khi độ mặn bên ngoài giảm về gần 0g/lít; mực nước nội đồng trên kênh trục dao động từ +0,37 đến +0,39m. Vùng dự án Phú Thạnh-Phú Đông, các cống đóng ngăn mặn từ ngày 20/11/2023, mực nước nội đồng trên kênh trục dao động từ -0,18 đến -0,17m. Vùng dự án Bảo Định, cống Gò Cát, Bảo Định, Xoài Hột đóng ngăn mặn; mực nước nội đồng trên kênh trục dao động từ +0,40 đến +0,48m”.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, hiện nay mực nước nội đồng trên các tuyến kênh trục chính trong vùng dự án Ngọt hóa Gò Công dao động từ +0,37 đến +0,39m thì tổng lượng nước có được khoảng 115 triệu m3. Mỗi ngày, tổng lượng nước bổ cấp vào nội đồng thông qua cống Xuân Hòa khoảng 400.000m3. Trong khi, nhu cầu nước phục vụ cho sản xuất 1 ngày, đêm ở vùng dự án Ngọt hóa Gò Công là gần 1 triệu m3/ngày, đêm. Nguồn nước trữ và lấy được qua cống Xuân Hòa bảo đảm đủ cho nhu cầu sản xuất của vùng dự án Ngọt hóa Gò Công.

Bảo đảm cung ứng nước ngọt sinh hoạt

Để chủ động cung ứng nước ngọt cho người dân, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cấp nước Tiền Giang đã thành lập Ban phòng, chống hạn, mặn của công ty. Trong đó, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch vận hành mở 19 giếng dự phòng để cấp nước khi mặn xâm nhập, xây dựng kế hoạch chi tiết phòng, chống hạn, mặn mùa khô năm 2023-2024; có tính toán nhu cầu sử dụng nước và đặt các tình huống cụ thể. Khu vực phía đông của tỉnh Tiền Giang chịu tác động nhiều của hạn, mặn cho nên công ty tập trung nguồn nước ngọt phục vụ cho khu vực này.

Dự kiến, nhu cầu cao điểm ở các huyện, thị phía đông khoảng 91.500m3/ngày đêm. Tất cả các trạm cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang hoạt động ổn định, cung cấp đủ nước cho người dân sử dụng. Riêng trong mùa hạn, mặn, tỉnh Tiền Giang có kế hoạch mở thêm 92 vòi nước công cộng từ các trạm cấp nước để cho nhân dân thuộc các xã vùng sâu, ngoài đê, các hộ sống phân tán chưa được sử dụng nước từ các trạm cấp nước tập trung đến lấy nước miễn phí. Đến nay, các địa phương đã mở được 16 vòi, lượng nước đã cấp gần 500m3...

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre Trần Thanh Bình cho hay, thời gian qua, công ty thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mặn qua 5 trạm quan trắc, bản tin của ngành thủy văn và kết hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre vận hành hệ thống các đập ngăn mặn. Đến thời điểm hiện tại, tất cả các nhà máy nước của công ty cung cấp nước đến khách hàng đều nằm trong giới hạn cho phép về độ mặn theo quy chuẩn kỹ thuật địa phương.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Bến Tre còn 32 nhà máy nước do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre quản lý. Trung tâm đã phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp phi công trình và giải pháp công trình.