Hiệu quả mô hình canh tác chống biến đổi khí hậu

Tác động của biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng. Trước tình hình đó, địa phương đang nỗ lực chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững để thích ứng.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ nông nghiệp hướng dẫn nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất thích nghi biến đổi khí hậu.
Cán bộ nông nghiệp hướng dẫn nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất thích nghi biến đổi khí hậu.

Những năm gần đây, tỉnh Sóc Trăng đã khai thác hệ sinh thái đa dạng với ba vùng mặn, lợ, ngọt; qua đó hình thành các vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn. Mỗi năm, sản lượng lúa của tỉnh đạt hơn 2 triệu tấn; thủy sản nuôi trồng đạt 375.257 tấn.

Tỉnh hình thành vùng sản xuất cây ăn trái tập trung để xuất khẩu rất hiệu quả; riêng chăn nuôi bò được hơn 54.500 con, sản lượng sữa bò hằng năm hơn 13.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,5 tỷ USD, trong đó lĩnh vực nông nghiệp chiếm hơn 90%. Giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản năm 2023 đạt 233 triệu đồng/ha đất nông nghiệp.

Tuy có những lợi thế về điều kiện tự nhiên và nguồn tài nguyên vùng ven biển, nhưng Sóc Trăng còn nhiều rủi ro do diễn biến thời tiết phức tạp, biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức lớn. Nhiều năm nay, người dân vùng ven biển Sóc Trăng đã biết được giá trị cỏ năn tượng. Trong vô số loài cây cỏ hoang dại ở vùng đất ngập nước, cỏ năn tượng là nguồn vật liệu từ thiên nhiên phù hợp với mô hình sản xuất mới ở vùng nông thôn.

Hơn nữa, đây còn là cây thích ứng với biến đổi khí hậu, gìn giữ môi trường sinh thái bền vững. Cỏ năn có thể làm sạch nguồn nước, tạo môi sinh tốt cho nuôi tôm, cua, cá, nhất là phù hợp mô hình nuôi quảng canh. Hợp tác xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng hiện có hơn 600 lao động nông thôn gia công đan đác. Năm 2022 đã cung ứng 30.000 sản phẩm; năm 2023 triển khai gia công sản phẩm mỹ nghệ từ năn tượng, cung ứng 10.000 sản phẩm mỗi tháng. Sản phẩm giao bán về Trung tâm điều phối của Công ty MCF; mỗi tháng trung tâm này cung cấp từ 30.000-40.000 sản phẩm cho Công ty Housewares (ở Bình Dương) để xuất khẩu 100% sang các nước Mỹ, Australia, Nhật Bản...

Học tập mô hình trồng năn tượng ở Ngã Năm, bà Trần Hồng Ni ở huyện Mỹ Xuyên mang cây năn tượng về trồng trên 1 ha ruộng nhà; cho thu nhập bình quân 6-8 triệu đồng/công, hằng năm thu hoạch 3 đợt từ 18-24 triệu đồng. Hiện nay, tại huyện Mỹ Xuyên đã tổ chức được 27 tổ hợp tác đan đác với 15-20 thợ đan/tổ. Nguyên liệu từ cỏ năn tượng đan giỏ thành phẩm cung cấp khoảng 700 sản phẩm/tuần cho Công ty MCF. Giá gia công đan từ 14.000-31.000 đồng/giỏ, giúp người lao động nhàn rỗi có thêm thu nhập từ 80.000-100.000 đồng mỗi ngày.

Việc thực hiện các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Sóc Trăng bước đầu mang lại hiệu quả cho người dân, như: Mô hình trồng đậu nành dưới chân ruộng tại huyện Thạnh Trị cho lợi nhuận 15-20 triệu đồng/ha/vụ; đồng thời giúp cải tạo độ phì nhiêu cho đất. Mô hình trồng sen lấy gương cho lợi nhuận trung bình 16,5 triệu đồng/ha và trồng sen lấy củ cho lợi nhuận bình quân 54 triệu đồng/ha tại huyện Mỹ Tú và thành phố Sóc Trăng...

Sau 7 năm triển khai, Dự án VnSAT tỉnh Sóc Trăng đạt 4 mục tiêu chính, gồm: Chỉ số người hưởng lợi từ dự án đạt 106,5% so với mục tiêu cuối kỳ (71.000 người); chỉ số diện tích áp dụng quy trình canh tác tiên tiến đạt 101% (có 20.106 ha lúa áp dụng quy trình canh tác bền vững); chỉ số tăng lợi nhuận 1 ha đất sản xuất của nông dân tham gia dự án tăng 30,3%, đạt 101% so với mục tiêu cuối kỳ là tăng 30%; đáng chú ý là dự án đã góp phần giảm khí phát thải nhà kính 170.722 tấn CO­­2 so với mục tiêu 133.330 tấn CO2, đạt 128%...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Trần Tấn Phương thông tin, Dự án VnSAT được đầu tư hơn 331 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, vay IDA và người dân đầu tư. Dự án có 29.000 hộ với 43.000 ha tại 30 xã thuộc sáu huyện trên địa bàn tỉnh tham gia; giúp làm tăng thu nhập của nông dân trồng lúa, giảm tác động tiêu cực đến môi trường từ việc trồng lúa, tăng cường canh tác và nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành lúa gạo.

Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái tại Sóc Trăng chưa hoàn thiện, phổ biến, nhưng đang từng bước hình thành phát triển theo xu thế hoàn thiện từ thấp đến cao. Kinh tế hợp tác ngày càng phát huy hiệu quả góp phần vào việc đẩy mạnh sản xuất hàng hóa tập trung, gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm; kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để tiếp tục phát huy và tận dụng hết lợi thế tiềm năng của tỉnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống người dân, năm 2024 và những năm tiếp theo, tỉnh Sóc Trăng triển khai nhiều giải pháp phát triển các mô hình canh tác thích ứng biến đổi khí hậu. Cụ thể, tỉnh tích cực chuyển đổi tư duy từ “phát triển sản xuất nông nghiệp” sang “phát triển kinh tế nông nghiệp”; trong đó chú trọng đến nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất. Sản xuất theo xu hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản; ứng dụng chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chú trọng nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu; tập trung huy động tốt các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng trên cơ sở định hướng phát triển bền vững…