Từ trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đến trung tuần tháng 3, xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng trên tuyến sông Hậu có xu hướng ngày càng tăng và ảnh hưởng trực tiếp đến cung cấp nước sản xuất cho địa bàn Long Phú-Tiếp Nhật và Kế Sách. Ranh mặn 4g/lít dịch chuyển thường xuyên trên địa bàn xã Nhơn Mỹ-Song Phụng đã gây khó khăn cho việc cung cấp nước trong khu vực.
Theo quan trắc và dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, các đợt xâm nhập mặn cao nhất năm trên tuyến sông Hậu tập trung trong tháng 2 và tháng 3/2024, độ mặn tại thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú; xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng thường xuyên ở mức hơn 8g/lít gây khó khăn trong việc vận hành công trình thủy lợi lấy nước phục vụ sản xuất vùng Long Phú-Tiếp Nhựt.
Tại huyện Long Phú, ở vụ đông xuân muộn, nông dân sản xuất ngoài kế hoạch của ngành nông nghiệp khoảng 6.000 ha. Đến cuối tháng 3/2024, đã có khoảng 1.000 ha lúa bị ảnh hưởng do thiếu nước kết hợp ngộ độc phèn. Hiện nay, tuy nước vẫn còn trong hệ thống thủy lợi Long Phú-Tiếp Nhựt nhưng xâm nhập mặn rất gay gắt nên nguy cơ thiếu nước cho diện tích lúa sản xuất là rất cao.
Tương tự, tại huyện Trần Đề, lúa vụ đông-xuân muộn 2023-2024 xuống giống diện tích 512 ha. Diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện thuộc vùng dự án thủy lợi Long Phú-Tiếp Nhựt. Đây là vùng dự án kín, có công trình ngăn mặn bảo đảm và nguồn lấy nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp là từ hệ thống cống Bà Xẩm, Cái Quanh, Cái Xe thuộc huyện Long Phú. Tuy nhiên, thời gian qua, độ mặn đo được ở các cống trên lên đến hơn 2,5‰, nên việc cung cấp nguồn nước cho vùng sản xuất lúa đông-xuân muộn của địa phương gặp rất nhiều khó khăn.
Trước tình hình thời tiết cực đoan và diễn biến khó lường, Sóc Trăng đã tích cực triển khai các biện pháp ứng phó. Tỉnh đưa các công trình thủy lợi mới vào hoạt động để tham gia chống hạn mặn; nạo vét các tuyến kênh trục, sửa chữa hệ thống công trình thủy lợi để chủ động tích trữ nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đẩy nhanh tiến độ thi công âu thuyền Rạch Mọp thuộc dự án phân ranh mặn ngọt nhằm kiểm soát xâm nhập mặn ở địa bàn Kế Sách.
Song song giải pháp công trình, Sóc Trăng tăng cường tuyên truyền để người dân chủ động ứng phó xâm nhập mặn, phối hợp Đài khí tượng thủy văn Sóc Trăng quan trắc độ mặn trên sông, kênh, rạch, nhất là các điểm xung yếu, các cống đầu nguồn lấy nước phục vụ sản xuất; điều tiết hợp lý hệ thống công trình cung cấp nước sử dụng trong sản xuất và sinh hoạt.
Ngành chức năng cũng thường xuyên cập nhật và thông tin kịp thời về tình hình nguồn nước, diễn biến xâm nhập mặn, lịch vận hành các cống trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và chủ động kiểm tra, đo độ mặn trước khi bơm lấy nước trữ và bơm tưới.
Tỉnh khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm, dịch chuyển lịch thời vụ để né mặn. Hiện nay, phần lớn diện tích sản xuất trong vùng nguy cơ cao đã thu hoạch xong nên tỉnh hướng dẫn người dân tích nước, chuẩn bị các phương tiện lấy nước phục vụ sản xuất khi có điều kiện.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã cho biết, ngay từ đầu mùa khô, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã chủ động mọi điều kiện để nông dân vùng có nguy cơ nhiễm mặn sản xuất thắng lợi vụ đông xuân 2023-2024. Tuy nhiên, do giá lúa đang tăng cao, một bộ phận nông dân tiếp tục sản xuất vụ đông xuân muộn vào thời gian cao điểm diễn ra xâm nhập mặn nên nguy cơ rủi ro cao.
Để ứng phó hiệu quả xâm nhập mặn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu yêu cầu ngành nông nghiệp và các địa phương tiếp tục quan tâm đến nguồn nước dành cho sản xuất nông nghiệp của người dân, nhất là nguồn nước dành cho cây ăn trái; tăng cường tuyên truyền đến hộ dân về tình hình độ mặn để người dân chủ động trữ nước dành cho sản xuất, tránh bị ảnh hưởng cây trồng, vật nuôi.