Huy động thêm nguồn lực giữ đất, giữ rừng

Bờ biển khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long khoảng 720 km, có hơn 50% chiều dài đang bị xói lở. Trong đó, hơn 70 km đang bị xói lở với tốc độ từ 20-50m mỗi năm. Ứng phó với tình trạng nêu trên, ngoài nguồn ngân sách rất cần thêm nguồn lực từ bên ngoài để góp phần giữ đất, giữ rừng hiệu quả…
0:00 / 0:00
0:00
Cầu tàu nhìn vào kè ven biển khu vực Khai Long (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) được thực hiện theo hình thức xã hội hóa bảo đảm phòng chống sạt lở.
Cầu tàu nhìn vào kè ven biển khu vực Khai Long (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) được thực hiện theo hình thức xã hội hóa bảo đảm phòng chống sạt lở.

Cà Mau được xem là "điểm nóng" sạt lở khi có đến 187/254 km bờ biển bị sạt lở với nhiều mức độ khác nhau. Trong đó, có hơn 90 km chiều dài bờ biển bị sạt lở ở mức độ nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Giai đoạn 2011-2021, sạt lở bờ biển đã làm mất hơn 5.200 ha đất và rừng phòng hộ ở Cà Mau.

Nhiều năm liên tục Cà Mau ban bố tình huống khẩn cấp vùng ven biển và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Ðến nay, Cà Mau đã xây dựng, hoàn thành gần 63 km kè bảo vệ bờ biển với tổng kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng. Trung bình 1 km kè bảo vệ vùng ven biển tốn hơn 31 tỷ đồng, gần bằng 50% tổng nguồn thu ngân sách nhà nước của một địa phương cấp huyện tại Cà Mau trong một năm.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ, đầu tư công trình kè biển dù khá tốn kém nhưng không thể không làm. Những công trình kè ven biển ở Cà Mau được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện đến nay phát huy hiệu quả rõ rệt, giúp làm giảm sóng biển, chống sạt lở, bước đầu gây bồi, tạo bãi, khôi phục lại được gần 1.000 ha rừng phòng hộ.

Ðược sự chấp thuận chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, từ năm 2014, Công ty TNHH Xây dựng-Thương mại-Du lịch Công Lý thực hiện đầu tư xây dựng 4 km kè bảo vệ vùng ven biển tại Khu du lịch Khai Long với tổng số tiền khoảng 72 tỷ đồng. Công trình hoàn thành vào năm 2021, phạm vi được bảo vệ bên trong kè rộng khoảng 89m tính từ đất liền đến chân kè; khu vực bờ biển có kè không bị sạt lở thêm.

Theo ông Trịnh Thanh Sang, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Cà Mau, đây là công trình thí điểm đầu tiên của tỉnh Cà Mau về phòng chống sạt lở bờ biển theo hình thức xã hội hóa. Sau khi hoàn thành, khu vực có kè không bị sạt lở trong khi hai bên khu vực liền kề chưa có kè bảo vệ thì bị sạt lở rất nhanh, cây rừng phòng hộ bị tàn phá nghiêm trọng.

Khu vực mà doanh nghiệp đã bỏ tiền đầu tư công trình kè tại Khai Long, mặt đường trên thân kè đã được cứng hóa với bề ngang 8m, bảo đảm cho hai làn xe cơ giới lưu thông. Doanh nghiệp này còn xây dựng cầu cảng nối từ kè ra hướng biển xa hàng trăm mét để phục khách tham quan.

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, kết quả khả quan từ việc huy động thêm nguồn lực để chung tay với Nhà nước thực hiện giữ đất, giữ rừng tại khu vực Khai Long đã giúp tỉnh mở ra hướng tiếp cận mới về giải pháp công trình, về huy động nguồn vốn đầu tư, trong tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch rừng trong giai đoạn tiếp theo. Những năm gần đây, có một số doanh nghiệp đề xuất lãnh đạo tỉnh cho thực hiện theo cách tương tự như tại Khai Long. Dù rất muốn nhưng Cà Mau không thể cho triển khai tiếp, bởi Luật Ðầu tư theo phương thức đối tác công tư (số 64/2020/QH14 của Quốc hội) hiện không còn hình thức BT.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị tổng kết mô hình hợp tác công tư trong xây dựng công trình phòng chống sạt lở ven biển Cà Mau. Hội nghị được triển khai theo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc về phòng chống sụt lún, sạt lở và ngập úng ở Ðồng bằng sông Cửu Long tại Thông báo số 349/TB-VPCP (ngày 24/8/2023) được Văn phòng Chính phủ truyền đạt.

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia đánh giá, việc xã hội hóa làm kè biển ở Khai Long là cách làm hay, sáng tạo, gợi mở vấn đề lớn không chỉ cho Cà Mau mà cho cả vùng Ðồng bằng sông Cửu Long và cả nước trong việc bảo đảm giữ đất, giữ rừng, lấn biển, để đất đai của Tổ quốc không bị mất thêm nhưng giảm gánh nặng từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hình thức hợp tác công tư trong phòng chống sạt lở bờ biển đang gặp nhiều khó khăn, nhất là liên quan đến quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch rừng, Luật Lâm nghiệp, Luật Ðất đai, Luật Ðầu tư… Việc sửa đổi các quy định của pháp luật cần có thời gian trong khi tình hình sạt lở bờ biển ngày càng nhanh và phức tạp. Do vậy, để có thể tiếp tục triển khai hình thức hợp tác công tư trong phòng chống sạt lở bờ biển rất cần cơ chế đặc thù.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, công tác phòng chống sạt lở ven biển vùng Ðồng bằng sông Cửu Long phải tiếp tục thực hiện nhưng triển khai theo cách nào cần phải tính toán kỹ lưỡng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng với Cà Mau hoàn thiện báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ, đề xuất các giải pháp tốt nhất về xã hội hóa đầu tư công trình phòng chống sạt lở ven biển để có thể triển khai đại trà tại nhiều địa phương.