Hai xã Thanh Bình và Quới Thiện thuộc cù lao của huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long tiếp giáp tỉnh Trà Vinh thường xuyên bị nước mặn xâm nhập mỗi khi triều cường dâng cao. Nhờ chủ động dự báo tình hình, những năm qua, người dân nơi đây đã phần nào yên tâm sản xuất.
Năm 2023, bình quân thu nhập đầu người của xã Thanh Bình hơn 68 triệu đồng; bình quân giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích hơn 422 triệu đồng/ha/năm. Nông dân nơi đây chủ yếu chuyên canh cây sầu riêng, bưởi Năm Roi.
Ông Phạm Văn Tiếu, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất sầu riêng ấp Lăng, xã Thanh Bình cho biết, Tổ hợp tác hiện có 45 thành viên với hơn 25 ha. Bình quân, sầu riêng trồng khoảng 6-7 năm sẽ cho thu hoạch khoảng 2 tấn/công (1.000m2). Với mùa thuận, giá chỉ khoảng 60.000 đồng/kg nhưng mùa nghịch, giá cao gấp hai, ba lần, thậm chí có nhiều hộ vừa bán với giá gần 200.000 đồng/kg.
“Hiện tại, người dân đã có nhiều cách chủ động ứng phó xâm nhập mặn nhờ đo được độ mặn thường xuyên. Bà con đã biết cách đóng cống và dự trữ nước trong ao đủ để tưới tiêu và sinh hoạt khi có hạn, mặn”, ông Phạm Văn Tiếu cho biết thêm…
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vũng Liêm Bùi Tấn Đảm, năm qua, huyện đã triển khai thực hiện hơn 20 công trình cấp trung ương và tỉnh. Đến cuối năm 2023, huyện đã thi công 18 công trình ở các xã, tổng kinh phí hơn 9 tỷ đồng, tiến độ thi công đạt hơn 83% tổng khối lượng, hoàn thành nghiệm thu 9 công trình. Các công trình đã góp phần khép kín 24.216 trong số 24.296 ha diện tích sản xuất nông nghiệp đạt 99,67%. Trong đó, diện tích khép kín cây hằng năm đạt 13.046,1 ha (100%); diện tích khép kín cây lâu năm đạt 11.170 trong số 11.249,84 ha (99,3%)”…
Nhằm bảo đảm nhu cầu nước sản xuất và cấp nước sinh hoạt cho người dân, nhất là các địa bàn có nguy cơ bị xâm nhập mặn, các huyện Vũng Liêm và Trà Ôn đã chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng phó. Theo đó, khuyến cáo bà con nông dân sắp xếp lịch thời vụ xuống giống lúa phù hợp, hạn chế tình trạng thiếu nước cuối vụ. Bên cạnh vận hành hiệu quả các cống ngăn mặn, hệ thống kênh mương nội đồng cũng được nạo vét, khơi thông dòng chảy, bảo đảm tốt việc ngăn mặn, trữ ngọt. Công tác quan trắc, cập nhật diễn biến độ mặn được các địa phương quan tâm thường xuyên…
Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long Lưu Nhuận cho biết, dự báo đỉnh mặn năm nay sẽ rơi vào tháng 3, tháng 4 với nồng độ cao nhất phía sông Cổ Chiên tại cống Nàng Âm khoảng 5,5-6,5‰, tại vàm Măng Thít từ 2,5-3‰; phía sông Hậu tại xã Tích Thiện từ 4-5‰… Với tình hình nêu trên, Vĩnh Long có khả năng đối mặt với nguồn nước bị nhiễm mặn, ảnh hưởng sản xuất và sinh hoạt, nhất là vùng ven và trên các sông lớn. Tuy nhiên, tình hình không gay gắt, ít nghiêm trọng như xâm nhập mặn đã xảy ra vào mùa khô những năm trước.
Năm nay, việc đo mặn được ngành chức năng của tỉnh triển khai sớm, từ giữa tháng 12/2023. Kết quả đo mặn hằng ngày do Đài Khí tượng thủy văn tỉnh phụ trách từ tám trạm đo mặn cố định được thông tin nhanh qua hệ thống tin nhắn SMS đến gần 1.800 đầu số là lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh, lãnh đạo huyện, xã đến các chi bộ; đồng thời, được phát trên sóng phát thanh, truyền hình tỉnh để mọi người dân, các tổ chức sản xuất biết, chủ động ứng phó. Các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp và hộ dân ở các huyện bị nhiễm mặn cũng tự trang bị máy đo độ mặn để chủ động lấy nước…
Kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn do tác động của hiện tượng El Nino giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Vĩnh Long đưa ra ba kịch bản ứng phó với lần lượt các độ mặn để kịp thời triển khai các phương án cần thiết nhằm bảo đảm nhu cầu nước sản xuất trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra gay gắt và cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Theo đó, bảo đảm nước tưới cho diện tích từ 38.000-40.000 ha lúa, khoảng từ 19.200- 23.800 ha cây màu của vụ đông xuân, vụ hè thu mỗi năm (từ năm 2023-2025) và hơn 68.300 ha cây lâu năm hiện có trong tỉnh. Đồng thời, bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho hơn 19.380 hộ dân ở nông thôn hiện chưa có nước máy sử dụng, hộ ở trong nội đồng xa kênh hoặc bị nhiễm mặn…