Trong ngày 16/4, Phòng Công tác đảng và công tác chính trị thuộc Công an tỉnh Cà Mau vận chuyển một lượng lớn nước đóng chai, đóng bình (loại 20 lít) và 20.000 lít nước sinh hoạt về cấp, phát miễn phí cho gần 80 hộ dân vùng khô hạn đang thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn ấp 6 và ấp Minh Hà A (xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau).
Ðó cũng là chuyến vận chuyển nước "cứu khát" cho người dân vùng khô hạn thứ 2 do Công an tỉnh thực hiện trong tuần qua. Trước đó, vào ngày 11/4, đơn vị đã phối hợp với Công an huyện Thới Bình cấp phát miễn phí hơn 4.000 nước đóng chai các loại và hơn 30.000 lít nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn xã Biển Bạch, huyện Thới Bình.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Biển Bạch Phạm Thúy Ái cho biết, tuần qua, người dân nhiều ấp của xã còn được tiếp nhận miễn phí nước sinh hoạt từ nhiều nguồn khác nhau của các đơn vị chức năng và nhà hảo tâm, như: Cục Hậu cần thuộc Quân khu 9, Công ty Sao Việt, Nhà xe Tuấn Hưng, Công ty Triều Thâm… "Toàn xã có 581 hộ gia đình bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024 này, trong đó có khoảng 400 hộ phải bớt tiền ăn để mua nước sử dụng hằng ngày. Vì vậy, khi có thêm sự chia sẻ, giúp đỡ, bà con địa phương mừng lắm, quý lắm"- bà Thúy Ái chia sẻ.
Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ảnh hưởng của El Nino đã khiến nắng nóng kéo dài gây nên hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại các tỉnh Ðồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù Trung ương, địa phương và người dân đã nỗ lực thực hiện các giải pháp phòng chống ảnh hưởng nhưng vì nguồn nước dưới đất bị suy giảm, nguồn nước mặt tại một số công trình có độ mặn vượt ngưỡng hơn mức cho phép cho nên các nguồn dự trữ nước của người dân vùng nông thôn không còn. Do vậy, toàn vùng còn khoảng 50.000 hộ dân nông thôn (khoảng 3,6% số hộ) bị ảnh hưởng vì thiếu nước sinh hoạt, trong đó riêng tỉnh Cà Mau có khoảng 4.000 hộ.
Năm nay, Cà Mau được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn làm nơi phát động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2024 với chủ đề "Ðảm bảo cấp nước sạch an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu". Tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về vai trò của nước sạch và vệ sinh đối với sức khỏe con người, sự phát triển của trẻ em; tổ chức hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc chủ động tích trữ, sử dụng nước tiết kiệm trong trường hợp thiên tai…
Tuy chưa vào cao điểm nhưng thời gian qua, ngành chức năng và các cấp chính quyền tỉnh Cà Mau đã có nhiều động thái thiết thực liên quan đến tuần lễ hành động về nước sạch. Tại nhiều vùng nông thôn đang trong tình cảnh "khát nước" như các huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời…, hàng loạt công trình mở rộng đường ống cấp nước gấp rút được triển khai; hàng chục vòi nước công cộng được đấu nối, mở nước cung cấp miễn phí cho người dân; hàng trăm nghìn mét khối nước sinh hoạt cùng nhiều bồn trữ nước đã được nhiều đoàn công tác xã hội và các đơn vị hảo tâm trong và ngoài tỉnh vận chuyển đến tận nơi để cấp, phát cho dân nghèo…
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, cùng với hoạt động về nước sạch để tiếp sức cho người dân vùng khô hạn, các cấp chính quyền, các tổ chức, cơ quan, đơn vị còn triển khai nhiều hoạt động về môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới, như: Tuyên truyền giúp dân nâng cao ý thức, trách nhiệm về nước sạch và vệ sinh môi trường; trồng cây xanh, vệ sinh nơi công sở, gia đình, đường làng ngõ xóm; khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm; đầu tư xây dựng nhà vệ sinh công cộng và quy mô hộ gia đình một cách an toàn… Sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh không chỉ nhằm hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2024, mà còn thực hiện quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau về tình huống khẩn cấp hạn hán cấp độ 2 ban hành ngày 15/4 vừa qua, để huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân cùng chung tay ưu tiên cho việc ứng phó với hạn hán.
Những năm qua, vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn luôn được lãnh đạo Ðảng, Nhà nước quan tâm và nhận được sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế, sự tham gia chủ động, tích cực của chính quyền địa phương và nhân dân. Thông qua các Chương trình Mục tiêu quốc gia đã triển khai, đến hết năm 2023, tỷ lệ người dân nông thôn cả nước sử dụng nước hợp vệ sinh đạt khoảng 92% (57% sử dụng nước đạt quy chuẩn Việt Nam từ các công trình cấp nước tập trung); 96% số trường học, trạm y tế có công trình cấp nước và vệ sinh…
Vùng Ðồng bằng sông Cửu Long có khoảng 14 triệu dân sinh sống ở khu vực nông thôn, hiện có khoảng 3.900 công trình cấp nước tập trung đã được đầu tư, tổng công suất khoảng 1 triệu m3/ngày đêm. Những công trình nêu trên bảo đảm cấp nước đạt quy chuẩn cho 66% dân số nông thôn (cao hơn trung bình của cả nước), số còn lại sử dụng các hình thức cấp nước quy mô hộ gia đình.