Tiết kiệm nước ngọt mùa hạn mặn

Những ngày cuối tháng 3, nước mặn gần như xâm nhập toàn bộ tỉnh Bến Tre, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và sinh hoạt. Tại những vùng nông thôn nước máy bị nhiễm mặn, người dân phải chắt chiu, tiết kiệm từng giọt nước ngọt.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân lấy nước ngọt miễn phí tại Nhà máy nước Lương Phú vì nước máy và nước kênh, rạch bị nhiễm mặn.
Người dân lấy nước ngọt miễn phí tại Nhà máy nước Lương Phú vì nước máy và nước kênh, rạch bị nhiễm mặn.

Gia đình bà Nguyễn Thị Nhung (ngụ ấp Phú Hòa, xã Thuận Điền, huyện Giồng Trôm) chỉ cách trung tâm tỉnh lỵ Bến Tre khoảng 10 km nhưng vẫn chưa có đường ống dẫn nước sạch từ nhà máy, vì thế nhiều năm liền phải trữ nước mưa để sử dụng trong mùa hạn mặn bằng bồn chứa bằng nhựa dung tích 2m3 và mấy cái lu

xi-măng. Bà Nhung cho biết, cách đây mấy ngày, các bồn chứa cạn nước nên gia đình kêu xe chở nước ngọt từ thành phố Bến Tre xuống bán với giá 110 nghìn đồng/m3. Hiện tại, nước ngọt chỉ được dùng nấu cơm, nấu canh còn việc tắm, giặt, rửa rau đều sử dụng bằng nước nhiễm mặn. Những hộ dân quanh đó nhà nào cũng trữ nước ngọt vì kênh, ao, hồ và cả nước từ nhà máy cũng bị nhiễm mặn. Gia đình ông Nguyễn Văn Ánh trữ 4 lu chứa với dung tích 8m3 nước mưa để sử dụng. Ông chia sẻ, nước tại mương vườn sau nhà đã mặn, chỉ dùng để tắm, giặt còn nước mưa dành nấu ăn, pha trà nên phải sử dụng tiết kiệm nhất có thể. Nước vo gạo cũng được giữ lại để tưới rau, cây kiểng trước nhà chứ không dám bỏ phí giọt nào. Gia đình đã chuẩn bị trữ nước từ đầu mùa mưa và sử dụng tiết kiệm, cố gắng cho qua mùa hạn mặn năm nay.

Toàn xã Thuận Điền có 864/1.931 hộ có hệ thống nước máy từ Nhà máy nước Lương Phú cung ứng. Tuy nhiên, độ mặn rất cao nên người dân không dùng nấu ăn hay uống được. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thuận Điền Trần Minh Trí cho biết, mấy năm nay nhờ phát động phong trào trữ nước mưa, nước ngọt nên người dân đã chủ động dùng các dụng cụ bồn chứa, lu hay trong ao, hồ để sử dụng. Hiện tại, mỗi tuần Nhà máy nước Lương Phú cung cấp nước ngọt miễn phí 3 ngày cho dân với 60 lít/ngày/hộ ngay tại nhà máy. Chính quyền địa phương đã thông báo đến từng hộ gia đình để khi có nhu cầu sẽ đến nhà máy lấy nước về sử dụng. Hơn một tháng nay, mỗi tuần bà Bùi Thị Dung, ngụ ấp Xẻo Sâu (xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm) đều đến Nhà máy nước Lương Phú 3 lần để lấy nước ngọt. Gia đình bà có 6 người nên phải sử dụng rất tiết kiệm mới đủ dùng nấu ăn. Bà Dung kể: “Gia đình tôi chỉ ưu tiên cho đứa cháu ngoại mới 6 tháng tuổi được tắm nước ngọt, còn lại đều phải tắm nước mặn vì nước ngọt khan hiếm và chở đường xa rất vất vả. Bây giờ hộ nào cũng tiết kiệm từng giọt nước ngọt”. Hiện tại, mỗi ngày có hàng chục hộ dân đến Nhà máy nước Lương Phú chở nước ngọt về nhà sử dụng vì hệ thống nước máy cũng bị nhiễm mặn do lấy nước nguồn tại chỗ để xử lý.

Nhà máy nước Lương Phú có công suất 90m3/ngày, đêm, cung cấp nước sạch cho hơn 2.200 hộ dân xã Lương Phú và Thuận Điền (huyện Giồng Trôm) bị nhiễm mặn. Theo ông Huỳnh Văn Lắm (nhân viên nhà máy), nhà máy vận hành hệ thống lọc RO từ nước mặn thành nước ngọt để cung ứng miễn phí cho người dân với công suất

2,5m3/giờ; đã thông báo người dân đến lấy nước ngọt vào các ngày thứ 2, thứ 4 và thứ 6 hằng tuần. Mỗi hộ gia đình được lấy 60 lít do công suất lọc hiện tại có hạn. Gần đây do những lu chứa nước ngọt của dân trữ đã sử dụng gần hết nên số lượng người đến lấy nước ngọt ngày càng tăng.

Trên địa bàn tỉnh Bến Tre có 67 nhà máy cấp nước sạch đang hoạt động với tổng công suất 10.500m3/giờ (khoảng 250.000m3/ngày, đêm), chủ yếu khai thác từ nguồn nước mặt tại chỗ để xử lý; trong đó có 40 nhà máy nước bị ảnh hưởng hạn mặn với 12 nghìn hộ dân. Hầu hết các nhà máy nước nhiễm mặn đều ở các huyện như Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, Giồng Trôm... Phó Giám đốc Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh

Bến Tre Nguyễn Xuân Hòa cho biết: “Trung tâm hiện đang quản lý 32 nhà máy nước cung ứng cho dân sử dụng. Hiện tại, do hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh, một số nhà máy vẫn chịu ảnh hưởng trực tiếp của xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến hoạt động cấp nước sinh hoạt. Trung tâm có 29 hệ thống lọc mặn RO tại các nhà máy nước để cung ứng nước ngọt; đồng thời có giải pháp vận chuyển nước thô bằng sà-lan về các nhà máy nước để xử lý cấp cho dân trong những ngày hạn mặn gay gắt như hiện nay”.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre và các sở, ngành liên quan đã chỉ đạo các đơn vị cấp nước xây dựng kế hoạch, phương án cấp nước không nhiễm mặn để phục vụ nhân dân. Các đơn vị đã chủ động thực hiện đo, kiểm tra độ mặn và có kế hoạch lấy nước phù hợp với diễn biến xâm nhập mặn, cung cấp số liệu đo mặn cho các địa phương và người dân biết để có kế hoạch trữ, sử dụng nước ngọt hợp lý; xây dựng kế hoạch vận hành hệ thống RO tại các nhà máy nước; vận hành linh hoạt các phương án cấp nước… Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết: Qua nhiều đợt hạn mặn khốc liệt nên địa phương đã có kinh nghiệm ứng phó. Tỉnh đã quán triệt sâu sắc, chỉ đạo từ rất sớm công tác phòng chống hạn, mặn và phát động phong trào trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Trong đó, người dân rất có ý thức trữ nước nên đến giờ này không ảnh hưởng đến đời sống và cây ăn trái như những năm trước. Hiện tại, việc cấp nước sinh hoạt được bảo đảm, đặc biệt là hai nhà máy nước Sơn Đông và An Hiệp đã cung cấp cho thành phố Bến Tre và các khu, cụm công nghiệp. Tại các vùng ảnh hưởng hạn, mặn, địa phương chỉ đạo có sự liên kết giữa các nhà máy để chuyển nước ngọt về cho dân ■