Thời gian qua, tình trạng nuôi hàu tự phát trên vùng biển Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang xuất hiện khá nhiều. Người dân địa phương đã nhiều lần phản ánh với cơ quan chức năng, việc nuôi hàu này tiềm ẩn nguy cơ về môi trường, dịch bệnh và ảnh hưởng sự di chuyển của tàu, thuyền qua khu vực. Trải dài theo bờ biển huyện Gò Công Đông, không khó nhận ra các hoạt động nuôi hàu trái phép đang diễn ra nơi đây. Ban đầu, có một vài hộ nuôi thử nghiệm, hiệu quả mang lại khá cao, thấy vậy nhiều hộ khác cũng đã đầu tư hàng tỷ đồng để nuôi hàu trái phép. Theo thống kê, hiện tại có 30 cá nhân và 1 tổ chức đang nuôi hàu tự phát trên khu vực biển Gò Công Đông. Khu vực nuôi hàu nằm trong vùng cách bờ biển 500m đến 3,5 km. Tổng diện tích đã đóng cọc lên đến 303 ha, với gần 1.500 dây nuôi.
Theo tìm hiểu của phóng viên, những người nuôi hàu ở khu vực biển này đến từ địa phương khác, sau khi nuôi thử nghiệm thấy có hiệu quả cho nên đã mở rộng đầu tư. Một số người dân địa phương thấy vậy cũng tổ chức, đầu tư nuôi hàu. Theo thông tin từ một người trong nghề, mỗi dây nuôi hàu gồm 1.000 vỏ (lốp) xe ô-tô cũ, 50 can nhựa, 4 cọc dầm dài khoảng 3m, có chi phí đầu tư khoảng 25 triệu đồng. Các dây nuôi sau khi gắn vỏ ô-tô cũ vào sẽ được thả xuống biển và hàu tự nhiên sẽ tìm đến bám vào các vỏ xe sinh sống. Thời gian từ lúc thả nuôi đến lúc thu hoạch trung bình khoảng 1,5 năm, tùy theo yêu cầu hoặc kích cỡ hàu được thương lái đặt hàng. Nhiều người không khỏi lo ngại, việc hàng trăm nghìn chiếc lốp ô-tô cũ đã qua sử dụng (hết hạn sử dụng, phế thải) được người nuôi hàu thả xuống biển sẽ gây ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến các loài thủy sản tự nhiên khác. Chúng tôi nhiều lần cố gắng tiếp cận khu vực nuôi này nhưng khá khó khăn. Bởi vì, các cọc dầm, dây nuôi được đóng, thả lênh đênh trên mặt biển, lúc nào cũng có người canh giữ. Tuy nhiên, những người này cho biết họ chỉ làm thuê, thậm chí khẳng định không biết chính xác chủ thật sự của những dây hàu này là ai?
Mới đây, Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Đông đã có công văn gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về việc xin chủ trương nuôi hàu trên khu vực biển Gò Công Đông. Trong đó, huyện Gò Công Đông có đề cập khá nhiều trường hợp nuôi hàu ở vùng biển này, với diện tích mặt nước biển 800 ha. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Đông Lưu Thị Hồng Anh, việc nuôi hàu này cơ bản phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, phù hợp với các quy định của Nhà nước và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Song, để bảo đảm công tác quản lý nuôi hàu trong thời gian tới, huyện xin ý kiến Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang cho chủ trương và chỉ đạo các sở, ngành liên quan hướng dẫn địa phương để thực hiện đúng theo quy định.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Kiệt khẳng định, những trường hợp nuôi hàu này đều tự phát, chưa xin phép ngành chức năng và địa phương. Còn Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tiền Giang Nguyễn Tiến Diệt nhận định, diện tích nuôi hàu tự phát trên địa bàn huyện Gò Công Đông trong thời gian tới có thể tăng nhanh. Hiện tại, tỉnh Tiền Giang chưa có quy hoạch, kế hoạch nuôi trồng trên biển cho nên cơ bản chưa xác định vùng biển nuôi tập trung. Việc giao, cho thuê khu vực biển để nuôi trồng thủy sản do Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép phải căn cứ quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tỉnh và quy hoạch của pháp luật về biển bảo đảm quốc phòng-an ninh. “Khu vực nuôi hàu tự phát đang chồng chéo nhiều quy hoạch tại huyện Gò Công Đông như: một phần thuộc vị trí đề xuất dự án thuộc khu vực bố trí trụ điện gió”, ông Nguyễn Tiến Diệt nói.
Một lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang cho biết, tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với địa phương khảo sát các trường hợp người dân tự phát nuôi hàu trên biển Gò Công Đông. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Đông xây dựng Kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển của tỉnh Tiền Giang đến năm 2030 ngay sau khi Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện theo quy định.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh, việc phát triển nuôi hàu ven biển tại huyện Gò Công Đông nói riêng và tỉnh Tiền Giang nói chung cần phải có kế hoạch cụ thể, xác định rõ vùng nước được nuôi. Từ đó, địa phương sẽ tiến hành bố trí, sắp xếp nuôi giàn, lồng bè phù hợp với sức tải môi trường; phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng không gian biển; bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, phù hợp với cảnh quan gắn với bảo vệ môi trường sinh thái ■