Sử dụng tiết kiệm nước phục vụ sản xuất lúa hè thu

Nắng nóng gay gắt đã và đang ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng cây lúa vụ hè thu của tỉnh Hậu Giang. Tình trạng nắng nóng kéo dài, thiếu nước làm cho lúa phát triển chậm, khó tránh khỏi ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân bón phân cho lúa hè thu vào chiều mát theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp.
Nông dân bón phân cho lúa hè thu vào chiều mát theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp.

Giống như các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều ngày qua, thời tiết tại Hậu Giang diễn ra nắng nóng gay gắt làm nước trên đồng ruộng bốc hơi rất nhanh, gây ra tình trạng khô đồng. Ông Nguyễn Văn Nhậm ở ấp 7, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy cho biết: “Mọi năm, tôi bơm nước lên ruộng xong thì khoảng năm đến sáu ngày sau nước mới khô.

Còn bây giờ không quá hai ngày là đã khô hết. Người dân ở cánh đồng này ai cũng phải vừa bơm nước vừa tranh thủ bón phân cho cây lúa vì sợ nắng nóng kéo dài, không đủ nước để bơm lên đồng khô. Trong điều kiện này lúa rất chậm phát triển so với mọi năm, sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng về sau, chưa kể chi phí sẽ tăng cao”.

Ông Trương Văn Nhân ở ấp 6, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy có 2 ha lúa hè thu đang trong giai đoạn đẻ nhánh, than thở: “Bơm nước lên đồng là công việc bắt buộc và thường xuyên trong mùa khô hạn. Nhưng với tình hình nắng nóng lên tới 35-38oC như thế này, lượng nước được bơm lên đồng cũng trở nên quá nóng, làm cho cây lúa muốn ngả màu”. Lường trước được tình hình mùa khô, nắng nóng gay gắt, ông Nguyễn Văn Cảnh ở cùng ấp 7, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy đã chủ động tăng lượng lúa giống thêm từ 80 kg/ha lên

100 kg/ha để tăng số lượng cây lúa trên đồng ruộng. Dù vậy nhưng sau hơn 10 ngày sạ, ruộng lúa vẫn còn thưa thớt. Ông cho biết, bên cạnh phát sinh chi phí bơm tưới tăng, trong khi điều kiện sản xuất vụ lúa hè thu này có quá nhiều rủi ro nên người dân ai cũng lo sẽ không có lời, thậm chí thua lỗ do mất mùa.

Đến thời điểm này, nông dân Hậu Giang đã xuống giống được hơn 60.000 ha lúa hè thu đang trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh và làm đòng. Tỉnh đang phấn đấu diện tích gieo sạ vụ lúa hè thu đạt 73.800 ha theo kế hoạch đề ra. Theo nhiều nông dân trồng lúa, hiện nay đang vào cao điểm mùa khô dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nước dưới các kênh nội đồng, làm cho việc bơm nước từ kênh lên ruộng gặp không ít khó khăn. Một khi bề mặt ruộng bị khô, cỏ dại dễ phát triển, tạo điều kiện cho bọ trĩ tấn công cây lúa trong giai đoạn mạ. Mặt khác, khi ruộng lúa mới xuống giống bị khô bề mặt còn bị chuột cắn phá, đồng thời những ruộng lúa có bơm nước thì đối tượng ốc bươu vàng tấn công cũng đang là nỗi lo của nông dân.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, ngoài tình hình xâm nhập mặn diễn ra gay gắt thì lượng nước ngọt từ thượng nguồn theo sông Hậu đổ về tỉnh từ đầu mùa khô đến nay rất thấp, đồng thời trên địa bàn cũng ít xuất hiện mưa trái mùa như mọi năm. Với nắng nóng gay gắt, nhiệt độ từ 36-38oC làm cho lượng nước ngọt từ các sông, kênh xuống thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất nông nghiệp của người dân, nhất là tại những vùng giáp ranh với xâm nhập mặn.

Ngoài ra, hạn hán thời gian qua còn tạo điều kiện cho ranh nước mặn lấn sâu vào nội đồng với nồng độ cao. Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bạch Văn Sơn khuyến cáo: Đối với ruộng lúa hè thu đang trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh như hiện nay thì người dân cần quản lý tốt cỏ dại, bọ trĩ (bù lạch) và ốc bươu vàng gây hại. Trong đó, lưu ý hạn chế để ruộng bị khô nước khi gặp thời tiết nắng nóng, vì đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho bọ trĩ phát sinh gây hại nặng. Khi bón phân cho lúa nên bón vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát để hạn chế sự bốc thoát của phân bón, đồng thời nên bón bổ sung phân kali ở giai đoạn đầu để giúp cho cây lúa khỏe mạnh, tăng khả năng chống chịu với điều kiện của thời tiết bất lợi như hiện nay.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ngô Minh Long, để chuẩn bị cho vụ lúa hè thu năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo người dân gieo sạ theo lịch xuống giống của ngành. Trong đó, đợt 1 từ ngày 26/3-1/4; đợt 2 từ ngày 24-30/4; đồng thời gắn với việc nạo vét kênh, mương nhằm trữ nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt.

Trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt như hiện nay, yêu cầu các địa phương trong tỉnh tiếp tục vận hành có hiệu quả, kịp thời những công trình thủy lợi ngăn mặn, bảo đảm nước mặn không xâm nhập vào nội đồng. Đồng thời, ngành thủy lợi cần phối hợp nhiều đơn vị vận hành công trình thủy lợi ở các tỉnh trong vùng, nhất là hai tỉnh Bạc Liêu và Kiên Giang có giải pháp tháo nước mặn khi thủy triều rút để người dân lấy nước ngọt từ thượng nguồn sông Hậu đổ về thông qua các sông, kênh trên địa bàn.

Đối với các vùng chưa bị nước mặn xâm nhập, vận động người dân cần điều tiết và sử dụng nguồn nước khoa học, hợp lý, tiết kiệm để bảo đảm đủ nước theo nhu cầu từng giai đoạn phát triển của cây lúa, kể cả rau màu, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản; thường xuyên theo dõi, cập nhật nguồn nước, chất lượng nước phục vụ sản xuất để ngăn ngừa nước mặn xâm nhập. Riêng đối với các vùng đang bị ảnh hưởng nặng bởi khô hạn, xâm nhập mặn thì nên xuống giống lúa hè thu khi mùa mưa bắt đầu.

Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Hậu Giang, lượng nước từ thượng nguồn về thấp đã khiến mặn xâm nhập ngày một tăng cao. Lượng nước mặt trên sông Hậu chảy vào Hậu Giang tiếp tục giảm so với những ngày đầu tháng 4/2024. Do đó, lượng nước trên các sông, kênh, rạch không đủ cho nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, nước nông nghiệp và công nghiệp dịch vụ. Cụ thể: tỷ lệ thiếu nước tại huyện Long Mỹ từ 20-30%, huyện Vị Thủy thiếu 12-18%, thị xã Long Mỹ từ 10-15%, thành phố Vị Thanh từ 5-10% và huyện Phụng Hiệp thiếu từ 4,5-8,5%. Các địa phương còn lại thiếu cục bộ với tỷ lệ từ 1,5-3,0%. Đây là đợt khô hạn, thiếu nước mặt cao nhất trong mùa khô năm 2024.