Viết bên miệng núi lửa

Chỉ cách cảng Sa Kỳ - đất liền Quảng Ngãi mười lăm hải lý mà sao trời đất, nước mây ở đây khác biệt. Lý Sơn đứng đó sừng sững, tự tin và khoáng đạt vô cùng. Cái nét riêng hải đảo và không gian biển cả bao la trước mặt đã tạo nên những mỹ cảm lạ lùng khi đến với quê hương của núi lửa, của đội Hùng binh Hoàng Sa…

Một góc đảo Lý Sơn. Ảnh: Khoa Đăng
Một góc đảo Lý Sơn. Ảnh: Khoa Đăng

Vòng quay mặt trời đến ngang Lý Sơn hình như chậm lại đôi chút. Ở đây, nắng đến từ rất sớm và cuối ngày vẫn cứ chói chang. Trăng cũng vậy, mặt trăng vành vạnh cứ từ từ thư thả dạo chơi suốt đêm quanh đảo. Những lỗ thủng khổng lồ từ xa xưa, nơi dấu tích nham thạch phun trào trên đỉnh Thới Lới và bốn ngọn núi khác như ẩn tàng một dư địa hấp thụ năng lượng đặc biệt. Nói thế, bởi hít thật sâu vào lồng ngực, Lý Sơn tỏa lên một mùi hương khác lắm. Đó là mùi thơm nồng nàn của tỏi, là vị mặn mòi của biển, là hương của ngọn gió phóng túng không có điểm dừng. Và đâu đây như là mùi đá cháy từ hàng triệu năm về trước, thuở mà vỏ bề mặt trái đất nơi này sục sôi trong một cuộc kiến tạo vĩ đại.

Cơn địa chấn từ thuở hồng hoang, được phỏng đoán là đầu kỷ Neogen - một kỷ địa chất của đại Tân Sinh - đã sinh nở nên một Lý Sơn mang vẻ đẹp lồng lộng của cuộc hôn phối giữa cha đất, mẹ biển. Giữa lòng đại dương bao la, hơn ba mươi triệu năm trước, cái mầm Lý Sơn nhú lên và thời gian đã tạo cho những Cù lao Ré, Cù lao Bờ Bãi một dáng vóc uy nghi, sừng sững. Sau cuộc kiến tạo phi thường ấy, năm ngọn núi lửa từng quặn mình phun trào nham thạch nay hiền lành đứng đó như năm nhụy hoa khổng lồ giữa biển. Sự phun trào và tắt ngấm của nham thạch đã tạo nên một vùng cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, một vùng thổ nhưỡng bazan tươi tốt lạ kỳ, những rặng đá ngầm bám chân đáy biển là nơi cư trú tuyệt vời cho các loài thủy tộc. Núi lửa tắt từ hàng chục triệu năm trước nhưng vẫn giữ trong lòng nó những mạch ngầm chứa nguồn nước ngọt nuôi sống Lý Sơn. Đó là dòng sữa mà mẹ biển cả làm của để dành cho đứa con yêu dấu của mình…

Sức nóng của núi lửa âm ỉ giữa đáy đại dương đã hun đúc nên vùng địa linh và khí chất con người Lý Sơn. Linh khí ấy kết nối một hành trình không ngừng nghỉ. Từ kiến tạo địa chất cách hàng chục triệu năm. Từ văn hóa Sa Huỳnh 200 năm trước Công nguyên. Từ những tiếp biến, giao thoa văn minh Chăm - Việt. Từ những dòng sử vinh quang thời cận, hiện đại. Có điều gì trong mạch ngầm thẳm sâu mà vẫn vững chãi một Lý Sơn hải đảo tiền đồn. Chỉ có thể là lửa. Ngọn lửa nung cháy đại dương. Ngọn lửa thiêu đốt tâm can những người đi mở cõi giữa khơi xa.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 165 năm Minh Mạng thứ 17 (1836), ghi lại: “Cương giới mặt biển ta có xứ Hoàng Sa rất là hiểm yếu. Trước kia đã phái vẽ bản đồ mà hình thế nó xa rộng, mới chỉ được một nơi cũng chưa rõ ràng. Hằng năm nên phái người đi dò xét cho khắp để thuộc đường biển…”. Không phải đến tận triều Minh Mạng mà từ thời các Chúa Nguyễn, thời Tây Sơn, Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải đều lấy người Cù lao Ré - Lý Sơn làm binh ra xác lập chủ quyền trên “vạn lý ba bình” (Hoàng Sa). Thuyền nan tre, buồm rách và những con người nhỏ nhoi trước sóng to, gió cả. Mỗi lần xuất binh đi Hoàng Sa là mỗi lần người dân các dòng họ trên đảo Lý Sơn lại tổ chức Lễ khao lề thế lính để truy điệu sống những hùng binh đi giữ đảo. Ra đi không hẹn ngày trở về. Văn tế sống trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa gợi nên những cảm xúc bi hùng: “Hỡi ơi! Đất Việt trời Nam trải bao phen lao khổ. Nghĩ đến kẻ điêu linh từ thuở nọ. Cho hay: sinh hề ký, tử hề quy. Ra đi mà ít có ngày trở lại. Thân ấy mất mà danh ấy còn sống mãi…”. Nghĩa trang mộ gió cứ thế dày thêm theo năm tháng…

Viết bên miệng núi lửa ảnh 1

Vài dòng biên niên về các cai đội, suất đội thủy quân triều Nguyễn được cử đi thực thi chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa: Phạm Quang Ảnh đi đo vẽ thủy trình Hoàng Sa tháng giêng năm Gia Long 14, Ất Hợi (1815); Phạm Văn Nguyên năm Minh Mạng 16 (1835) đi xây dựng Hoàng Sa tự, nay là đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa; Phạm Hữu Nhật đi đo đạc Hoàng Sa năm 1837... Tên của họ đã được đặt cho những hòn đảo trên quần đảo Hoàng Sa. Linh hồn của những người dân binh dưới quyền các cai đội, suất đội ấy hóa thân trong lòng biển, trong linh khí Lý Sơn. Tượng đài Hùng binh Hoàng Sa sừng sững hôm nay giữa đảo như tạc lên trời xanh một lời thề giữ vững chủ quyền và tri ân về một thời mà tiền nhân đã xả thân vì quốc thổ, vì đại nghĩa non sông. Điêu khắc gia Hà Trí Dũng là người thiết kế và thi công tượng đài đội Hùng binh Hoàng Sa. Ông Dũng kể rằng, cứ mỗi lần khó khăn trong công việc tạc tượng, chờ đêm xuống ông lại ra bờ biển, thắp vọng một nén nhang thơm và như thế, ông như thấy những bóng thuyền nan từ trùng khơi đang đạp sóng trở về…

Lá đại kỳ ở phía bắc đảo lớn Cù lao Ré - Lý Sơn hôm nay tung bay như khẳng định, như gợi nhắc thiết tha những ý niệm thiêng liêng về chủ quyền Tổ quốc; như thể hiện khát vọng độc lập, hòa bình cao quý của con dân Lý Sơn, con dân nước Việt trước đất trời bao la. Ngắm lá cờ Tổ quốc trên hải phận Việt Nam, mà trong lòng thế hệ hôm nay lại cháy lên xúc cảm sâu xa về những thời tiền nhân đi giữ biển. Thuở ấy, những con người nhỏ bé nhưng vô cùng can trường trên những chiếc thuyền nan đơn sơ tơi tả, xác xơ trước cuồng phong, bão tố. Họ băng qua thử thách tột cùng của biển khơi, giữ lá cờ hiệu nhỏ trên tay, giữ những tấm thẻ bài gỗ khắc dấu chủ quyền trên tay cắm xác lập chủ quyền giữa quần đảo thiêng liêng, dù thịt xương có gửi lại giữa đáy biển khơi, dù ngày trở về chỉ là ngôi mộ gió…

Hơn ba mươi triệu năm trước, dòng nham thạch khổng lồ từ đáy đại dương đã kiến tạo nên một vùng địa linh kỳ vĩ. Để từ đó, người mẹ biển cả ôm ấp Lý Sơn bằng một tình yêu vĩnh hằng và tạo cho Lý Sơn một kho tàng trầm tích, một bề dày lịch sử, văn hóa vô giá. Đó là những dòng ký ức thiêng liêng của đảo nhỏ Lý Sơn. Để hôm nay Lý Sơn đứng đó, hòn đảo tiền tiêu hòa chứa trong mình một sức mạnh vô biên trào lên từ lửa, từ ý chí kiên cường của các bậc tiền nhân. Lịch sử đã chọn Lý Sơn để trao gửi sứ mệnh tiên phong giữ biển; còn tương lai, Lý Sơn hôm nay đang chọn đường, vạch lối cho mình.