Nụ cười, tâm hồn Việt

Tâm hồn là cái bên trong, nó mang tính trừu tượng và khó diễn đạt. Nhưng cái bên trong nhất thiết vẫn phải biểu hiện ra bằng một hình tướng bên ngoài nào đó. Cá nhân tôi nghĩ tâm hồn Việt Nam có những biểu hiện vô cùng phong phú, và một trong những biểu hiện sống động của nó là nụ cười.

Hồn nhiên - tác phẩm đoạt giải nhì cuộc thi Tình bạn tình yêu và nụ cười của Niu Di-lân năm 2015. Ảnh: VIỆT VĂN
Hồn nhiên - tác phẩm đoạt giải nhì cuộc thi Tình bạn tình yêu và nụ cười của Niu Di-lân năm 2015. Ảnh: VIỆT VĂN

Từ nụ cười chiến thắng đến nụ cười của bà chèo đò

Không ai có thể quên “nụ cười chiến thắng” của chị Võ Thị Thắng trong ngày bị kết án 20 năm tù khổ sai, năm 1968, và câu nói nổi tiếng của chị: “Liệu chính quyền các ông còn tồn tại bao lâu mà kết án tôi 20 năm khổ sai?”, đã thành biểu tượng cho khí phách anh hùng của thế hệ thanh niên Việt Nam.

Và mới nhất đây ngay trong năm 2016, nhiếp ảnh gia người Pháp Rê-ha Crốc-cơ-vin (Réhahn Croquevielle) tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tấm ảnh cụ bà đẹp nhất thế giới, chụp một bà cụ chèo đò ở Hội An. Bức ảnh đó là một phần trong bộ ảnh được tác giả chụp ròng rã 7, 8 năm trời nằm trong cuốn sách “Vietnam - Mosaic of Contrasts” (Việt Nam - Những mảnh ghép tương phản), một phần trong gia tài hơn 30.000 bức ảnh về Việt Nam của Réhahn. Réhahn được gọi là “người sở hữu nhiều nụ cười Việt Nam đẹp nhất” và khai thác Việt Nam ở nhiều khía cạnh từ phong cảnh, đến con người với những phong tục văn hóa bản địa đặc sắc, kết hợp Đông - Tây. Hình ảnh bà lão chèo đò một tay che lên miệng, một tay che lên trán, cười hóm hỉnh và rất Việt Nam, thật đẹp.

Những nụ cười đó như những làn gió đem cái tên Việt Nam trở nên thân quen, thân thiện với phẩm chất kiên cường, bất khuất đi khắp thế giới.

Nụ cười của lòng vị tha

Thế giới đầy nước mắt nhưng cũng không thiếu nụ cười.

Vậy nụ cười Việt có gì khác biệt để tạo nên dấu ấn, mang bản sắc tâm hồn Việt?

Người Việt hay cười là nhận xét chung của nhiều du khách đến Việt Nam. Nhưng người Việt không chỉ cười vì vui, vì hạnh phúc.

Đôi khi một nụ cười ngượng nghịu lại thay cho lời xin lỗi chân thành nhất.

Một nụ cười của người đụng xe trên đường đã khiến cho mọi sự căng thẳng được hóa giải nhẹ như không. Nụ cười đó làm cho việc lớn thành việc nhỏ, việc nhỏ thành không có gì.

Thiếu đi một nụ cười có khi thành xung đột.

Có khi lòng đau như cắt, nỗi buồn thấm đến xương tủy mà vẫn cười để che giấu đi, để không muốn làm người khác đau lòng, để tự chiến thắng chính mình, để vượt lên trên, yêu đời mà sống.

Như lời của bài hát “Cho nhau một nụ cười” do nhạc sĩ Minh Châu sáng tác có đoạn: “... Dẫu đớn đau (dẫu đớn đau)/Thì xin nhìn trong mắt sâu/Và hãy cho nhau một nụ cười”.

Hơn thế, nụ cười của người Việt Nam còn là nụ cười của sự tha thứ, lòng vị tha.

Những cựu chiến binh Mỹ sang Việt Nam đã không thể tin khi gặp lại những nạn nhân bom mìn Mỹ, hay những người lính Cụ Hồ từng là “đối phương” của họ bên kia chiến tuyến. Những cái bắt tay chặt, những nụ cười nồng ấm hòa bình và lòng vị tha cho thấy tâm hồn Việt rộng mở biết bao nhiêu. Nó không dung chứa sự hận thù nào quá lâu, mà luôn biết đón nhận và tha thứ.

Và càng xúc động hơn khi người tha thứ lại là những em nhỏ. Tôi từng đến thăm Bảo tàng chứng tích chiến tranh ở TP Hồ Chí Minh và chứng kiến các em bé nạn nhân chất độc da cam đang ngồi làm những món đồ lưu niệm xinh xắn (tấm thiệp, cái móc chìa khóa...). Khi gặp các cựu chiến binh Mỹ, các em đưa cho họ những món đồ lưu niệm đó với đôi mắt và nụ cười trẻ thơ, trong sáng. Những người lính Mỹ sững sờ, họ bàng hoàng, trong phút giây muốn tự sám hối tội lỗi của mình để những nụ cười thiên thần kia gột rửa.

Nụ cười của cát

Là một nhà báo hay đi viết, đi chụp, tôi cũng có những khoảnh khắc bấm máy nụ cười Việt.

Và tôi bị thu hút nhiều bởi nụ cười của những đứa trẻ trong sáng, hồn nhiên và cực kỳ lương thiện.

Em bé Tây Nguyên trong lớp học ở Buôn Ma Thuột (Đác Lắc) ánh mắt mở to đầy khát khao như ước mơ vượt khỏi núi rừng, bản làng ra tới bốn bể năm châu. Và ánh mắt đó lấp loáng nụ cười, như muốn thu vào, lưu giữ những hình ảnh muôn mầu, muôn sắc của cuộc đời. Còn những người bạn em chẳng may nhà nghèo không có tiền đi học, phụ giúp cha mẹ việc nhà, vẫn luôn giữ được tiếng cười giòn tan, trong trẻo.

Dưới cái nóng 40 - 41 độ C của cát nóng Bàu Trắng, Đồi Hồng (Bình Thuận), những cậu bé ngày ngày mưu sinh bằng cách cho khách du lịch thuê ván trượt kia, tranh thủ thời gian rỗi lăn lộn, quần nhau với cái hiếu động của lứa tuổi “nhất quỷ nhì ma”. Nụ cười tinh nghịch của chúng như hòa với nụ cười của cát, vẽ nên một bức tranh con người và thiên nhiên thật hòa hợp.

Hay ở miền đất của nữ thần (Ninh Thuận), hình ảnh hai đứa bé say mê chơi đùa với bầy cừu như những người bạn thân nhất, trong nắng gió thảo nguyên... Dường như không thấy sự đói nghèo hiện diện nơi đây, không thấy sự cực khổ và lam lũ, hay nói đúng hơn tạm thời chúng đã bị xua tan, bị bỏ sang một bên bởi nụ cười của những thiên thần nhỏ.

Và còn rất nhiều nụ cười nữa tôi bắt gặp và thu vào ống kính.

Trong một thế giới đầy bạo lực, không thiếu sự khô cằn và lạnh lẽo, sự lãng mạn, niềm lạc quan vẫn luôn song hành tồn tại. Và những nụ cười nhiều khi là vô giá. Nó sưởi ấm những trái tim giá lạnh, làm que diêm bùng cháy như câu chuyện của nhà văn An-đéc-xen.

Nụ cười Việt mang tình yêu Việt của tâm hồn Việt.

Nụ cười Việt trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào dù nghiệt ngã đến đâu vẫn luôn xuất hiện, cho thấy sự lạc quan, sức mạnh nội tại tiềm tàng sẵn sàng được khơi dậy khi phải chống lưng vào tường, khi ở vào những hoàn cảnh nghiệt ngã nhất, không thể không có những bước đi đổi mới mạnh mẽ nhất.

Nụ cười Việt chỉ là một phần của tâm hồn Việt, là cái mỏ mênh mông, nguồn cảm hứng chưa bao giờ cạn của các nhà khoa học, sử học, các nhà văn, nghệ sĩ... khai thác và khám phá.