Thưa họa sĩ Thành Chương, Tết thường ai cũng sắm gà, nhưng nghe nói Tết này, ông “sắm” những 60 con gà thì kể cũng hơi “ngông” nhỉ?
- “Ngông” nếu là cách nói vui thôi (cười). “Tậu gà” thì đúng rồi, ngày 20-1 này, có thời gian mời bạn ra số 1 Lương Yên xem gà Thành Chương nhé! Đó là một sự kiện đón năm mới của tôi nằm trong chuỗi các hoạt động của chợ nghệ thuật Domino Art fair.
Ồ ra thế, thật thú vị! Vậy ông có thể chia sẻ nguyên cớ của sự kiện đặc biệt này?
- Năm gà này khiến tôi nhớ đến hình ảnh chú gà tồ trong bức tranh Đôi gà tồ tôi vẽ năm 7 tuổi. Con gà gắn với tôi từ lúc còn bé, rất đặc biệt.
Thật ra, gà tồ có tên là gà Đông Cảo. Nó là giống gà có ngoại hình cao lớn, con gà mẹ nom lúc nào cũng tồ tệch, ngộc nghệch, nó ấp trứng nhưng chân tay nó khuềnh khoàng, vụng về, nó hay đạp vỡ trứng, nên việc nó có con rất hiếm và người nuôi gà thường gọi nó là gà tồ.
Hồi nhỏ tôi ở với các cụ ở số 6 xóm Hạ Hồi (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Có một ông hàng xóm của chúng tôi khi đó là cầu thủ bóng đá, quê Hưng Yên, nơi có giống gà tồ nổi tiếng. Ông ấy mang một đôi gà lên thành phố nuôi. Tôi rất thích chúng, ngày nào cũng ngắm nghía. Tuổi thơ tôi vẽ rất nhiều về đôi gà này và các bức tranh đều được đặt tên là Đôi gà tồ. Một trong những bức tranh đó tôi gửi dự thi và đoạt giải Vàng trong Cuộc thi và triển lãm tranh thiếu nhi quốc tế tại Anh năm 1958. Sau này tôi vẽ trâu, vẽ nhiều hơn cả gà, nhưng người ta không gọi tôi là Chương trâu mà cứ gọi là Chương gà tồ (cười).
Con gà gắn với dấu ấn nghệ thuật đầu đời như vậy nên chắc ông muốn tri ân nó trong bước đường nghề của mình?
- Thỉnh thoảng tôi cũng quay lại vẽ gà bởi bên cạnh những tình cảm, sự gắn bó sâu sắc với tôi thì con gà có tạo hình rất đẹp. Giống gà cũng có hàng trăm loại: gà tồ, gà cánh tiên, gà chọi, gà ri, gà tre... có loại đẹp như công, như phượng.
Đôi gà tồ, 1958.
Đã 60 năm kể từ khi tôi vẽ bức tranh Đôi gà tồ và đoạt giải thưởng. Ở cái tuổi muốn nhìn lại một cái gì đó, tự dưng tôi muốn ngồi vẽ một loạt tranh gà và sẽ ra mắt 60 bức mới nhất vào ngày 20-1 tới đây, trong dịp sinh nhật tôi. Đó cũng là một cách riêng tư để kỷ niệm 60 năm bức tranh Đôi gà tồ của tôi được giải.
Ông vẽ loạt tranh mới này trong thời gian bao lâu?
- Giai đoạn này tôi đang rất bận. Lại vừa dọn sang nhà mới, đang ngổn ngang. Nhưng vì ý nghĩa đặc biệt này, tôi vẫn dành thời gian tập trung vẽ trong ba tuần lễ.
Ba tuần vẽ 60 bức tranh cùng một chủ đề, không tranh nào giống tranh nào cả về tạo hình, bút pháp, cảm xúc... Chắc ông đầy căng thẳng?
- Thật ra, cái khó nhất không phải là số lượng. Tôi dự định vẽ khoảng 100 bức và chọn ra 60 bức ưng ý. Tôi ý thức rằng vẽ 60 tranh, nếu chỉ cùng một cách tạo hình, cùng một ngôn ngữ, một phong cách, cứ lặp đi lặp lại thì sẽ rất buồn chán, tẻ nhạt. Cái khó là mình sáng tạo ra mỗi con gà một kiểu về bút pháp, về phong cách để người xem ngắm con nọ lại còn muốn xem con khác. Đấy mới là cái khó nhất. Nó cần năng lực sáng tạo cũng như cần sự lao động hết sức nghiêm túc và căng thẳng.
Thông điệp qua bộ tranh gà này của ông là gì?
- Với tôi, hoặc với nhiều nghệ sĩ khác, vẽ gà, vẽ trâu hay vẽ cái gì thì cũng chỉ là cách mượn đề tài để thể hiện cái tạo hình trong nghệ thuật hội họa của mình mà thôi. Vì vậy, con gà trong tranh tôi nó như là người, có buồn, có vui, có gia đình, có những cảm xúc như con người. Gà còn mang ý nghĩa là sự đánh thức một cái gì đó rất tiềm năng, ẩn chứa trong đó sự thức dậy, biểu tượng cho sự hạnh phúc, sum vầy (gà mẹ, gà bố, gà con quấn quýt) hay nó gợi sự êm ấm, sinh sôi, nảy nở, trường tồn (gà đàn, gà ổ, gà nở...). Nó có triết lý nhân sinh trong đó.
Ông có cảm xúc riêng gì với con gà của năm Đinh Dậu 2017 này không?
- Riêng Tết Gà năm Đinh Dậu này, tôi mong ước sẽ là một năm hạnh phúc, ấm áp của tất cả mọi nhà, rộng hơn là của một đất nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng cũng đầy tinh thần đoàn kết vượt khó!
Cảm ơn họa sĩ Thành Chương! Chúc ông và gia đình một năm mới an lành, hạnh phúc và cũng chúc cho “đàn gà nghệ thuật” của ông ngày thêm sinh sôi nảy nở, đánh thức những khát vọng mới!