13 tuổi, Trần Độ (trong ảnh) sớm trở thành thợ, nối nghiệp tổ tiên như một sự tất yếu. Ông quê gốc làng La, Yên Mô, Ninh Bình; sinh ra trong gia đình nghèo đông con. Ông từng đi bộ đội, làm công nhân Xí nghiệp gốm sứ Bát Tràng, rồi HTX Ánh Hồng. Ngoài 30 tuổi, sau khi lập gia đình, ông mở một lò gốm nhỏ với quyết tâm “tự thân lập nghiệp”. Trong khi mọi người ồ ạt làm hàng gia dụng để xuất khẩu thì ông luôn trăn trở, tìm kiếm một con đường riêng: phục hồi gốm cổ. “Có lúc khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua”, nghệ nhân Trần Độ xúc động khi nhớ về những tháng ngày gian khó. Đêm “định mệnh” năm 1996, lò gốm thiếu củi sắp tắt, không biết vay mượn ai, vợ chồng ông “cắn răng” đem hai tấm gỗ lát giường nằm - tài sản bố mẹ cho khi ra ở riêng - để tiếp lửa cho lò gốm trọn vẹn. Đó cũng là mẻ gốm mở ra một trang mới trong đời Trần Độ với chiếc bình phục cổ men ngọc thành công mà ông đặt tên là Mất ngủ; sau này được cụ Nguyễn Văn Bách - cây đại thụ thư pháp Việt Nam tặng bốn chữ “Trác ngọc thành chương”.
Một dấu mốc đáng nhớ trong hành trình tìm về gốm cổ của nghệ nhân Trần Độ, là vào năm 1999, bộ sưu tập 20 sản phẩm của ông trưng bày tại triển lãm ở đền Vua Lê (Hà Nội) gây ấn tượng cho các nhà nghiên cứu, văn hóa. Trong Hội nghị cấp cao ASEM-5 tổ chức tại Hà Nội năm 2004, ông vinh dự được chế tác bình rượu giả cổ triều Lê - Mạc làm quà tặng các đại biểu quốc tế. Năm 2005, lô hàng đặc biệt gồm 219 sản phẩm gốm phục chế nguyên mẫu các cổ vật, do Văn phòng Chính phủ đặt hàng ông, được Thủ tướng Phan Văn Khải mang sang Mỹ và Ca-na-đa làm quà tặng các chính khách quốc tế: chiếc đỉnh gốm triều Nguyễn tặng Tổng thống Mỹ; đôi bình thời Trần tặng Thủ tướng Ca-na-đa... Đặc biệt, dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, linh vật thần Kim Quy (cụ Rùa) khổng lồ là món quà độc đáo của ông được rước từ Bát Tràng về đền Ngọc Sơn để trưng bày. Trần Độ cho biết, ý tưởng này ông ấp ủ trong 10 năm. Suốt sáu tháng ròng rã thực hiện, cụ Rùa bằng gốm nặng gần 4 tấn được nung ở nhiệt độ 1.300 độ C, với sự kỳ công khi gốm được làm từ đất sét và cao lanh ở ba vùng: Chí Linh (Hải Dương), Đông Triều (Quảng Ninh), đất Tổ Hùng Vương (Phú Thọ); men từ cát các dòng sông: ngã ba Bạch Hạc (Việt Trì, Phú Thọ), sông Hồng, sông Thu Bồn; nước lấy từ sông Hồng và nước biển ngoài Trường Sa... Trần Độ muốn hội tụ ở đó linh khí đất trời, sông núi các vùng miền để làm nên một biểu tượng thiêng liêng, tô đậm dấu ấn Thăng Long - Hà Nội. Ông từng tham gia phục hồi pho tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay chùa Mễ Sở (Hưng Yên); phục dựng chum cổ có niên đại 700 năm ở Đền Gióng (Gia Lâm, Hà Nội) và nhiều cổ vật, hiện vật khác cung tiến cho các di tích như đền Vua Lê, đền Hùng, đền Đô, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cố đô Huế...
Say sưa với những bài men cổ, riêng dòng men ngọc, Trần Độ có tới 12 công thức tạo ra những biến tấu khác nhau. Ông chuyên phục chế sản phẩm gốm cổ thời Lý, Trần, Lê; và đặc biệt yêu thích gốm đời Trần. Ông bảo, có lẽ bởi mình con cháu nhà Trần nên muốn được tôn vinh những tinh hoa của dòng họ.
Ở tuổi 60, Trần Độ chưa phải là bậc cao niên nhất trong giới nghệ nhân Bát Tràng. Nhưng những gì ông làm được cho quê hương, gốm Việt, là nhờ tấm lòng tận tâm, tận lực cống hiến, “sinh tử” cùng nghề. Đến nay, ông là người duy nhất của Bát Tràng được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Công dân Ưu tú Thủ đô. Ông bảo: “Danh hiệu cũng chính là “trọng trách”, để những gì mình dự định và tiếp tục làm phải gắn bó, hướng đến cộng đồng nhiều hơn.