Họ cho lũ gà ăn cơm trắng, uống nước sạch để chuẩn bị làm lễ dâng lên tổ tiên và các vị thần. Người Dao vẫn lưu truyền trường ca Bàn Hộ nổi tiếng nói về các vị thần đã có công tạo ra người Dao và vạn vật, trong đó có con gà trống. Cao Vương tạo ra trời, đất, sông, núi song do vũ trụ vẫn ở trong trạng thái hỗn mang, nên ông đã tạo thêm chú gà trống để nó gọi “Mặt trời mọc sớm trên đỉnh núi/Một bên nắng chiếu, một bên không/Mặt trời chói chang rọi xuống đất/Chiếu xuống mặt đất muôn vạn người”. Cao Vương ban thêm cho nó gà mái và một đàn gà con với điều kiện tất cả gà trống ngoài việc đánh thức thần mặt trời thì phải là lễ vật cúng tế các thần. Gà trống thấy được sự ưu ái của Cao Vương nên nó luôn đánh thức thần mặt trời dậy đúng giờ và luôn trau truốt mã để khi tế thần có một thân hình đẹp. Vì thế, ngày nay, mỗi khi chọn gà trống để cúng tế, người Dao thường chọn những con gà trống có mào “thạch lưu hoa” đỏ tươi.
Thời khắc giao thừa, người Dao thường dâng lên bàn thờ con gà trống để cầu xin các thần nhốt những điều ác, điều xấu lại để năm mới đem đến cho người Dao những điều tốt đẹp, may mắn. Muốn năm mới nhanh đến, đem theo những điều tốt lành, người Dao phải nhờ gà trống gáy gọi ông mặt trời thức dậy sớm hơn mọi ngày, nên sáng sớm ngày mồng một Tết, chủ nhà dùng con gà trống thứ hai cúng để cảm tạ thần mặt trời.
Sáng mồng Một Tết, già bản thường chuẩn bị một con gà trống đẹp, nhốt trong lồng trúc và hai loại bánh “Cờ mau dặp” (bánh dẹt), “Cờ mau che” (bánh tròn), dâng lên miếu thành hoàng. Sau khi làm lễ cúng tại miếu thành hoàng làng, già bản sẽ thả con gà trống ra, gà càng chạy xa càng tốt, bởi người Dao quan niệm con gà trống có khỏe nó mới chạy được xa, như thế năm mới bản làng làm ăn sẽ rộng mở, phát tài.