Tết người Cống

Dân tộc Cống ở Lai Châu chỉ có khoảng 1.500 người, sống tập trung ở một số bản của hai xã Nậm Khao (huyện Mường Tè) và Nậm Chà (huyện Nậm Nhùn). Tết kết thúc mùa vụ là cái Tết to, quan trọng nhất trong năm của người Cống.

Mọi người vừa vui văn nghệ vừa uống rượu cần trong ngày Tết.
Mọi người vừa vui văn nghệ vừa uống rượu cần trong ngày Tết.

Theo ông Lý Văn Lả, một người già có nhiều năm làm chủ lễ cúng trong dịp Tết này, người Cống ở Táng Ngá (xã Nậm Chà) coi đây là cái Tết quan trọng nhất vì đánh dấu một năm lao động sản xuất. Mùa màng đã xong, mọi nhà tập trung về bản cúng bái, báo cáo với tổ tiên, thần linh về một năm làm ăn yên ổn và mong cho năm sau được mưa thuận gió hòa. Tết thường diễn ra trong khoảng từ giữa tháng 10 đến đầu tháng 11 âm lịch, tùy theo từng dòng họ trong bản mà người ta chọn ngày để tổ chức Tết. Ngày được chọn phải là ngày đẹp trong khoảng thời gian trên nhưng không quan trọng là ngày con gì, miễn là ngày đó không trùng vào ngày sinh của chủ hộ hoặc ngày giỗ của cha mẹ, tổ tiên. Trước đây, Tết thường kéo dài trong nhiều ngày. Hiện nay, Tết chỉ còn diễn ra trong hai ngày, hai đêm với phần cúng lễ và tổ chức ăn uống, văn nghệ.

Lễ vật để cúng chủ yếu là nông, thổ sản mà bà con gieo trồng, chăn nuôi được như lợn, gà, bí, mướp, cơm nếp, rượu… Nhưng trong ngày Tết, một loại hoa bắt buộc phải có để dâng cúng tổ tiên là hoa “Mìn Loóng” (hoa mào gà). Với người Cống ở Táng Ngá, hoa mào gà là loài hoa thiêng của dân tộc, là loài hoa của thần linh ban cho, để làm bạn với các loại cây trồng ở trên nương và để bảo vệ che chở cho các loại cây trồng khỏi sự phá hoại của sâu bệnh, chim chóc, chuột sóc, thú rừng…

Trong ngày Tết đầu tiên, mọi người trong gia đình đều dậy từ rất sớm và ra suối tắm rửa, với mong muốn gột đi những gì không may mắn đã qua. Mỗi người đều mang theo một ít nước về đổ chung vào một chiếc chum với mong ước may mắn tiếp tục đến. Tiếp đó họ chuẩn bị cơm cúng. Kết thúc lễ cúng, con cháu, anh em tập trung ăn bữa cơm gia đình. Những hộ khá giả, sau lễ cúng, thường mời cả bản đến cùng ăn bữa cơm cộng đồng. Sau bữa cơm là phần ca hát, múa xòe và uống rượu cần. Trong khi ca múa, những người phụ nữ của gia chủ vừa hát vừa nắm gạo tung vào khách, với ý thể hiện sự no đủ của gia chủ. Tết cứ thế diễn ra và kết thúc trong không khí tưng bừng của tiếng chiêng, tiếng trống vang khắp bản làng.