Đại ngàn mênh mang chiêng Mẹ

Chiều nghiêng nắng, nam Tây Nguyên tĩnh lặng đến lạ, mây la đà trườn qua núi, ôm lấy những buôn làng. Chợt, bên dòng Đạ Dâng hiền hòa thổn thức âm giai huyền bí, “Tờơng… tờơng… tờơng… Tờ tờ thi, tờ thi…”. Tiếng chiêng quyện hòa sâu thẳm, mênh mang khiến con nai quên gặm cỏ, con thú hoang lạc lối về. Đánh nhè nhẹ cho gió đưa xuống đất. Đó là tiếng chiêng bật ra từ những đôi tay sơn nữ hòa cùng hơi thở núi rừng.

Những chàng trai, cô gái miền sơn cước biểu diễn cồng chiêng và dân vũ.
Những chàng trai, cô gái miền sơn cước biểu diễn cồng chiêng và dân vũ.

Mầu nắng vỡ. Cơn gió hoang hoải luồn qua nhà sàn, già làng K’Bát, đã qua 80 mùa rẫy, trầm ngâm thẩm âm dàn chiêng sáu nhuốm mầu thời gian, đang được các sơn nữ Cơ Ho Srê hòa tấu. Thấy có khách lạ, già K’Bát ra hiệu: Gung me! Điệu chiêng “đón khách” rộn ràng, tình tự, đắm say. Đang mê đắm trong thanh âm huyền bí giữa mênh mang đại ngàn, già K’Bát vỗ vai tôi: “Đây là điệu chiêng cơ bản của người Cơ Ho. “Gung me” là con đường cái. Vào rừng phải bắt đầu từ đường cái mà…”. Những bông hoa rừng nam Tây Nguyên ngừng nhịp chiêng, nào Ka Phôn, Ka Phen, Ka Hằng, Ka Ký, Ka Hà và người giữ ching me (chiêng mẹ) Ka Thú. Họ là những “nhịp chiêng” trong đội chiêng buôn Bồ Liêng, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng, hình thành được chục năm nay bên dòng Đạ Dâng xanh mát. “Ching me” giữ nhịp cả dàn chiêng, hình ảnh người phụ nữ tấu chiêng được ví von “vang âm chiêng Mẹ đại ngàn” là thế…

Già làng K’Bát bảo, người Cơ Ho có 36 điệu chiêng cổ, nhưng giờ đây có lẽ không còn ai nhớ đủ. Nào điệu gung me (đón khách), cing ting (tiếng chim đại bàng), pép tơh jun (săn nai), lô na (gọi nhau), ding biếp (mừng lúa mới)… sau này phát triển thêm điệu mới mừng lễ hội. “Bộ chiêng sáu của người Cơ Ho, Mạ, M’nông có nhiều tên gọi, nhưng phổ biến theo thứ tự ching me, rơnul, ndơn, ndol, t’rơ, thêt. Mỗi vị trí trong bộ sáu thang âm đều có âm thanh và tiết tấu riêng. Ching me giữ nhịp tấu gọi dàn chiêng giao hòa. Muốn đánh được chiêng, phải nhạy cái tai, dẻo cái tay, cái tâm phải thổn thức với rừng Yàng”, già K’Bát thổ lộ.

Mặt trời đã vắt về phía núi. Tiếng chiêng của những bông hoa rừng buôn Bồ Liêng tấu khúc mừng lúa mới, đánh cho thuần thục chuẩn bị đón xuân. Bà Ka Plế, người đàn bà “cái rìu đã bọc da” của già K’Bát cùng hòa nhịp chiêng. Nghe nói, thuở chưa “bắt chồng”, Ka Plế đã nổi tiếng đánh chiêng, ủ rượu cần giỏi nhất buôn? Tôi hỏi. Khơi đúng mạch nguồn, bà gõ gõ vào chiêng mẹ, dứt đoạn Ka Plế buông điệu yal yau giữa đại ngàn yên ả: “Nhịp chiêng hòa hợp mới hay, điệu cồng chỉnh âm cho đúng, đánh chiêng cồng phải rành cái tai…”. Không dũng mãnh, rắn chắc, trầm hùng như những chàng trai của núi, tiếng chiêng của những người đàn bà nam Tây Nguyên đằm thắm, dịu dàng hơn trên đôi chân trần uyển chuyển, nhưng không ra ngoài khuôn phép của Yàng. Tiếng chiêng của họ quyến rũ như chính sự thô mộc, phóng khoáng đại ngàn.

Đại ngàn mênh mang chiêng Mẹ ảnh 1

Lớn lên trong không gian văn hóa cồng chiêng bên dòng Đạ Dâng hiền hòa, dù đang giữ nhịp “ching t’rơ” trong đội chiêng nữ Bồ Liêng, thuộc khá nhiều điệu chiêng cổ, Ka Hằng vẫn ao ước được đánh chiêng đôi. Bởi, ở miền đất này, hiện còn khoảng năm nghệ nhân nam “chơi” được bộ chiêng “đánh theo cảm hứng” này. “Chiêng đôi thường để đấu chiêng, gọi nhau trong câu chuyện. Khó lắm, phải điêu luyện mới đánh được”, nghệ nhân K’Bes, Trung tâm văn hóa huyện Lâm Hà, con trai già K’Bát, bộc bạch.

Mỗi điệu chiêng của người Tây Nguyên đều gửi gắm một thông điệp với thần linh, với rừng xanh, với cộng đồng… trong chính không gian thiêng của buôn làng, không gian văn hóa nuôi sống cồng chiêng. Lòng người, hồn chiêng quyện hòa, tha thiết, thì thầm trong tiếng chiêng ngân dài tận đỉnh núi.

Theo mạch nguồn văn hóa, tự ngàn đời nay, trong luật tục Cơ Ho, Churu, M’nông… những cư dân bản địa của đại ngàn nam Tây Nguyên, không cấm phụ nữ đánh chiêng. Song, quan niệm “chiêng cha, ché mẹ” đã ăn sâu trong tâm thức, khiến những người đàn bà miền sơn cước rời xa chiêng, để bước vào vòng xoang mùa hội nữ tính hơn, bằng những điệu vũ huyền hoặc bên bếp lửa hồng. Và, mấy mươi năm trở lại đây, họ bước qua quan niệm, ngày lên rẫy, tối học đánh chiêng. Cứ thế, qua hơn mùa rẫy, họ bắt đầu “cảm” được hồn chiêng và phiêu bồng cùng nhịp chiêng thuần khiết. Tiếng ching me giữ nhịp, điệu gung me mời chào… có lẽ đều xuất phát từ “tơng guh me” (nguồn gốc bên mẹ). Bởi người Cơ Ho, Churu, M’nông theo chế độ mẫu hệ. Giờ đây, giữa mênh mông đại ngàn, lời chiêng mẹ vẫn tỉ tê, tình tự…

“Lạ lắm, không nói hết đâu. Những người con của núi chân chất, bình dị, thô mộc khi lên rẫy, vào rừng; nhưng khi “đánh thức hồn chiêng”, thần thái họ tự nhiên đổi khác, dễ cảm nhận nhưng khó diễn tả”, già làng K’Bát bày tỏ.

Đêm, sương giăng mỏng mảnh. Ánh trăng nhạt dần, chỉ còn huyền ảo dáng núi Mẹ LangBiang như bộ ngực sơn nữ căng tròn. Lửa rừng bập bùng, nhịp chiêng quấn quyện những đôi chân trần chàng trai, cô gái miền sơn cước. Mùa này, người Tây Nguyên gọi mùa “ăn năm, uống tháng”, mùa con người sống cạn với mình, với nhau, với đại ngàn độ lượng và với những khát vọng nguyên thủy của mình. Già làng Krajan Plin bảo, sống trong khung cảnh huyền bí của núi rừng, người Cơ Ho quan niệm “vạn vật hữu linh”. Bên cạnh con người là một lực lượng siêu nhiên tồn tại đó là Yàng (thần). Do vậy, mọi sinh hoạt bao giờ cũng phải tổ chức nghi lễ để cầu thần linh bảo vệ, giúp đỡ. Muốn sử dụng cồng, chiêng cũng phải làm lễ xin phép. Bởi cồng, chiêng không chỉ là nhạc cụ mà là “vật báu, hồn thiêng” của gia đình và cộng đồng, là linh hồn của các lễ hội.

Qua điệu chiêng, người Cơ Ho có thêm cách lý giải thú vị về việc tấu chiêng, múa xoang đi ngược kim đồng hồ. “Điệu chiêng rọ đạ (ngược dòng). Từ tiếng ching me trầm ấm, hiền từ như sông mẹ; chiêng rơnul như con suối róc rách, ndơn hào hùng như thác đổ, ndol dịu êm như gió chiều, chiêng t’rơ, chiêng thêt như mưa, như gió. Thang âm chiêng sáu trầm bổng, êm đềm, dữ dội. Ngược từ sông mẹ lên thác ghềnh, như trở về nguồn cội”, già Plin gợi mở.

Đồng bào bản địa nam Tây Nguyên khi diễn tấu nhạc cụ không bao giờ kèm lời ca. Bởi thế, tiếng chiêng, tiếng cồng, rơkel… khi đã tấu lên, âm thanh trong như suối ban mai, phóng khoáng như chim Tia chôm sải cánh giữa đại ngàn, thẩm thấu tự nhiên từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Lâm Đồng có khoảng 200 nghìn cư dân người Cơ Ho, Mạ, Churu và M’nông, chiếm 17% dân số toàn tỉnh. Đây là những tộc người bản địa trên vùng rừng xanh, núi đỏ nam Tây Nguyên, đồng chủ nhân của di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Trong không gian thiêng đó, không thể thiếu chiêng, lửa và rượu cần. Đó là những thực thể giao hòa, chuyển tải cả tâm thức núi. Tiếng chiêng quấn quyện ngọn lửa thiêng; đánh to, tiếng chiêng luồn vào rừng sâu, bò lên núi cao; đánh chậm, tiếng chiêng trườn lên đồng cỏ, con nai rừng ngơ ngác quên ăn, lòng người xốn xang, rạo rực.

Hôm nay, diện mạo mới đã ùa về trên những cung đường của buôn làng, những người con của núi càng ý thức sâu sắc hơn việc gìn giữ, phát huy giá trị di sản. Trên hành trình đó, có nhịp chiêng tình tự, mộc mạc, huyền bí của đội chiêng nữ Cơ Ho Srê dưới chân núi Brah Yàng; đội chiêng nữ M’nông ở Đạ Tông, Đạ M’rông dọc đôi bờ Đạ Dâng; đội chiêng nữ Churu bên dòng suối Khóc - Đạ Nhim và đội chiêng những bông hoa rừng miền trầm tích Cát Tiên…

Cồng chiêng nữ đã hồi sinh, như những cơn mưa đầu mùa phảng phất, cho lúa trên rẫy lún phún mạ tơ, cây măng rừng đội đất chui lên, cho nước về đầy lòng con suối. Và giờ đây, trong tâm thức bà Ma Bio, Cil Jàe, Ka Plế; sơn nữ Ka Phen, Nai Luyến, Xu Lin đã mơ về ngày hội buôn làng, đại ngàn mênh mang chiêng Mẹ…