Trần Lê Quang Tiến, “Thần đồng” vi-ô-lông
Cậu bé 14 tuổi có nụ cười sáng bừng và ánh mắt thông minh vừa mang lại niềm tự hào lớn cho giới chơi nhạc cổ điển Việt Nam khi xuất sắc giành giải Nhất bảng Junior tại Cuộc thi violin quốc tế 2016 diễn ra tại nước Cộng hòa Ca-dắc-xtan dành cho lứa tuổi từ 10 đến 28. Phải sau 19 năm, kể từ khi nghệ sĩ vi-ô-lông nổi tiếng Bùi Công Duy giành giải Nhất Cuộc thi Trai-cốp-xki dành cho tài năng trẻ tại Xanh Pê-téc-bua, âm nhạc Việt Nam mới lại có một giải thưởng uy tín theo chuẩn châu Âu và quốc tế.
Không giống những tài năng âm nhạc khác, thường được đào tạo bài bản từ nhỏ, Trần Lê Quang Tiến đến với vi-ô-lông khá muộn. Năm 5 tuổi, cậu bắt đầu học piano, đến sáu tuổi chuyển qua vi-ô-lông, được nửa năm lại bỏ quay sang học múa và vẽ. Mãi đến năm lên mười, Tiến mới quay về với vĩ cầm. Vậy mà chỉ hơn hai năm sau (2015), cậu đã ghi tên mình bằng giải Nhất Cuộc thi âm nhạc quốc tế Mô-da tổ chức tại Thái-lan, tiếp đó là giải thưởng danh giá kể trên vào năm 2016. NSƯT Bùi Công Duy, thầy dạy trực tiếp của Trần Lê Quang Tiến nhận định: Tiến có phong thái biểu diễn bản lĩnh và tiềm năng nghệ thuật đầy kỳ vọng. Năng khiếu thiên bẩm của Tiến đã khiến giới chuyên môn kinh ngạc và gọi cậu là “thần đồng” âm nhạc vi-ô-lông Việt Nam.
Nhã Phương, người đẹp điện ảnh
Hiếm thấy nữ diễn viên nào có độ phủ sóng nhiều và dày như Nhã Phương trong năm qua. Cô gái 26 tuổi đã được các đạo diễn “chọn mặt gửi vàng” vào vai chính trong hàng loạt bộ phim truyền hình nhiều tập như Khúc hát mặt trời (hợp tác Nhật Bản); Người đứng trong gió; Zippo, mù tạt và em; Tuổi thanh xuân (phần hai, hợp tác Hàn Quốc); 49 ngày (phim chiếu rạp )…
Gương mặt khả ái cùng lối diễn tự nhiên, chân thực, giàu cảm xúc, đặc biệt là các màn khóc rất “ngọt” đã giúp Nhã Phương nhanh chóng giành được nhiều tình cảm của công chúng, đặc biệt là khán giả trẻ. Những vai diễn nặng ký này đã mang lại cho cô hàng loạt giải thưởng lớn: Nữ diễn viên ấn tượng của VTV Awards 2016; Ngôi sao châu Á tại Liên hoan phim quốc tế Xơ-un; Nữ diễn viên xuất sắc phim truyền hình giải Cánh diều vàng 2015; Mai Vàng lần thứ 21 ở hạng mục Nữ diễn viên được yêu thích nhất.
Bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, từ một cô gái vốn được biết đến với danh xưng “hot girl”, Nhã Phương trở thành một trong những nữ diễn viên sáng giá nhất hiện nay của làng điện ảnh Việt Nam. Cô đã chứng tỏ khả năng hóa thân vào nhiều vai diễn khác nhau: khi ngây thơ, trong sáng; khi lém lỉnh, hài hước; khi nội tâm, mạnh mẽ; khi tràn đầy sức sống, nhiệt huyết… Là gương mặt nổi bật trong giới showbiz nhưng cô không gây sốc bằng những phát ngôn bề nổi mà luôn thể hiện thái độ sống tích cực với những quan niệm nghiêm túc về tình yêu, cuộc sống và nghề nghiệp.
Đinh Tuấn Vũ: lấy thách thức làm động lực
27 tuổi, ba năm chinh chiến cùng phim ảnh trong vai trò đạo diễn, vẫn còn quá trẻ về tuổi đời và quá ngắn về tuổi nghề song Đinh Tuấn Vũ đã có hàng loạt thành công, đặc biệt với phim Cuộc đời của Yến. Tại Liên hoan phim Việt Nam 2015, ngoài giải Bông sen Bạc, đây là bộ phim “bội thu” nhiều giải thưởng nhất ở các hạng mục: Nữ diễn viên chính, Âm nhạc, Quay phim, Thiết kế mỹ thuật xuất sắc nhất. Cuộc đời của Yến tiếp tục giành giải Cánh diều Bạc 2015, giải Đạo diễn điện ảnh xuất sắc và Âm nhạc xuất sắc của Hội Điện ảnh Việt Nam. Gần đây nhất, bộ phim này đã vượt qua những đối thủ đáng gờm để giành giải Phim hay nhất trong Liên hoan phim công chiếu quốc tế lần đầu (WPFF) 2016 tổ chức tại Phi-li-pin. Đối với một đạo diễn trẻ, đây là những “quả ngọt” còn hơn cả mong đợi. Mới đây, tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội-HANIFF 2016, phim dài “Taxi, em tên gì” do Đinh Tuấn Vũ đạo diễn đã giành giải Phim Việt Nam được khán giả yêu thích nhất.
Chàng đạo diễn trẻ hiện đang tìm kiếm cơ hội du học tại những đất nước có nền điện ảnh phát triển với mong muốn sẽ làm ra những bộ phim Việt Nam giàu chất lượng và giá trị nghệ thuật.
Nguyễn Phi Phi Anh mang nhạc kịch về Việt Nam
Trong vòng ba năm, ra mắt hai vở nhạc kịch đình đám Góc phố danh vọng và Đêm hè sau cuối, chàng sinh viên sinh năm 1991 Khoa Đạo diễn, biên kịch tại Trường đại học Hampshire (Mỹ) đã tốt nghiệp và quyết định trở về Việt Nam, mang theo Dự án Hope gây bất ngờ giới sân khấu nước nhà. Lần đầu tiên, khán phòng Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội sáng đèn gần 40 đêm, diễn ba vở nhạc kịch của Nguyễn Phi Phi Anh. Ngoài hai tác phẩm nêu trên được dựng lại, có thêm một vở mới mang tên Mộng ước. Điều đặc biệt là, dù các vở diễn cũng không phải hoàn toàn mới, nhưng suất diễn nào cũng bán hết sạch vé. Nếu Góc phố danh vọng mang mầu sắc trong sáng, lãng mạn, hài hước thì Đêm hè sau cuối cuốn hút người xem bằng những tình tiết hồi hộp, ly kỳ đòi hỏi phải suy luận, động não. Trong khi đó, Mộng ước lại là khúc nhạc sâu lắng, ngọt ngào mang đậm nét tâm hồn Á Đông.
Phi Anh và các cộng sự đã phá vỡ định kiến bấy lâu nay về nhạc kịch. Đó là loại hình không chỉ mang tính hàn lâm mà còn rất dễ tiếp nhận và giàu tính giải trí. Phi Anh đã đưa kỹ xảo dàn dựng nhạc kịch của phương Tây vào những câu chuyện mang đậm hồn cốt Việt. Ở đó, xuất hiện những cái tên nửa Việt nửa Tây, những bộ trang phục sành điệu, các bản hit đình đám của Lady Gaga, Britney Spears… cùng các bản nhạc bất tử của những vở nhạc kịch nổi tiếng Cabarret, Grease...