“Vươn bóoc vươn”, hát ống, là hai bên nam và nữ cùng hát thông qua một dụng cụ là hai chiếc ống bằng tre có đường kính từ 7-10 cm, dài chừng 15-20 cm thông hai đầu, một đầu được bịt bằng da ếch, liên kết hai ống với nhau bởi một sợi chỉ mầu buộc vào hai chiếc kim khâu. Tùy thuộc vào cự ly hát mà sợi dây dài hay ngắn, thường là từ 60 đến 70 sải tay. Khi hát, âm thanh làm các màng da ếch rung lên, tín hiệu âm thanh truyền qua sợi dây tới đầu ống bên kia, người nghe dù đứng xa hàng chục mét vẫn nghe rõ tựa như phát ra từ loa nhỏ.
Hát ống có giai điệu đơn giản, gần gũi, dễ học, dễ thuộc, lời hát thường là những câu lục bát. Điểm mạnh của hát ống chính là ở ngôn từ phong phú, khả năng ứng biến linh hoạt của người hát cũng như sự sáng tạo trong lời bài hát. Trong quá trình hát, người hát có thể tự sáng tác sao cho phù hợp với hoàn cảnh. “Thương nhau nước đựng sàng không lọt/Không thương nước đựng thau còn chảy/Thương nhau mười ngày đường cũng tới/Không thương nhau nhà dưới cũng xa…”. Và rồi khi kết nhau, họ ngồi bên nhau cất tiếng hát tâm tình, thổ lộ tình yêu: “Em ở bản nào/Cách vài ngọn núi/Anh muốn biết giờ đây em đang thêu khăn hay lên rẫy/Để nỗi nhớ đốt lòng anh như lửa cháy đốt trên nương…/Tình đã trao sao phải đợi đến chợ phiên mới gặp nhau/Mùa này hoa lê trắng/Trắng tình ta như hoa rừng…/Để nỗi nhớ cứ theo mây lang thang trên triền núi/Cho lòng anh muốn… gửi tới em tiếng đàn này nói thay lời chung thủy…”.
Hát ống “vươn Giáy” với phần ca từ dung dị, ít gọt giũa nhưng nhạc điệu lại có sức lay động lòng người đã phản ánh một cách trung thực đời sống vật chất và tinh thần dân tộc Giáy một cách đơn giản mà sâu sắc. Mỗi lời ca đều thấm đượm tình yêu cuộc sống, con người. “Vươn Giáy” chính là một mỹ tục đặc sắc, được truyền từ đời này sang đời khác, góp phần phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan của cả cộng đồng. “Vươn Giáy” là phương thức thể hiện phong phú, độc đáo ước mơ cũng như khát vọng cháy bỏng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào dân tộc Giáy vùng đại ngàn Tây Bắc.