Dấu tích “Buổi bình minh...”

Không chỉ trở thành một phát hiện có ý nghĩa đặc biệt đối với khảo cổ học Việt Nam, những dấu tích của thời đại sơ kỳ đá cũ phát lộ tại An Khê (Gia Lai) đang đặt ra nhiều câu hỏi trong việc định hình, nhìn nhận lại một số quan điểm về con đường phát triển của loài người trong thời kỳ tối cổ, ở khu vực và tầm mức liên châu lục.

Các nhà khảo cổ học Việt Nam và Nga tại điểm khai quật di tích Rộc Tưng (An Khê).
Các nhà khảo cổ học Việt Nam và Nga tại điểm khai quật di tích Rộc Tưng (An Khê).

Được phát hiện từ năm 2014, những dấu tích đầu tiên phát lộ tại khu vực An Khê đã lập tức thu hút sự chú ý của các nhà khảo cổ học Việt Nam và các nhà khoa học của Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Nô-vô-xi-biếc (Novosibirsk), Viện Hàn lâm khoa học CHLB Nga (đang hợp tác nghiên cứu cùng Viện Khảo cổ học Việt Nam). Trong hơn một năm sau đó, các nhà khoa học hai nước đã liên tục điền dã, mở rộng khảo sát, tiến hành khai quật một số địa điểm, và đã tìm ra thêm nhiều dấu tích đặc biệt được xác định dựa trên quan sát, so sánh, đối chiếu… là thuộc về chủ nhân là người đứng thẳng (Homo erectus) thuộc giai đoạn phát triển tối cổ của loài người.

Di vật phát hiện tại các địa điểm khai quật ở An Khê rất phong phú và đa dạng, với hơn 500 di vật, gồm rìu tay, mũi nhọn tam diện, công cụ ghè hai mặt, nạo, chày, hòn ghè, mảnh tước… Điều đặc biệt là các di vật được tìm thấy trong lớp phong hóa của đá granit khá nguyên vẹn (được coi là lớp bề mặt trái đất giai đoạn sớm nhất), nằm lẫn cùng các mảnh thiên thạch (tectits). Theo các nhà khoa học, các mảnh thiên thạch ở vùng An Khê đã được phân tích niên đại và cho kết quả khoảng 800 nghìn năm cách ngày nay.

Trong hệ thống các di vật thu được từ 11 địa điểm tập trung trong thung lũng bồn địa xã Xuân An (thị xã An Khê), theo đánh giá của PGS, TS Nguyễn Khắc Sử, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Khảo cổ học Việt Nam, đáng chú ý nhất là sự xuất hiện của một số loại hình công cụ tiêu biểu sơ kỳ Đá cũ như ghè hai mặt - rìu tay (bifaces/handaxes), ghè hết một mặt (inifaces), mũi nhọn/tam diện (pike/triagle) và công cụ chặt (chopper/choping-tools). Hệ thống công cụ này mang nhiều dáng nét cổ xưa hơn tất cả các hệ thống di vật của các di tích gọi là sơ kỳ Đá cũ hiện biết ở Việt Nam, như Núi Đọ (niên đại khoảng 400 nghìn năm cách ngày nay), Thẩm Hai - Thẩm Khuyên (niên đại khoảng 500 nghìn năm cách ngày nay). Qua so sánh, nhận diện hệ thống di vật này, các nhà khoa học đã bước đầu hình thành những đặc điểm riêng tạo nên nét đặc sắc của Kỹ nghệ An Khê và định vị giá trị đặc biệt của hệ thống di tích mới phát lộ này trong bối cảnh sơ kỳ Đá cũ Việt Nam và khu vực.

Dấu tích “Buổi bình minh...” ảnh 1

Rìu tay được tìm thấy tại các điểm di tích Rộc Gáo và Rộc Lớn (An Khê, Gia Lai).

Trong một so sánh, đối chiếu các nhà khoa học Việt Nam đã có chuyến khảo sát đồng thời mời một số nhà khảo cổ học Trung Quốc - nơi có di chỉ khảo cổ học Bách Sắc (Quảng Tây) đã được xác định niên đại khoảng 800 nghìn năm cách ngày nay, đến khảo sát và so sánh với hệ thống di vật của An Khê và đã ghi nhận một số nét tương đồng. Đây cũng là một trong những căn cứ để nhận định, hệ thống di chỉ khảo cổ học An Khê có niên đại khoảng 700 nghìn đến 900 nghìn năm cách ngày nay.

Nếu giá trị niên đại này tiếp tục được khẳng định tại các trung tâm nghiên cứu, kiểm định lớn của thế giới thì cùng với Bách Sắc, hệ thống di chỉ An Khê sẽ là một minh chứng xác định Việt Nam và khu vực Đông - Nam Á cũng là nơi hình thành và phát triển của con người cổ xưa nhất. Theo đó, những con người đứng thẳng đầu tiên từ châu Phi di cư đã chia ngay thành nhiều nhánh, và có thể có một nhánh từ rất sớm đã đi vào Đông - Nam Á, trong đó có Việt Nam, cũng như vào Quảng Tây (Trung Quốc), chứ không như các giả thuyết lâu nay vẫn cho rằng, con người cổ xưa từ châu Phi đi sang châu Âu rồi mới từ đó đi dần sang Bắc Á và đi xuống.

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Gia Lai Phan Xuân Vũ cho biết, tỉnh đang phối hợp Viện Hàn lâm khoa học Xã hội Việt Nam nghiên cứu xác định chính xác giá trị và tiến tới xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận hệ thống di chỉ khảo cổ học An Khê là Di tích quốc gia đặc biệt…