Khi phương thức sống của nhân loại thay đổi

Các nền tảng mạng xã hội trên Internet đã thay đổi phương thức sống của nhân loại trong vòng mười năm trở lại đây. Rất nhiều hiệu ứng tích cực có thể được nhìn thấy dễ dàng. Nhưng cũng không ít những mặt tối.

Khi phương thức sống của nhân loại thay đổi

Một ma trận thông tin

Để kể ra một câu chuyện tiêu biểu cho những đặc tính của mạng xã hội tại Việt Nam, đó có thể là câu chuyện về vi-rút Ebola. Tháng 8-2014, khi vi-rút Ebola đang là nỗi ám ảnh toàn cầu, trên facebook bỗng xuất hiện một thông tin đáng sợ: đã có ca nhiễm Ebola tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Thông tin này lây lan với tốc độ chóng mặt. Trong buổi chiều muộn ngày 11-8 năm đó, người dùng facebook Việt Nam đăng rất nhiều dòng trạng thái hoảng sợ, kêu gọi người thân về sớm, tránh ở ngoài đường.

Nhưng cũng rất nhanh, trong buổi tối đó, lãnh đạo Vụ Truyền thông, Bộ Y tế liên hệ với các “hot facebooker” (người dùng facebook có uy tín cá nhân lớn) và nhờ đăng tải thông tin cải chính: trên thực tế, không có một ca nhiễm Ebola nào ở Bạch Mai. Đây chỉ là một hoang tin. Nhờ động thái này, những hoảng sợ cũng được dập đi rất nhanh.

Câu chuyện này khá kinh điển, đã được đưa ra làm thí dụ trong các bài viết đăng trên tạp chí Mosaic Science (Anh) và The Atlantic (Mỹ) khi nói đến vai trò của mạng xã hội trong kiểm soát bệnh dịch tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong câu chuyện đó, người ta nhìn thấy tác dụng của mạng xã hội facebook trong việc lan truyền cả thông tin xấu và thông tin tốt. Đặc điểm làm nên sức mạnh của mạng xã hội chính là nó lan tỏa thông tin cực nhanh. Nhưng đó cũng là điểm yếu: Nó lan truyền mà có thể không hề được kiểm chứng.

Đã có rất nhiều lần mạng xã hội tiếp tay cho những tin đồn xấu. Nhiều người hẳn vẫn nhớ thông tin “trong nước lèo hủ tíu có thịt chuột”, một thông tin không biết được đưa ra từ ai nhưng đã lây lan cực nhanh và khiến các tiểu thương bán hủ tíu điêu đứng. Đôi lúc, việc cải chính là quá muộn, khi thông tin đã gây hậu quả.

Thế giới cũng đã có những bài học từ việc tin đồn trên mạng xã hội gây hậu quả. Cuộc bạo động ở Luân Đôn (Anh) năm 2011 được cho là bị kích động bởi những tin đồn trên mạng. Bắt nguồn từ một vụ cảnh sát bắn chết một công dân, những sự thêm thắt lây lan chóng mặt đã kích động đám đông, tạo ra một khung cảnh hỗn loạn ở thủ đô nước Anh, khi nhiều xe cộ, nhà cửa bị đập phá, 5 người chết, 200 người bị thương và 3.000 người bị bắt.

Sau sự kiện này, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng sẽ không có cách nào ngăn cản thông tin xấu lây lan trên mạng xã hội: Một tin tiêu cực lan nhanh gấp bốn lần tin tích cực. Hậu quả chỉ tránh được với những “bộ lọc” là các chuyên gia, nhà phân tích, nhân vật có uy tín trên mạng lên tiếng cải chính kịp thời.

Nhưng tất nhiên, đó cũng là nơi lan truyền những thông tin tốt. Người ta đã chứng kiến nhiều phong trào từ thiện, tình nguyện tốt đẹp được tiếp sức bởi mạng xã hội. Đó là nơi mà “tính cộng đồng” được phát huy tối đa. Hàng chục tỷ đồng đã được quyên góp từ mạng xã hội để người dân vùng thiên tai, lũ lụt khắc phục khó khăn, sớm vươn lên ổn định cuộc sống, hỗ trợ người neo đơn, tàn tật hay gặp nạn, hỗ trợ nhiều trẻ em miền núi có thêm điều kiện đến trường... Rất nhiều mô hình từ thiện tương tự, với quy mô quyên góp không hề nhỏ, lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm, được duy trì bởi facebook.

Quá tải truyền thông

Nội dung đa dạng, tính chất phức tạp, lan truyền cực nhanh, mạng xã hội tạo ra điều gì với tâm lý người dùng?

Có một khái niệm được đề xuất cách đây vài năm, gọi là “quá tải truyền thông”. Với khối lượng thông tin khổng lồ như vậy, người tiếp nhận có thể trở nên… lãnh cảm với thông tin. Một nghiên cứu năm 1997 trên não của loài linh trưởng gợi ý rằng não người chỉ quản lý tốt nhất 150 mối quan hệ. Đó cũng là số liên hệ mà bạn có trong những chiếc máy điện thoại Nokia đời đầu. Nhưng ngày nay, các nền tảng mạng xã hội cho phép người dùng có đến hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tương tác mỗi ngày.

Hãy tưởng tượng rằng nếu bạn sống trong một ngôi làng có 150 nhân khẩu (số quan hệ chuẩn). Việc một ai đó trong làng có một đứa trẻ, hay tổ chức đám cưới sẽ là một sự kiện đầy xúc động. Nhưng trong một ngôi làng có 5.000 người (số quan hệ facebook cung cấp ngày nay), và mọi người liên tục đăng các bức ảnh con cái, vui chơi, sinh nhật, cưới hỏi,… hằng ngày, hằng giờ, thì cảm xúc sẽ thay đổi. Nó sẽ nhạt nhẽo đi.

Sự quá tải truyền thông còn được tạo ra bởi việc xử lý thông tin ngày càng phức tạp. Như đã nói ở trên, tin tốt, tin xấu, tin nhảm, trộn lẫn với một khối lượng khổng lồ. Não của chúng ta sẽ từ chối xử lý từng đó thông tin. Và đó cũng là nguyên nhân mà các tin đồn sẽ được lây lan một cách tự nhiên.

Hiệu ứng thứ hai, là sự hướng nội và thậm chí là ích kỷ. Có một quan niệm phổ biến là Internet sẽ khiến chúng ta hướng ngoại, giao lưu nhiều hơn, có một suy nghĩ cởi mở hơn khi được tiếp xúc với nhiều tư tưởng khác nhau. Nhưng như đã nói ở trên, mạng xã hội có thể khiến người ta bị quá tải. Khi người dùng quá tải, mạng xã hội cung cấp một xu hướng khác: Họ tìm những người nghĩ giống mình và tạo ra một cộng đồng.

Sẽ không bao giờ là đủ, để phân tích các khía cạnh của mạng xã hội, nếu như đã xác định nó “thay đổi phương thức sống của nhân loại”. Chỉ xin quay trở lại với câu chuyện về tin đồn vi-rút Ebola ở trên.

Hai người tung tin đồn về Ebola đã bị triệu tập và xử lý theo pháp luật. Nhưng các nhà quản lý cũng đã có bài học của mình. Hai năm sau, khi dịch Zika bùng phát trong khu vực, Vụ Truyền thông, Bộ Y tế đã rất chủ động trong việc cung cấp thông tin về vi-rút Zika trên facebook. Các diễn biến của dịch, các đặc điểm của bệnh, kèm những khuyến cáo phòng dịch..., được đưa ra trên mạng xã hội song song với báo chí.

Để mạng xã hội phát huy mặt sáng, rất cần thêm những bài học được tiếp nhận như thế. Xu hướng sử dụng mạng xã hội cho các kênh thông tin chính thống đang phát triển. Nhiều sự kiện quan trọng giờ cũng được tường thuật trực tiếp trên facebook, thu hút rất đông người xem. Đã xuất hiện những lãnh đạo sử dụng facebook để lắng nghe ý kiến người dân và cung cấp thông tin khoa học. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa đủ với đòi hỏi của xã hội.

Và tất nhiên, mỗi người dùng, cũng cần ý thức được rằng facebook có thể không chỉ là một cuộc chơi - nó có tác động thật sự và mạnh mẽ đến tâm lý con người. Làm thế nào để tránh các tác động ấy, để không trở thành một người lãnh cảm, một người dễ dãi với thông tin, hay tệ nhất là nghiện facebook, cần rất nhiều sự cẩn trọng mỗi lần mở khóa màn hình điện thoại thông minh.